TỔNG QUAN VỀ BỆNH Cao Huyết Áp
Cao Huyết Áp là gì?
Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,...
Một số loại cao huyết áp chủ yếu, bao gồm:
- Cao huyết áp vô căn (hay nguyên phát, bệnh tăng huyết áp): không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp;
- Tăng huyết áp thứ phát (Dấu hiệu của bệnh khác): Liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết;
- Cao tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường;
- Tăng huyết áp khi mang thai (bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật): Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.

Nguyên nhân gây bệnh
Đa phần bệnh thường gặp ở người lớn tuổi không có nguyên nhân:

Ăn quá mặn (muối) hoặc quá nhiều đồ ngọt (đường) làm cơ thể cần phải giữ nước nhiều hơn, dẫn đến tim và mạch máu của bạn bị quá tải làm tăng huyết áp.

Sự căng thẳng, trầm cảm khiến huyết áp tăng lên hơn 14 mmHg. Nỗi sợ hãi bị ruồng bỏ, sự thất vọng, cảm giác cần an toàn hơn, cần được bảo vệ làm thay đổi cách cơ thể bạn hoạt động, do đó có thể làm tăng huyết áp.

Tỷ lệ bị tăng huyết áp và bệnh tim mạch cao hơn ở người bị ngưng thở khi ngủ. Đó là do khi bạn có cơn ngừng thở khi ngủ, cơ thể bạn giải phóng ra hoạt chất hóa học gây tăng huyết áp.

Bệnh có tính gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc tình trạng này, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường.

Một số bệnh lý như u tuyến giáp, bệnh thận, tim mạch… làm tăng cao huyết áp. Đây được gọi là cao huyết áp thứ phát.

Một số thuốc chống viêm, thuốc phá thai, thuốc trầm cảm, một số loại thảo dược như: bạch quả, nhân sâm, guarana, ma hoàng, cam đắng… có thể làm tăng huyết áp, hoặc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc, kể cả thuốc kiểm soát huyết áp.
Đối tượng
Bạn có nguy cơ tăng huyết áp nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố được liệt kê dưới đây:
- Tuổi: người lớn tuổi có nguy cơ cao huyết áp.
- Giới tính: phụ nữ sau mãn kinh có nhiều khả năng sẽ mắc cao huyết áp hơn, và đàn ông dưới 45 tuổi có nhiều khả năng mắc cao huyết áp hơn so với phụ nữ.
- Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng bị cao huyết áp.
- Tiền sử gia đình: nếu các thành viên trong gia đình của bạn (cha mẹ hoặc anh chị) mắc bệnh cao huyết áp, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh.
Đối với người lớn tuổi, những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp bao gồm:
- Thừa cân;
- Không tập thể dục thường xuyên;
- Chế độ ăn uống không lành mạnh;
- Tiêu thụ quá nhiều muối;
- Uống rượu;
- Hút thuốc lá;
- Mắc chứng ngưng thở lúc ngủ;
Căng thẳng.
Triệu chứng
Hầu hết người bị bệnh cao huyết áp không gặp bất kỳ triệu chứng nào, đó là lý do vì sao cao huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Tuy nhiên, thông qua việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, người bệnh có thể nhận biết mình có bị cao huyết áp hay không. Nếu như người bệnh bị cao huyết áp, dưới đây là 7 triệu chứng cao huyết áp thường gặp không nên lơ là:
- nhức đầu.
- buồn nôn.
- chóng mặt, choáng.
- xuất huyết kết mạc.
- chảy máu cam.
- đau tim.
- tê, ngứa râm ran các chi.
Biến chứng nguy hiểm
Khi bệnh Cao huyết áp chuyển sang giai đoạn nặng, các biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm có thể xảy ra bao gồm:

Cao huyết áp ở người bị béo phì hay cao tuổi thường khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng phì đại thất trái. Đây là một trong những lý do phổ biến dẫn đến đột quỵ bất ngờ, tăng nguy cơ tử vong.

Tăng huyết áp có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn động mạch vành khiến cho quá trình lưu thông máu đến tim bị cản trở. Lúc này người bệnh sẽ có biểu hiện đau tức ngực, khó thở kéo dài trong khoảng từ 15 - 20 phút. Tình trạng kéo dài còn gây ra biểu hiện tê cứng, đau nhức cánh tay.

Không chỉ có đột quỵ, suy tim cũng là một biến chứng tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng cao, tim sẽ hoạt động co bóp liên tục với tần suất cao để bơm máu tới các mạch máu ngoại biên. Tình trạng này nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến phì đại cơ tim, giảm khả năng đàn hồi dẫn tới suy giảm chức năng.

Tăng huyết áp có thể khiến các mạch máu tại võng mạc mắt co thắt, phù nề hoặc biến dạng. Mức độ biến chứng nặng nhất là xuất huyết võng mạc khiến mắt mờ hoặc người bệnh không thể nhìn thấy.

Biến chứng tăng huyết áp lên não có thể dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ, thường gặp phổ biến ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, một số bệnh lý về não cũng có thể xảy ra nếu tăng huyết áp không được kiểm soát kịp thời.

Ngoài những biến chứng nguy hiểm và phổ biến nói trên thì tăng huyết áp còn có thể gây ra những ảnh hưởng sau: Rối loạn cương dương ở nam giới, bệnh tiểu đường, một số vấn đề về thận.
Chẩn đoán bệnh
Đo huyết áp đúng là điều kiện tiên quyết để xác định chẩn đoán tăng huyết áp
Chẩn đoán lâm sàng
Bằng kinh nghiệm bác sĩ sẽ quan sát và tiến hành trao đổi để khai thác thông tin, bước đầu xác định mức độ và dự đoán nguyên nhân.
- Hỏi bệnh nhân về các triệu chứng gặp phải, mức độ, tần suất
- Khai thác tiền sử gia đình, bệnh lý mắc phải.
- Hỏi về công việc, thói quen sinh hoạt, ăn uống…
- Bác sĩ sẽ chỉ cần đo huyết áp theo quy trình chuẩn tại phòng khám, tăng huyết áp khi huyết áp ≥ 140/90mmHg.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Điện tâm đồ (ECG);
- Chụp X-quang ngực;
- Chụp cắt lớp điện toán (CT scan).
Các xét nghiệm này để loại trừ bất kỳ nguyên nhân khác có thể có của bệnh cao huyết áp. Nếu không có nguyên nhân khác, bạn sẽ được chẩn đoán mắc cao huyết áp nguyên phát.
Điều trị
Mục tiêu điều trị cao huyết áp là để giữ cho huyết áp của bệnh nhân ổn định ở mức cho phép, thường là dưới 140/90 mmHg đối với mức huyết áp mục tiêu chung. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo các bệnh liên quan như đái tháo đường hoặc bệnh thận mãn tính, bác sĩ sẽ đề nghị một liệu trình điều trị nghiêm ngặt hơn để giữ cho huyết áp ổn định ở mức dưới 130/80 mmHg. Lưu ý, các mức huyết áp mục tiêu có thể khác nhau theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Sau đây là các phương pháp chữa trị cao huyết áp:
Các mức huyết áp mục tiêu có thể khác nhau theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể.
Thay đổi lối sống
Biện pháp không dùng thuốc bao giờ cũng chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng trong liệu trình điều trị chung. Theo lời khuyên của các bác sĩ, bệnh nhân có thể kiểm soát huyết áp bằng cách:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Lành mạnh hơn và dùng ít muối (dưới 6g/ngày);
- Tập thể dục đều đặn, vừa sức;
- Cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân theo hướng dẫn;
- Ngừng hoặc hạn chế tối đa uống rượu, bỏ hút thuốc;
- Tránh nhiễm lạnh đột ngột;
- Kiểm soát tốt các bệnh liên quan;
- Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp đúng theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Thường xuyên theo dõi sự thay đổi của huyết áp ngay tại nhà với máy đo thích hợp.
Thuốc điều trị cao huyết áp
Nếu như thay đổi lối sống không đem lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng thuốc theo toa.
Mặc dù các phác đồ điều trị cao huyết áp đã được đưa ra và thử nghiệm rất nhiều lần. Tuy nhiên, trong suốt quá trình diễn tiến của bệnh, bác sĩ sẽ theo dõi và có thể thay đổi, tăng giảm liều, phối hợp thêm thuốc hoặc bỏ bớt thuốc cho đến khi xác định được phác đồ điều trị phù hợp nhất đối với bệnh nhân. Hãy lưu ý về tình hình sức khỏe trước và sau khi dùng thuốc để thông báo cho bác sĩ về các tác dụng không mong muốn trong khi dùng thuốc theo phác đồ. Dùng thuốc thường xuyên để bình ổn huyết áp. Điều trị tăng huyết áp là điều trị cả đời. Không tự ý ngừng điều trị, cần phải tham vấn bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, bệnh cao huyết áp còn có thể được kiểm soát tốt bằng các bài thuốc trị tăng huyết áp theo hướng dẫn của thầy thuốc đông y.
Điều trị cao huyết áp trong trường hợp khẩn cấp
Một số trường hợp cao huyết áp cấp cứu cần phải được chữa trị ngay lập tức tại phòng cấp cứu hoặc phòng chăm sóc đặc biệt, vì lúc này nguy cơ bệnh nhân tử vong là khá cao. Bệnh nhân có thể được thở oxy và dùng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp để nhanh chóng cải thiện tình hình.
Hầu hết các bệnh tim mạch ở nước ta, đặc biệt là những bệnh lý mãn tính phổ biến như cao huyết áp, vấn đề tuân thủ điều trị luôn là điều khiến cho các bác sĩ đau đầu. Do việc điều trị thường phải phối hợp nhiều thuốc, dẫn đến việc bệnh nhân quên uống thuốc, hoặc có thuốc nhưng không uống, hoặc dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, hậu quả là hiệu quả điều trị tăng huyết áp không được cao. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải thật sự nghiêm túc trong việc chữa trị bệnh của chính bản thân mình, phối hợp tốt với bác sĩ để tối đa hóa hiệu quả điều trị.
Phòng ngừa
Tăng huyết áp là một dạng bệnh không thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát triệu chứng, tránh tình trạng tăng huyết áp quá cao, bất ngờ gây biến chứng. Những bệnh nhân cao huyết áp cần lưu ý:
Để phòng ngừa tăng huyết áp mọi người nên thực hiện lối sống tốt cho sức khỏe từ sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy duy trì cân nặng lý tưởng, tập thể dục đều đặn, chế độ ăn cho người bị tăng huyết áp phù hợp.
- Chế độ ăn lành mạnh: ít chất béo; ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn cá, thịt gia cầm loại bỏ da… đây là những thực phẩm người bị cao huyết áp nên ăn.
- Giảm lượng muối ăn vào, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần, tăng cường vận động thể lực, chơi thể thao. Việc tập luyện thể dục giúp giảm huyết áp, giảm cân hoặc giữ cho bạn cân nặng phù hợp, và giảm stress
- Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu dư cân
- Hạn chế uống rượu bia
- Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc
- Cân bằng cuộc sống, tránh căng thẳng
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những mối nguy cơ có thể điều chỉnh được
Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn