TỔNG QUAN VỀ BỆNH Viêm xoang trán
Viêm xoang trán là gì?
Xoang trán gồm 2 khoang nhỏ nằm ngay trên ổ mắt chứa đầy không khí, tương đương với vị trí ở vùng lông mày. Thông thường xoang trán sẽ tiết ra một ít chất nhầy chảy qua đường mũi. Viêm xoang trán xảy ra khi chất nhầy không thoát được ra và bị bít tắc lại trong xoang, từ đó dẫn đến tăng áp lực quanh vùng mắt và trán.
Viêm xoang trán với biểu hiện gây đau nhức vùng trán, là bệnh thường gặp nhất trong tất cả các thể viêm xoang. Đây là một bệnh khá phổ biến và rất dễ phát sinh khi thời tiết lạnh và khô hanh, đặc biệt là vào mùa thu đông.
Viêm xoang trán được phân thành các loại:
- Viêm xoang trán cấp tính: Khi các triệu chứng viêm xoang trán kéo dài hơn 4 tuần nhưng ít hơn 12 tuần.
- Viêm xoang trán mạn tính: Các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần kèm nhiều biểu hiện khó xử lý.
- Viêm xoang tái phát: Người bệnh bị viêm xoang cấp tính nhiều lần, đặc biệt là trường hợp người bệnh bị hen suyễn hoặc có liên quan đến tình trạng dị ứng.

Nguyên nhân gây bệnh
Các nguyên nhân gây viêm xoang trán bao gồm:

Nhiễm virus đường hô hấp trên có thể dẫn đến bệnh viêm xoang trán vì sẽ gây tắc nghẽn đường dẫn lưu xoang, làm chất nhầy trong xoang trán bị ứ đọng, dẫn đến tình trạng dẫn đến viêm xoang trán.

Nếu các biểu hiện viêm xoang kéo dài hơn 10 ngày thì rất có thể bạn viêm xoang trán do nhiễm khuẩn. Trong một số trường hợp, nhiễm khuẩn xảy ra sau khi cơ thể bị nhiễm virus khiến cho bệnh diễn biến nặng hơn.

Viêm xoang trán có thể khởi phát từ viêm mũi dị ứng khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật,... trong thời gian dài.

Lệch vách ngăn mũi làm ứ đọng dịch nhầy trong hốc mũi gây khó thở hoặc làm tắc nghẽn các xoang và có thể gây ra nhiễm trùng xoang trán.

Polyp mũi có thể ngăn chặn lưu thông khí huyết và dịch nhầy qua mũi, là nguyên nhân gián tiếp khiến xoang trán bị viêm.

Ngoài ra, một số yếu tố tăng nguy cơ viêm xoang trán là: sâu răng, nhiễm trùng hàm trên, chấn thương, suy giảm sức đề kháng, tiếp xúc nhiều với khói thuốc, môi trường ô nhiễm…
Đối tượng
Đối tượng phổ biến gây bệnh viêm xoang trán là:
- Người có bất thường về cơ thể học như: Vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuốn mũi, có polyp mũi…
- Người có tiền sử viêm nhiễm các cơ quan lân cận với xoang: Viêm mũi, viêm họng, viêm amydal, sâu răng, viêm tủy răng,…
- Người có tiền sử dị ứng là đối tượng dễ bị mắc viêm xoang
- Phụ nữ trong thời gian mang thai
- Người làm việc thường xuyên với nhiều trẻ em
- Người hút thuốc lá
- Bị hen suyễn
- Nhiễm trùng răng và nướu
- Người có hệ miễn dịch suy giảm dễ bị mắc viêm xoang hơn
- Tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm như khói thuốc lá, khói bụi, lông động vật…
Triệu chứng
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm xoang trán là:
- Đau đầu và áp lực: Bệnh nhân thường trải qua cảm giác đau đầu và áp lực mạnh ở vùng trán. Cảm giác này có thể xuất hiện dưới dạng nhức đầu hoặc như một áp lực đè nặng.
- Đau và nhức mũi: Bệnh nhân có thể cảm thấy đau và nhức mũi, thường tập trung ở vùng xung quanh mũi và trán. Đau có thể gia tăng khi cúi xuống hoặc khi thay đổi áp lực trong vùng đầu.
- Tắc mũi và chảy mũi: Xoang trán viêm làm mất đi tính năng thông thoáng của xoang, gây tắc nghẽn mũi. Đồng thời, bệnh nhân cũng có thể gặp phải chảy mũi do sự tiết dịch tăng lên trong mũi.
- Hơi thở có mùi hôi: Hầu hết bệnh nhân viêm xoang trán gặp tình trạng hơi thở có mùi khó chịu gây mất tự tin khi gặp gỡ, giao tiếp với mọi người.
- Mệt mỏi và khó ngủ: Bệnh nhân thường trải qua tình trạng mệt mỏi và khó ngủ do cảm giác không thoải mái và đau đầu liên quan đến viêm xoang trán.
Biến chứng nguy hiểm
Xoang trán là khu vực nằm sâu, gần với nội sọ và các bộ phận vùng đầu, mắt. Vì vậy, nếu không khắc phục kịp thời, bệnh có thể sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Viêm xoang trán mạn tính sẽ có những vấn đề xấu xảy ra đối với thị lực của người bệnh như: Viêm ổ mắt, Áp xe mí mắt, Viêm gây thần kinh của thị giác sau nhãn cầu gây khó phân biệt màu sắc.

Viêm tủy xương là một biến chứng tiềm ẩn tại chỗ thường xảy ra nhất với viêm xoang trán, biểu hiện bằng một khối u sưng húp hoặc một áp xe dưới xương kèm với phù nề cục bộ trước xoang trán.

Nhiễm trùng xoang do vi khuẩn hoặc nấm có thể lan đến xương sọ (viêm tủy xương) hoặc vào não, gây viêm màng não hoặc áp xe trong não, não úng thủy.

Tình trạng viêm tai giữa là biến chứng đặc trưng do bệnh viêm xoang gây ra đối với bộ phận tai. Nếu không chủ động điều trị đúng cách, kịp thời có thể gây điếc vì dịch mủ gây ra những áp lực làm thủng màng nhĩ.

Viêm tắc mạch máu ở xương trán, xương sọ: Có thể sẽ tiếp tục lây lan sang những vùng xung quanh như xương đỉnh, thái dương. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức, có thể sưng vùng xương trán, hình thành nên áp xe ở mũi.

Chèn ép dây thần kinh do các tổn thương trong xoang hang có thể dẫn đến liệt dây thần kinh vận nhãn, dây thần kinh khứu giác và thị giác.
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán lâm sàng
Viêm xoang trán có thể được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng như chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu, đau nhức vùng trán và tiền sử mắc bệnh tai mũi họng…
Chẩn đoán cận lâm sàng
Cận lâm sàng cũng có thể được chỉ định để củng cố chẩn đoán viêm xoang trán.
- Chụp CT và MRI.
- Nội soi mũi.
- Chọc dò tủy sống.
Điều trị
Có nhiều cách điều trị khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên bệnh viêm xoang trán bao gồm:
- Viêm xoang trán cấp tính do nhiễm virus có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Kế hoạch điều trị bao gồm nghỉ ngơi nâng cao thể trạng. Để cải thiện triệu chứng cần uống nhiều nước và sử dụng thuốc xịt mũi hoặc thuốc thông mũi.
- Nếu tình trạng viêm xoang nguyên nhân là do vi khuẩn, ngoài các biện pháp điều trị triệu chứng của bệnh, bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh, ưu tiên sử dụng kháng sinh nhóm betalactam hoặc quilonone hô hấp.
- Nếu viêm xoang trán do dị ứng, người bệnh nên tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Kèm theo đó bệnh nhân cần sử dụng thuốc kháng histamin, liệu pháp miễn dịch hoặc giải mẫn cảm để điều trị.
- Khi điều trị nội khoa không được đáp ứng thì phẫu thuật xoang trán sẽ được thực hiện để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa đến tính mạng. Hoặc do các nguyên nhân bất thường giải phẫu như polyp mũi, lệch vách ngăn mũi,... Một số trường hợp viêm xoang trán cấp tính và tái phát ít nhất 3-4 lần/năm, hoặc viêm xoang trán do nấm cũng được cân nhắc phẫu thuật để điều trị.
khi bị viêm xoang cần điều trị sớm để tránh các biến chức nguy hiểm
Chữa viêm xoang bằng Tây y
- Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn hay dị ứng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị viêm xoang trán khác nhau.
- Thông thường, đơn thuốc điều trị viêm xoang trán hay có thuốc kháng sinh để giải quyết tình trạng nhiễm trùng, thuốc kháng histamine, thuốc xịt mũi và thuốc giảm đau.
- Trong trường hợp điều trị bằng thuốc trên 6 tháng mà bệnh không khỏi, bác sĩ sẽ chỉ định chọc xoang để hút dịch, phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn hoặc nạo xoang…
Chữa viêm xoang trán bằng Đông y
- Theo Y học cổ truyền, viêm xoang trán xảy ra do khí hư, tà độc xâm nhập vào cơ thể và gây ra tình trạng Can hỏa, Phế nhiệt, Thận âm hư. Để điều trị, cần phải chú trọng bài nùng, sinh cơ, bổ âm tàng dương, bổ thận, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
- Để điều trị bệnh, các lương y, bác sĩ YHCT thường sử dụng các bài thuốc dành riêng cho từng thể bệnh. Bên cạnh việc cải thiện triệu chứng bệnh, thuốc Đông y còn hướng tới mục tiêu bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch cho người bệnh.
Phòng ngừa
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng xoang, bạn nên tập một số thói quen tốt như:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc trước và sau khi ăn.
- Tránh các yếu tố kích ứng cho hệ hô hấp, chẳng hạn như thuốc lá, khói, bụi… Vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm rèn luyện thể chất thường xuyên và cân bằng chế độ dinh dưỡng mỗi ngày.
- Điều trị sớm khi bị cảm cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp.
- Tiêm ngừa cảm cúm mỗi năm, rửa tay thường xuyên, tránh nơi đông đúc, không khí ô nhiễm khi bệnh dịch lây lan…
- Bổ sung rau củ quả trong ăn uống, uống đủ nước, tránh căng thẳng
- Không để tình trạng nghẹt mũi kéo dài, điều trị dị ứng kịp thời và đúng cách, không dùng bừa bãi các loại thuốc xịt nhỏ mũi.
Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn