TỔNG QUAN VỀ BỆNH Liệt dây thần kinh chi trên
Liệt dây thần kinh chi trên là gì?
Liệt dây thần kinh chi trên là một tổn thương đám rối thần kinh cánh tay xảy ra khi các dây thần kinh này bị kéo căng, đè nén hoặc trong những trường hợp nghiêm trọng nhất là bị đứt rời hoặc xé rách khỏi tủy sống.
Các dây thần kinh (TK) của chi trên đều xuất phát từ đám rối cánh tay (ĐRCT). Tùy theo mức độ và vị trí tổn thương ĐRCT này, chức năng vận động khớp và vùng cảm giác của chi sẽ bị liệt, từ mất vận động vùng khớp vai và gấp khớp khuỷu cho đến mất vận động và cảm giác vùng bàn tay và các ngón hay mất vận động và cảm giác toàn bộ chi thể do tổn thương toàn bộ các rễ TK của ĐRCT.
Hình ảnh đám rối dây thần kinh cánh tay
Phân loại
Có nhiều cách phân loại tổn thương. Căn cứ vào giải phẫu hình thể, tổn thương ĐRCT được phân thành hai nhóm lớn là tổn thương trên đòn và dưới đòn. Trong tổn thương trên đòn mức rễ TK ĐRCT, lại được phân loại sâu thành hai nhóm là tổn thương trước hạch và tổn thương sau hạch. Với những tổn thương trước hạch, lựa chọn điều trị duy nhất là chuyển TK từ nguồn khác. Với những tổn thương sau hạch, có thể nối ghép phục hồi TK, tiên lượng tốt hơn. Trong thực tế điều trị và tiên lượng, các nhà lâm sàng căn cứ vào vị trí và số lượng các rễ TK của ĐRCT bị tổn thương và phân làm 3 loại:
- Tổn thương các rễ cao ĐRCT (C5, C6, ±C7).
- Tổn thương các rễ thấp ĐRCT (C8, T1).
- Tổn thương toàn bộ các rễ TK của ĐRCT (C5 -T1).
Nguyên nhân gây bệnh
Các nguyên nhân gây liệt dây thần kinh chi trên bao gồm:

Gẫy xương làm cắt ngang hoặc chèn ép dây thần kinh có thể xảy ra do chấn thương nếu không có sự can thiệp, làm mất các phản ứng cảm giác và vận động.

Các quá trình viêm của dây thần kinh hoặc rễ cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến các dây thần kinh.

Khối u phát triển trong đám rối thần kinh cánh tay hoặc gây áp lực lên đám rối và lan đến các dây thần kinh, gây tổn thương cho đám rối thần kinh cánh tay.

Thoái hóa tế bào thần kinh khu trú liên quan đến tiểu não có thể xảy ra trong một số rối loạn nhất định làm mất khả năng vận động và phối hợp các chi.
Đối tượng
- Phần lớn bệnh nhân liệt đám rối thần kinh ở cánh tay là trẻ sơ sinh. Các bé gặp phải chấn thương này trong quá trình sinh nở. Nếu thai phụ sinh khó hoặc thai nhi quá nặng cân, sinh ra với ngôi mông thì nguy cơ mắc bệnh tương đối cao.
- Tình trạng liệt đám rối thần kinh cánh tay có thể xảy ra ở người trưởng thành. Nguyên nhân chủ yếu gây ra chấn thương này đó là do bệnh nhân gặp tai nạn ngoài ý muốn. Đặc biệt, rất nhiều bệnh nhân gặp chấn thương sau khi gặp phải tai nạn giao thông.
- Công việc: Một số công việc có tỉ lệ mắc bệnh lý về một dây thần kinh cụ thể, ví dụ hội chứng ống cổ tay thường gặp ở những người công việc cần vận động cổ tay nhiều: người gõ bàn phím máy tính, lao công, bán hàng …
- Bệnh lý đi kèm: Viêm đa khớp, bệnh mô liên kết, đái tháo đường …
Triệu chứng
Tổn thương hoàn toàn đám rối TK cánh tay
- Mất vận động hoàn toàn chi trên
- Mất toàn bộ các loại cảm giác và phản xạ gân xương của chi trên
- Có thể gặp hội chứng Claude-Bernard - Horner: co hẹp đồng tử, hẹp khe mi, nhãn cầu thụt lùi về sau
Tổn thương thân nhất trên: Liệt Erb
- Liệt cơ delta do tổn thương dây TK mủ, không giơ được cánh tay lên cao.
- Liệt cơ nhị đầu do tổn thương dây TK cơ bì, không gấp được cẳng tay.
- Không có biểu hiện tổn thương dây TK quay, trụ và giữa.
- Giảm cảm giác đau bờ ngoài của vai, cánh tay, cẳng tay và nền đốt bàn một.
Liệt dây thần kinh gây mất cảm giác, vận động và phản xạ tay
Tổn thương thân nhất giữa, do rể C7 tạo nên khi tổn thương liệt dây TK quay
- Không duỗi được cổ tay và đốt 1 các ngón tay.
- Mất cảm giác đau mặt sau cẳng tay và mu tay, phản xạ gân cơ tam đầu còn.
Tổn thương thân nhất dưới: Liệt Klumpke.
- Giảm chức năng dây trụ, dây bì cánh tay, cẳng tay trong và một phần dây giữa.
- Liệt ngọn chi trên, cơ gian đốt, cơ gấp ngón tay va cơ gian đốt, mất động tác gấp.
- Khép và dạng các ngón tay mất động tác duỗi đốt ngón 2.3
- Mất cảm giác mặt trong cánh tay, cẳng tay và bàn tay. Teo cơ bàn tay.
- Mất phản xạ trụ sấp.
Tổn thương thân nhì ngoài
- Liệt cơ sấp tròn, cơ gan tay lớn và cơ gấp ngón cái.
- Liệt cơ nhị đầu và cơ cánh tay trước.
Tổn thương thân nhì dưới
- Mất cảm giác mặt trong cánh tay và cẳng tay.
- Tổn thương một phần dây TK trụ, dây TK giữa.
Tổn thương thân nhì sau
- Rối loạn cảm giác vùng mõm vai, mặt sau cẳng tay và nửa ngoài mu tay.
- Mất phản xạ cơ delta, cơ tam đàu và phản xạ trâm quay.
- Liệt cơ tam đầu, cơ duỗi bàn tay và ngón tay, cơ delta.
Biến chứng nguy hiểm
Tổn thương dây thần kinh ở chi trên nếu không được điều trị kịp thời gây ra những biến chứng:

Tổn thương dây thần kinh mũ dẫn đến teo cơ delta, liệt cơ delta làm cho bệnh nhân mất động tác giạng vai và đưa cánh tay ra trước.

Liệt thần kinh quay biểu hiện là teo cơ khu sau cẳng tay, bệnh nhân mất duỗi cổ tay, mất duỗi các ngón tay, mất duỗi, dạng ngón cái, bàn tay rủ cổ cò.

Do tổn thương toàn bộ các rễ TK của ĐRCT (C5, C6, C7, C8, T1) dẫn đến mất vận động và cảm giác toàn bộ chi thể, gây liệt cánh tay.
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán lâm sàng
- Hỏi về triệu chứng bệnh nhân gặp phải, thời gian gặp các triệu chứng.
- Liệt vận động các cơ do TK thuộc ĐRCT chi phối (khám từng nhóm cơ do các nhánh tận của ĐRCT chi phối).
- Liệt cảm giác do TK thuộc ĐRCT chi phối (khám phân vùng cảm giác của các dây TK, thứ tự từ vùng trên đòn, vai, cánh tay, cẳng tay tới bàn tay).
- Hội chứng Honner với 4 dấu hiệu (sụp mi, đồng tử co nhỏ, mắt trũng, khô mắt) là dấu hiệu chỉ điểm có tổn thương nhổ rễ C8 và T1.
- Đau chói khi gõ dọc đường đi của ĐHCT ở vùng trên xương đòn là dấu hiệu tổn thương đứt rễ và mỏm cụt trung tâm còn liên hệ với tủy. Ngược lại, nếu không gây đau thì hướng nhiều tới tổn thương nhổ rễ.
- Đau bỏng bỏng rát, đau nhói, đau như bị đâm hoặc như điện giật, cảm giác kiến bò, kim châm… là dấu hiệu hướng tới nhổ rễ.
Chẩn đoán cận lâm sàng
- Chụp X quang cột sống cổ, ngực, khớp và xương vùng chi trên để xác đinh nguyên nhân gây tổn thương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) trong nhóm nguyên nhân chèn ép của một dây thần kinh là rất quan trọng, đặc biệt là bệnh nhân có tiền sử ung thư.
- Các chẩn đoán điện: Điện cơ đồ (EMG) và đo dẫn truyền thần kinh (NCS) là phương tiện hiệu quả để xác định và phân loại bệnh thần kinh chi trên.
- Siêu âm: Được sử dụng như một công cụ phụ trợ quan trọng trong việc đánh giá nhiều tổn thương thần kinh chi trên. Siêu âm cho biết thông tin liên quan đến các hội chứng chèn ép dây thần kinh, chẳng hạn như hội chứng ống cổ tay, và sự mở rộng khu trú của dây thần kinh.
- Xét nghiệm huyết thanh: Xét nghiệm huyết thanh thường có giá trị hạn chế ở những bệnh nhân có các triệu chứng khu trú ảnh hưởng đến cánh tay.
Điều trị
Điều trị phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh cụ thể:
Dùng thuốc
- Điều trị giảm đau bằng: Gabapentin, Pregabalin, amtytriptilin …
- Liệu pháp corticoid tại chỗ có giá trị trong điều trị một số nguyên nhân do chèn ép như trong hội chứng đường hầm ống cổ tay, hội chứng kênh Guyon.
- Kháng sinh, thuốc ức chế vi rút trong trường hợp có nhiễm trùng.
Điều trị phẫu thuật
- Can thiệp phẫu thuật trong trường hợp đứt thần kinh, thần kinh bị chèn ép cần giải phóng thần kinh, trường hợp chấn thương phức tạp.
- Để điều trị liệt đám rối thần kinh cánh tay thành công thì bệnh nhân cần được phẫu thuật sớm nhất có thể, tránh tình trạng xơ dính các dây thần kinh thì việc phục hồi trong giai đoạn này sẽ trở nên rất khó khăn, gây nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân.
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả đặc biệt
Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng
Là phương pháp điều trị có nhiều hiệu quả đặc biệt cần được hướng dẫn bởi chuyên gia y tế tại cơ sở y tế và tập phục hồi chức năng tại nhà.
Tăng tuần hoàn, giảm phù nề các chi tổn thương.
- Chống co rút cơ.
- Chống cử động sai của các xương vùng bả vai và cánh tay.
- Tập vận động các cơ.
- Kích thích người bệnh cảm giác.
- Chích điện cường độ nhỏ để thực hiện phục hồi thần kinh sớm cho bệnh nhân.
Phòng ngừa
Một số nguyên nhân có thể dự phòng được như nhóm nguyên nhân chèn ép thần kinh liên quan đến thói quan làm việc tì đè thần kinh như thần kinh trụ đoạn khuỷu tay thường gặp trong người hay tì đè khuỷu tay xuống vật cứng (thợ kim hoàn …) hoặc hội chứng ống cổ tay (thường gặp người vận động gấp duỗi cổ tay nhiều như người bán hàng, lao công, giặt dũ bằng tay…)
An toàn trong lao động, sinh hoạt … cũng có giá trị trong dự phòng tổn thương thần kinh do chấn thương.
Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn