TỔNG QUAN VỀ BỆNH Táo bón

Táo bón là gì?

Táo bón (hay còn gọi là bón) là một tình trạng bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, với triệu chứng phân khô và cứng dẫn đến khó đi đại tiện kèm cảm giác đau hậu môn, thời gian đại tiện và rặn phân kéo dài hoặc nhiều ngày mới đi một lần (tần suất ít hơn 3 lần/tuần).

Tình trạng táo bón thường tự khỏi sau một thời gian ngắn và không nghiêm trọng khi thay đổi chế độ ăn uống, thói quen đi vệ sinh. Tuy nhiên, táo bón kéo dài là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý và có thể dẫn đến hậu quả khó lường, vì vậy cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón. Trong đó, táo bón nguyên phát có 3 nguyên nhân: Táo bón vận động ruột bình thường, táo bón vận động ruột chậm và rối loạn chức năng sàn chậu.

Nguyên nhân gây bệnh

Nhiều yếu tố có thể góp phần gây táo bón trẻ em, bao gồm:

Do chế độ ăn uống
Do chế độ ăn uống

Chế độ ăn ít chất xơ, dư thừa chất béo có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều đường, dùng quá nhiều chất gây lợi tiểu như trà, cà phê,... làm tăng hấp thụ nước ở ruột và phân khô cứng, uống không đủ nước.

Mắc bệnh lý tiêu hóa
Mắc bệnh lý tiêu hóa

Nếu mắc các bệnh nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn, hội chứng ruột kích thích, vấn đề tâm lý (trầm cảm, rối loạn lo âu); rối loạn nội tiết sẽ dễ gây táo bón.

Mắc bệnh về thần kinh
Mắc bệnh về thần kinh

Các rối loạn ở hệ thần kinh trung ương: Bệnh Parkinson, đa xơ cứng, đột qụy, các thương tổn ở tủy sống; Rối loạn thần kinh ngoại biên; Bệnh phình đại tràng bẩm sinh, u xơ thần kinh, bệnh lý thần kinh tự động.

Mang thai
Mang thai

Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cộng với áp lực từ tử cung gây chèn ép lên ruột, hoặc chế độ ăn thay đổi quá nhiều (từ chất xơ sang đạm) trong thai kỳ đều ảnh hưởng đến nhu động ruột dẫn đến táo bón.

Dùng một số loại thuốc
Dùng một số loại thuốc

Thuốc chống trầm cảm; thuốc kháng cholinergic; thuốc kháng axit; thuốc lợi tiểu; thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, diclofenac); thuốc chứa codein và morphin; thuốc chống co giật… gây táo bón.

Nguyên nhân khác
Nguyên nhân khác

Táo bón cũng do các nguyên nhân như: Người cao tuổi, thường xuyên trì hoãn việc đi đại tiện, tiền sử gia đình do các yếu tố di truyền, lối sống ít vận động, thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Đối tượng

Táo bón là bệnh phổ biến ở mọi đối tượng từ trẻ em cho đến người lớn tuổi, tuy nhiên các nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ mắc phải tình trạng táo bón cao hơn.

  • Nhân viên văn phòng do ngồi lâu và ít vận động, hay mặc đồ bó sát vùng bụng dưới, cùng với ăn uống không điều độ, thường xuyên ăn đồ cay, nóng là nguyên nhân có thể gây bệnh táo bón;
  • Người già thường có chế độ ăn uống ít chất xơ, uống ít nước, ít vận động và chức năng của đường ruột hoạt động kém hơn;
  • Phụ nữ mang thai do sự thay đổi hóc môn, chế độ ăn uống thay đổi và ít vận động gây nên;
  • Dùng một số loại thuốc, bao gồm một số thuốc chống trầm cảm.
  • Có bệnh ảnh hưởng đến hậu môn hoặc trực tràng.
  • Có tiền sử gia đình bị táo bón.
  • Trẻ em thường xuyên nhịn đi vệ sinh, ăn uống kém sẽ dễ dẫn đến bị táo bón.

Bên cạnh đó, người sử dụng một số loại thuốc, thực phẩm chức năng có thể gặp phải tình trạng này hay người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, thường xuyên lo âu, căng thẳng, trầm cảm.

Triệu chứng

Khi bị táo bón thường có những triệu chứng sau:

  • Đi đại tiện ít hơn 3 lần/1 tuần
  • Phân cứng và khó đẩy phân ra ngoài
  • Phân có đường kính lớn có thể gây tắc nghẽn nhà vệ sinh
  • Đau khi đi đại tiện
  • Đau bụng
  • Máu trên bề mặt phân cứng

Táo bón ở trẻ em thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, táo bón mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng hoặc báo hiệu có tình trạng bệnh lý khác tiềm ẩn. Phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ nếu táo bón kéo dài hơn hai tuần hoặc kèm theo:

  • Sốt.
  • Nôn.
  • Máu trong phân.
  • Chướng bụng.
  • Giảm cân.
  • Vết nứt hậu môn.
  • Sa trực tràng.

Biến chứng nguy hiểm

Các biến chứng nếu để tình trạng táo bón kéo dài:

Chảy máu hoặc nứt kẽ hậu môn
Chảy máu hoặc nứt kẽ hậu môn

Khối phân khô cứng khiến các lớp cơ thắt ống hậu môn bị rách hoặc cứa vào niêm mạc ống hậu môn gây rách và dẫn đến gây nứt kẽ hậu môn, gây chảy máu và đau khi đi cầu.

Bệnh trĩ, sa trực tràng
Bệnh trĩ, sa trực tràng

Ô bụng thường xuyên gắng sức do táo bón kéo dài làm sưng tĩnh mạch ở hậu môn khiến cho các búi trĩ to ra, thậm chí ruột lòi ra khỏi hậu môn (sa trực tràng)... đi đại tiện thường ra máu.

Tắc ruột
Tắc ruột

Táo bón làm thời gian di chuyển của phân trong ruột chậm hơn, phân tích trữ lâu ngày không thể tống ra ngoài được (phân áp lực) trong ruột dễ gây ra hiện tượng tắc ruột.

Chẩn đoán bệnh

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán táo bón:

Chẩn đoán lâm sàng

Đánh giá qua khai thác tiền sử và bệnh sử:

  • Bác sĩ hỏi tiền sử bệnh tật của bệnh nhân, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất.
  • Bác sĩ có thể thực hiện khám bằng cách sờ ấn vào vùng hậu mônđể kiểm tra những bất thường của hậu môn và lấy một ít phân để xét nghiệm tìm máu trong phân.
  • Thời điểm bắt đầu xuất hiện triệu chứng, triệu chứng xuất hiện khi nào, tình trạng kéo dài bao lâu,....
  • Sờ nắn bụng để tìm các khối vùng bụng. Khám trực tràng nên thực hiện để tìm nơi nứt kẽ, chít hẹp, máu, hoặc các khối (bao gồm cả nút phân).
  • Tìm các triệu chứng do các rối loạn gây ra, bao gồm thay đổi kích cỡ phân hoặc máu trong phân (gợi ý ung thư), các triệu chứng toàn thân cho thấy các bệnh mạn tính (ví dụ: Sụt cân).

Chẩn đoán cận lâm sàng

Bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm sau:

  • X-quang bụng nhằm tìm xem có bất kỳ tắc nghẽn nào trong bụng của trẻ không.
  • Chụp X-quang có thuốc cản quang: chụp vùng quanh hậu môn và trực tràng để xem khả năng giữ và thải phân.
  • Sinh thiết trực tràng. Trong xét nghiệm này, một mẫu mô nhỏ được lấy từ niêm mạc trực tràng để xem các tế bào thần kinh có bình thường không.
  • Đo áp lực hậu môn trực tràng (anorectal manometry): Một loại ống mỏng gọi là ống thông được đặt vào trực tràng để kiểm tra mức độ nhạy cảm của trực tràng, khả năng hoạt động của trực tràng và khả năng hoạt động của cơ vòng hậu môn.
  • Xét nghiệm: Xét nghiệm (công thức máu, hormon kích thích tuyến giáp, đường máu lúc đói, điện giải và canxi).

Điều trị

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị như sau:

Điều trị dùng thuốc

Một số loại thuốc nhuận tràng có thể giúp chữa trị táo bón:

  • Thuốc làm tăng khối lượng phân.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu có chứa đa ion hấp thu kém.
  • Nhuận tràng kích thích.
  • Thuốc làm mềm phân.
  • Thuốc đối kháng thụ thể µ-opioid có tác dụng ngoại biên.
  • Thụt tháo phân (sử dụng trước khi điều trị duy trì).

Tuy nhiên, người bệnh nên dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú. Lưu ý, không được dùng bất kỳ loại thuốc điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh.

Chế độ ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa

Điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động

  • Người bệnh nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm các loại nước ép trái cây, tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống như ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc nguyên cám, ăn thức ăn lỏng như cháo, súp.
  • Không uống nước ngọt, không ăn/uống thực phẩm nhiều đường, không uống rượu, bia.
  • Người bệnh nên tập thể dục 30’ mỗi ngày hoặc chế độ luyện tập theo tình trạng sức khỏe. Khi di chuyển cơ thể, các cơ trong ruột cũng được hoạt động nhiều hơn giúp thúc đẩy tiêu hóa.

Phẫu thuật: 

Một số tình trạng táo bón nặng có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật như ung thư đại trực tràng hoặc bệnh trĩ mãn tính.

Phòng ngừa

Để giúp ngăn ngừa táo bón ở trẻ, các phụ huynh cần lưu ý:

  • Cung cấp đầy đủ thực phẩm giàu chất xơ. Cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, như trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì. Nếu trẻ không quen với chế độ ăn nhiều chất xơ, hãy bắt đầu bằng cách thêm vài gram chất xơ mỗi ngày để ngăn ngừa khí trong dạ dày nhiều và đầy hơi.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước.
  • Thúc đẩy hoạt động thể chất. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp kích thích hoạt động ruột hiệu quả.
  • Tạo thói quen đi vệ sinh. Thiết lập thời gian cố định sau bữa ăn để trẻ đi vệ sinh hằng ngày. Nếu cần thiết có thể phụ huynh dành riêng bệ vệ sinh cho trẻ để trẻ có thể thoải mái khi đi vệ sinh.
  • Nhắc nhở trẻ chú ý đến dấu hiệu muốn đi vệ sinh. Một số trẻ vì quá mải chơi nên không để ý hoặc do muốn chơi thêm mà không muốn đi vệ sinh. Nếu thói quen này trong một thời gian dài cũng gây là tình trạng táo bón.
  • Xem lại thuốc. Nếu như trẻ đang dùng một số loại thuốc gây táo bón, hãy hỏi bác sĩ xem có các lựa chọn khác về thuốc hay không.

Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger