TỔNG QUAN VỀ BỆNH Viêm xoang hàm
Viêm xoang hàm là gì?
Trong cơ thể, hệ thống xoang bao gồm những xoang sau đây: Xoang sàng, xoang hàm, xoang trán và xoang bướm. Trong đó, xoang hàm bao gồm những hốc quang khu vực mắt và má 2 bên, phủ lên bề mặt của xoang này là lớp niêm mạc. Tình trạng lớp niêm mạc này bị phù nề, viêm nhiễm sẽ dẫn đếnviêm xoang hàm là một trong những loại viêm xoang thường gặp nhất hiện nay. Có 2 thể viêm xoang hàm mà bệnh nhân có thể mắc phải, đó là:
- Viêm xoang hàm cấp
Trường hợp viêm xoang hàm cấp khiến bệnh nhân có những triệu chứng như nhức đầu, đau mặt, có thể lan lên hốc mắt, thái dương, đau buốt, đau nhiều vào buổi sáng và buổi trưa, giảm vào buổi chiều tối, đau nhiều hơn khi bệnh nhân cúi đầu xuống, gập người lại hay chạy nhảy, vận động mạnh, khi dùng tay ấn vào mắt, hố răng thì bệnh nhân có cảm giác đau. Bệnh nhân có chảy mũi nước, nước mũi ban đầu loãng, sau đó đặc dần và chuyển màu vàng, có thể có mủ và mùi hôi, bệnh nhân có sốt cao... Những triệu chứng của viêm xoang hàm cấp kéo dài hơn 6 tuần, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn viêm xoang hàm mạn.
- Viêm xoang hàm mạn
Đối với viêm xoang hàm mạn thì hầu như không có những triệu chứng điển hình như viêm xoang hàm cấp, có thể có chảy mũi nước nhiều, nghẹt mũi, dịch mũi tiết ra có màu xanh, đặc biệt khi bị viêm xoang hàm nguyên nhân do răng miệng thì mủ tiết ra từ mũi và miệng sẽ có mùi hôi, bệnh nhân có triệu chứng đau âm ĩ, dữ dội vùng mặt, đặc biệt là 2 bên má. Viêm xoang hàm mạn thể mủ thường sẽ để lại một sốbiến chứng viêm xoang như viêm tấy hốc mắt, viêm xương tủy, viêm màng não, áp – xe não...
Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm xoang hàm như là:

Nhiễm virus, vi khuẩn đường hô hấp trên có thể dẫn đến bệnh viêm xoang, hoặc do vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào các hốc xoang hàm gây viêm nhiễm.

Khi bị cảm cúm, gây chảy mũi, kết hợp với không khí bẩn, khói bụi và vi trùng, từ viêm mũi sẽ chuyển đến viêm xoang theo đường tự nhiên vì xét về giải phẫu học, mũi và xoang thông nhau bằng những lỗ thông.

Các tác nhân dị ứng từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, hóa chất, khói bụi, … gây ra trạng kích thích và viêm của niêm mạc mũi dẫn đến viêm mũi dị ứng. Viêm xoang có thể là hậu quả của viêm mũi dị ứng.

Do xoang hàm có liên quan mật thiết với các răng hàm trên, đặc biệt là các răng từ số 4 đến số 8. Vì vậy, vi khuẩn có thể xâm nhập từ răng và huyệt ổ răng nói trên vào trong xoang

Viêm mũi dị ứng nếu không điều trị dứt điểm có thể dẫn tới các biến chứng như niêm mạc mũi bị thoái hóa, phù nề gây nghẹt mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm xoang.…

Lệch vách ngăn mũi dễ mắc bệnh đường hô hấp: Viêm họng, gây khô miệng, viêm xoang, chảy máu mũi…
Đối tượng
Viêm xoang hàm là bệnh lý khá phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, nếu thuộc một trong những nhóm đối tượng dưới đây, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Người bị sâu răng, viêm nhiễm, có những bệnh lý liên quan đến răng miệng nói chung nhưng không điều trị hoặc điều trị không triệt để.
- Những người từng đi nhổ răng hoặc trải qua những lần phẫu thuật tại khu vực khoang miệng, mà trong quá trình đó bệnh nhân bị tổn thương hoặc có dị vật rơi vào.
- Những người có tiền sử viêm mũi dị ứng hoặc từng bị viêm xoang hàm nhưng không điều trị triệt để.
- Những người có cấu trúc xoang hàm bị lệch do bẩm sinh hoặc biến dạng do quá trình phẫu thuật gây ra.
Triệu chứng
Triệu chứng viêm xoang hàm
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang hàm
Một số triệu chứng điển hình của viêm xoang hàm:
- Đau nhức vùng mặt, hai bên má, hốc mắt và lan sang hai bên thái dương;
- Sốt cao;
- Sổ mũi, nghẹt mũi;
- Ở các vị trí bị viêm xuất hiện dịch mủ và có mùi hôi.
Ngoài ra, tùy thuộc vào loại viêm xoang hàm mà có các triệu chứng khác nhau.
Viêm xoang hàm cấp tính: Người bệnh có thể bị đau buốt ở đầu kèm theo sốt cao, đau nhức ở hàm trên, hốc mắt rồi lan sang thái dương và vùng mắt. Cơn đau nhiều vào buổi sáng, buổi trưa và giảm dần vào buổi chiều tối. Người bệnh cảm thấy đau nhiều khi cuối đầu, gập người, chạy nhảy, gập người, vận động mạnh hoặc lấy tay nhấn vào mắt và hố răng.
Viêm xoang hàm mãn tính: Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ không còn đau nhức ở vùng mặt nhưng sẽ bị nghẹt mũi. Lúc này người bệnh sẽ thấy mệt mỏi, dịch chảy ra có mùi hôi màu vàng xanh, vùng thái dương rất đau. Viêm xoang hàm mạn tính là bệnh rất nguy hiểm, nếu không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Viêm xoang hàm do những bệnh về răng: Đau từ dữ dội đến âm ỉ vùng mặt, nhất là hai bên má. Mủ chảy ra từ mũi và hôi miệng.
Biến chứng nguy hiểm
Những trường hợp gặp phải viêm xoang hàm cấp tính hay viêm xoang hàm thể mủ nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như:

Vùng xoang bị nhiễm trùng có thể lan rộng và ảnh hưởng đến các cơ quan còn lại. Một số biến chứng đường hô hấp do bệnh viêm xoang gây ra như: viêm họng mạn tính, viêm đường hô hấp dưới và viêm thanh quản.

Do xoang hàm là các hốc xoang nằm gần vị trí hốc mắt, nên khi vùng xoang này bị viêm nhiễm sẽ gây ảnh hưởng đến thị giác như: viêm mô liên kết quanh hốc mắt, viêm dây thần kinh thị giác, áp xe túi lệ và áp xe mí mắt.

Người bị viêm xoang cũng dễ bị viêm tai giữa. Nguyên nhân là do dịch viêm từ xoang chảy ngược vào tai. Viêm tai giữa khiến người bệnh bị đau nhức tai, cơ hàm khó cử động, tai thường có dịch mủ hôi, ù tai,…

Biến chứng nguy hiểm nhất khi viêm xoang hàm chính là nguy cơ gặp phải các bệnh về não bộ. Các vi khuẩn, virus gây hại từ xoang hàm sẽ tấn công vào hộp sọ và gây ra các biến chứng như: viêm màng não, áp xe màng não, viêm não, viêm tắc tĩnh mạch xương.

Người mắc viêm xoang lâu ngày dễ mắc thêm hội chứng trào ngược dạ dày. Một phần là do khi dịch viêm xoang chảy xuống họng, người bệnh nuốt phải dịch viêm mang theo vi khuẩn và virus, làm tăng axit dạ dày và gây trào ngược dạ dày.

Khi bước giai đoạn nặng, viêm tại xoang hàm khiến quá trình lưu thông máu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, các cơn đau nhức sẽ xuất hiện thường xuyên tại vùng xương trán, xương hốc mắt, xương đỉnh đầu, xương thái dương,...
Chẩn đoán bệnh
Viêm xoang hàm có thể được chẩn đoán qua thăm khám:
Chẩn đoán lâm sàng
- Hỏi về triệu chứng bệnh nhân gặp phải
- Thời gian gặp các triệu chứng
- Môi trường sinh hoạt và làm việc
- Thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Chẩn đoán cận lâm sàng
- Chụp CT và MRI: Giúp xác định tình trạng viêm và tắc nghẽn tại hốc xoang.
- Nội soi mũi: Để quan sát bên trong xoang và đưa ra kết quả chẩn đoán.
- Xét nghiệm dị ứng: Giúp chẩn đoán các yếu tố dị ứng gây bệnh viêm xoang.
Điều trị
Điều trị viêm xoang hàm bằng thuốc:
Phương pháp điều trị bằng thuốc được áp dụng nhiều nhất trong điều trị viêm xoang. Một số thuốc được sử dụng trong điều trị viêm xoang hàm:
- Kháng sinh: Dùng để ức chế tình trạng viêm nhiễm và hoạt động của vi khuẩn trong hốc xoang
- Thuốc kháng Histamin: Để cải thiện tình trạng dị ứng, hạn chế các triệu chứng viêm xoang, có thể dùng cùng thuốc kháng dị ứng, thuốc chống phù nề.
- Các thuốc giảm đau: Làm giảm các cơn đau mặt, đau đầu dữ dội của người bệnh.
Điều trị viêm xoang hàm bằng phương pháp khác:
Được sử dụng khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả hoặc bạn bị viêm xoang nặng. Lúc này bác sĩ sẽ phải thực hiện các thủ thuật y tế chuyên sâu hơn
- Thủ thuật Proezt (súc rửa xoang) để đưa dung dịch thuốc vào các hốc xoang.
- Chọc xoang hàm rút mủ.
- Phẫu thuật để cắt polyp mũi.
- Chỉnh hình vách ngăn.
- Nếu viêm xoang hàm do các bệnh về răng gây ra, trước hết bạn cần xử lý các vấn đề về răng, đôi khi cần phải nhổ bỏ răng.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết lạnh.
- Thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, dung dịch vệ sinh mũi.
- Vệ sinh họng và khoang miệng thường xuyên.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn.
- Ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng.
- Tránh các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú cưng, nấm mốc.
- Hạn chế sử dụng những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn