Điện châm điều trị tổn thương rễ, đám rối dây thần kinh (Chứng nuy)

THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ: 5013/QĐ-BYT VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN MÔN “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN, KẾT HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI Y HỌC HIÊN ĐẠI” NGÀY 01/12/2020.

Hội chứng rễ thần kinh là nhóm bệnh liên quan đến tổn thương các rễ thần kinh cột sống, gây ra triệu chứng đau, tê, yếu các nhóm cơ do dây thần kinh chi phối. Điện châm điều trị tổn thương rễ, đám rối dây thần kinh là phương pháp điều trị không dùng thuốc giúp cải thiện triệu chứng của hội chứng rễ dây thần kinh.

ĐẠI CƯƠNG

Theo y học hiện đại tổn thương rễ, đám rối, dây thần kinh ngoại biên do các nguyên nhân viêm rễ, viêm màng nhện tủy, do tắc mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh, do chèn ép trong thoát vị đĩa đệm, do chấn thương, tai nạn.

Theo y học cổ truyền tổn thương rễ, đám rối, dây thần kinh ngoại biên thuộc phạm vi chứng nuy. Người bệnh giảm hoặc mất khả năng vận động tay, chân hoặc tứ chi. Nguyên nhân là do khí hư, huyết kém không đủ nuôi dưỡng hoặc do ứ trệ làm cản trở sự lưu thông tuần hoàn khí huyết gây nên.

CHỈ ĐỊNH

Tổn thương rễ, đám rối, dây thần kinh ngoại biên không có chỉ định ngoại khoa.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu.

- Da bị tổn thương, có khối u ác tính ở vùng châm.

- Các bệnh ưa chảy máu, vùng đang chảy máu, xuất huyết dưới da.

* Thận trọng:

- Người bệnh sốt cao, đang mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính.

- Có tiền sử động kinh, có đặt máy tạo nhịp.

- Phụ nữ có thai, đa kinh.

- Giai đoạn nặng của bệnh: suy tim, suy gan, suy thận; cơ thể suy kiệt nặng.

- Sau ăn quá no hoặc quá đói.

- Người bệnh có nguy cơ chảy máu.

CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện:

- Bác sỹ, y sỹ, lương y được đào tạo chuyên ngành y học cổ truyền, được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

- Bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y được cấp chứng chỉ hành nghề và có chứng chỉ châm cứu do các cơ sở đào tạo cấp theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

2. Trang thiết bị:

- Phòng điều trị hoặc phòng thủ thuật hoặc giường điều trị đảm bảo sự riêng tư cho người bệnh.

- Máy điện châm.

- Kim châm vô khuẩn, dùng riêng cho từng người bệnh.

- Khay đựng dụng cụ y tế, kẹp có mấu, bông, cồn 70º.

- Xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh, găng tay, ...

- Ống nghe, dụng cụ đo huyết áp.

- Hộp thuốc cấp cứu phản vệ.

3. Thầy thuốc, người bệnh:

- Thầy thuốc:

+ Khám và làm hồ sơ bệnh án theo quy định.

+ Tư vấn và hướng dẫn quy trình, vị trí điện châm cho người bệnh.

+ Chọn tư thế người bệnh phù hợp để làm thủ thuật.

+ Rửa tay hoặc sát khuẩn tay theo quy định.

- Người bệnh: hợp tác với thầy thuốc và bộc lộ vùng cần làm thủ thuật.

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Thủ thuật:

1.1 Phác đồ huyệt:

- Thực chứng, châm tả các huyệt:

Giáp tích Cực tuyền (HT1)

Hợp cốc (LI4)

Thủ tam lý (LI10)

Tý nhu (LI14)

Khúc trì (LI11)

Kiên ngung (LI15)

Ân môn (BL37)

Bát liêu (BL31-34)

Ủy trung (BL40)

Thừa phù (BL36)

Thái khê (KI3)

Lương khâu (ST34)

Huyền chung (GB39)

Phong trì (GB20)

Kiên tỉnh (GB21)

Kiên trinh (SI9)

Kiên ngoại du (SI14)

Ngoại quan (TE5)

Lao cung (PC8)

Âm lăng tuyền (SP9)

Huyết hải (SP10)

Giải khê (ST41)

Trật biên (BL54)

Thừa sơn (BL57)

Dương lăng tuyền (GB34)

Thiên tuyền (PC2)

Chi câu (TE6)

Thiên tỉnh (TE10)

Dương khê (LI5)

Đại lăng (PC7)

Bát tà (Ex-UE9)

Phong long (ST40)

Hoàn khiêu (GB30)

Côn lôn (BL60)

Khâu khư (GB41)

Thái xung (LR3)

Địa ngũ hội (GB42)

Phong thị (GB31)

- Hư chứng, ngoài châm tả các huyệt như trạng thái thực, châm bổ thêm các huyệt:

Túc tam lý (ST36)

Thận du (BL23)

Huyết hải (SP10)

Can du (BL18)

Tỳ du (BL20)

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc lựa chọn, gia giảm số lượng các huyệt trong phác đồ huyệt cho phù hợp.

1.2 Kỹ thuật châm:

- Xác định và sát khuẩn da vùng huyệt cần châm.

- Chọn kim có độ dài tùy thuộc độ dày của cơ vùng định châm.

- Châm kim vào huyệt theo các thì sau:

+ Thì 1: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn và căng da vùng huyệt; Tay kia châm kim nhanh qua da vùng huyệt.

+ Thì 2: Đẩy kim tới huyệt, kích thích kim cho đến khi đạt“Đắc khí” (bệnh nhân có cảm giác căng, tức, nặng vừa phải, không đau ở vùng huyệt vừa châm kim, thầy thuốc cảm giác kim mút chặt tại vị trí huyệt), kỹ thuật đẩy kim và kích thích tùy thuộc phương pháp bổ tả mà thầy thuốc áp dụng cho từng bệnh nhân và từng huyệt cụ thể.

- Kích thích huyệt bằng máy điện châm

Nối cặp dây của máy điện châm với kim đã châm vào huyệt theo tần số bổ - tả của máy điện châm:

+ Tần số (đặt tần số cố định): Tần số tả từ 5 - 10Hz, Tần số bổ từ 1 - 3Hz.

+ Cường độ: điều chỉnh tăng, giảm cường độ theo mức chịu đựng của người bệnh.

- Kết thúc thời gian lưu kim, tắt máy, tháo cặp dây máy điện châm. Rút kim, sát khuẩn da vùng huyệt vừa châm.

2. Liệu trình điều trị:

- Thời gian thực hiện thủ thuật: 60 phút/ lần, trong đó thời gian lưu kim: 30 phút/ lần, có thể châm 1 - 2 lần/ngày, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh.

- Một liệu trình điều trị từ 20 - 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh, có thể điều trị nhiều liệu trình.

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

1. Theo dõi:

Theo dõi tại chỗ và toàn trạng người bệnh.

2. Xử trí tai biến:

+ Vựng châm: Người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt.

- Xử trí: Tắt máy điện châm, rút kim ngay, lau mồ hôi, ủ ấm, tuỳ theo tình trạng vựng châm và bệnh lý kèm theo của từng người bệnh, có thể cho uống nước ấm hoặc nước đường ấm hoặc trà gừng ấm, ... nằm nghỉ tại chỗ. Xử trí theo phác đồ điều trị choáng ngất.

- Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp.

- Dùng thuốc hóa dược (nếu cần).

+ Chảy máu: Máu chảy tại vị trí vừa rút kim.

- Xử trí: Dùng bông vô khuẩn ấn tại chỗ, không day.

+ Gãy kim:

- Xử trí: Tắt máy điện châm, rút tất cả các kim còn lại. Nếu phần kim gãy còn trồi trên mặt da thì nhẹ nhàng dùng panh có mấu rút kim ra, nếu phần kim gãy nằm trong cơ thì cố định vùng huyệt có kim bị gãy, chuyển ngoại khoa xử trí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.

2. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.

3. Bộ Y tế (2017). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm chuyên ngành châm cứu.

4. Khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Hà Nội (2018). Sách hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo YHCT, kết hợp YHCT với Y học hiện đại.

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger