Nhục Thung Dung (Cistanche deserticola Y.C. Ma.)

Phân loại khoa học

Giới (regnum)

Plantae (Thực vật)

Tracheophyta (Thực vật có mạch)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ (ordo)

Lamiales (Bộ Mint)

Họ (familia)

Orobanchaceae (Họ Lệ dương)

Chi (genus)

Cistanche

Loài (species)

C. deserticola

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Cistanche deserticola Y.C. Ma.

Nhục Thung Dung là vị thuốc không mấy phổ biến, tuy nhiên lại rất hay dùng trong những trường hợp yếu sinh lý, sinh dục. Trong bài viết này, xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Nhục Thung Dung.

Giới thiệu về cây Nhục Thung Dung

Tên Tiếng Việt: Nhục thung dung (Thân).

Tên khác: Thung dung; Đại vân; Hắc tư lệnh; Nhục tùng dung; Địa tinh; Tung dung; Kim duẩn.

Tên khoa học: Cistanche deserticola Y.C.Ma, họ Lệ dương (Orobanchaceae).

Nhục thung dung

1. Đặc điểm thực vật

Nhục Thung Dung có tên khoa học là Herba Cistanches Caulis Cistanchis. 

Vị thuốc nhục thung dung ít dùng, tuy nhiên, trong điều trị yếu sinh lý, sinh dục lại rất hay sử dụng nhục thung dung. Nhục thung dung được xếp vào loại "thượng phẩm" trong Sách thần nông bản thảo

Vị nhục thung dung là toàn thân cây có mang lá vẩy Caulis Cistanchis. Trên thị trường người ta khai thác:

  • Cây thung dung - Cistanche deserticola Y. G. Ma thuộc họ Lệ dương Orobanchaceae.
  • Cây mễ nhục thung dung có tên khoa học Cistanche ambigua G. Beck (Bge) cùng họ Lệ dương.
  • Cây nhục thung dung có tên khoa học Cistanche salsa (C. A. Mey.) G. Bek., đều thuộc họ Lệ dương Orobanchaceae.

Nhục thung dung không phải là một loài thực vật thông thường, mà là loài ký sinh, phải sống nhờ (ký sinh) vào cây khác. Mùa xuân đến, mầm cây nhục thung dung đâm thủng mặt đất, mọc nhô lên trên, nhìn giống như một cái chày với đầu hơi nhọn, bên ngoài phủ kín lớp lá vẩy màu vàng, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời, như ngọn tháp vàng, rất hoành tráng.

Cây thường cao khoảng từ 15-30cm, có khi tới hàng mét. Vào các tháng 5, tháng 6 cây ra hoa dày đặc; hoa mọc ra từ chóp (phần ngọn), màu vàng nhạt, hình chuông, xẻ 5 cánh, cánh hoa màu xanh hoặc tím nhạt; tới các tháng 6, tháng 7 kết quả, nhỏ li ti, màu xám. Nhờ có lớp lá vẩy phủ kín toàn bộ bề mặt bên ngoài, nên tránh bị mất nước và có thể chịu đựng được điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng hoang mạc và được mệnh danh là “cây dũng sĩ trên hoang mạc”.

2. Phân bố, thu hái, chế biến

Vị thuốc nhục thung dung hiện nay ta còn hoàn toàn phải nhập. Theo những tài liệu của Trung Quốc thì những tỉnh có Nhục thung dung là Nội Mông Cổ, Thiểm Tây, Cam Túc, Tân Cương…Vì vị thuốc này nung núc những thịt, tính chất bổ lại hòa hoãn từ từ, do đó có tên này. Tại những nơi có cây, người ta thu hoạch vào hai mùa xuân và thu, nhưng tháng 3 đến tháng 5 thu hoạch là tốt nhất. Quá thời gian đó thì chất lượng kém. Nếu thu hái vào mùa xuân, thì chỉ cần loại bỏ đất cát, để khô trong mát là được, còn nếu thu hoạch vào mùa thu, nước nhiều rất khó làm khô. Người ta cho vào hũ với muối và muối từ 1 đến 3 năm. Khi nào dùng làm thuốc thì rửa sạch muối mới dùng. Có khi người ta đun cách thủy với rượu để khi rượu cạn mới dùng. Cứ 1kg nhục thung dung dùng 0,3 lít rượu.

Nhục thung dung có nhiều loại

3. Bộ phận sử dụng

Phần rễ phát triển thành củ của Nhục thung dung được sử dụng để làm thuốc. Những củ to, mềm, có nhiều dầu, bên ngoài có vỏ mịn, màu đen được xem là chất lượng tốt.

4. Phân loại Nhục Thung Dung

Tại Việt Nam, một cách đơn giản hơn để phân loại dược liệu Nhục Thung Dung, ta dựa vào trạng thái của dược liệu này:

4.1 Nhục Thung Dung tươi

Là những cây sau ngay sau khi thu hoạch được đem sử dụng hoặc mua bán, loại dược liệu tươi này rất được ưa chuộng bởi theo quan niệm của nhiều người, đây là dược liệu nguyên chất, không bị ngâm tẩm hóa chất hay những phụ liệu không có nguồn gốc rõ ràng.

Những cây Nhục Thung Dung tươi có hình dạng hơi giống cái chày, phần đầu cây nhọn, có phủ một lớp vảy màu vàng bên ngoài, và cao khoảng 15 - 30 cm.

4.2 Nhục Thung Dung khô

Là dược liệu sau khi thu hoạch, để bảo quản chất lượng tốt hơn mà Nhục Thung Dung được sơ chế sạch sẽ rồi đem phơi khô. Nhục Thung Dung khô có thể được ngâm, tẩm với những chất khác để bảo quản mà phổ biến nhất là ngâm Nhục Thung Dung với mật ong.

Sau khi ngâm với Mật Ong, phía ngoài của dược liệu chuyển sang màu đen tuyền, phần thịt bên trong có màu vàng nâu, toàn bộ dược liệu rất mềm, dẻo.

Nhục Thung Dung khô khi cắt lát

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học của Nhục thung dung rất phong phú có chứa các chất như: boschnaloside, orobanin, 8- epilogahic acid, betaine,… Còn chứa nhiều loại acid hữu cơ và trên 10 acid amin.

Theo các nghiên cứu dược lý, nhục thung dung là loại thuốc có tác dụng kiềm chế quá trình lão suy và kéo dài tuổi thọ, tăng thể lực, tăng cường khả năng miễn dịch, có tác dụng hạ huyết áp ở mức độ nhất định và có tác dụng như một loại hormon sinh dục, có khả năng kích thích và điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận, khắc phục tình trạng chức năng tuyến thượng thận bị suy giảm và dẫn tới các bệnh liên quan.

Trong 1 nghiên cứu về các chất chuyển hóa Cistanches Deserticola và Cistanches Tubulosa là hai loài được ghi trong dược điển Trung Quốc, tổng cộng có 71 chất chuyển hóa từ Cistanches Deserticola bao gồm 25 thành phần nguyên mẫu và 46 chất chuyển hóa, và 45 chất chuyển hóa từ Cistanches Tubulosa bao gồm 18 thành phần nguyên mẫu và 27 chất chuyển hóa đã được xác định tạm thời.

Công dụng, tác dụng của Nhục thung dung

1. Tác dụng dược lý theo Y học hiện đại

Nhục thung dung được biết đến là dược liệu cho sức khỏe sinh lý phái mạnh. Nghiên cứu khoa học ghi nhận chiết xuất của cây tạo ra các enzym steroid, tổng hợp testosterone từ đó tăng nồng độ hormone sinh dục ở nam giới.

Ngoài ra, dược liệu này còn có khả năng cải thiện chức năng ghi nhớ của não bộ thông qua việc cải thiện khả năng học hỏi, khả năng ghi nhớ, và khả năng nhớ lại những thông tin đã ghi nhớ bằng cách tăng cường các yếu tố nuôi dưỡng tế bào thần kinh, ngăn ngừa tổn thương não do thiếu máu cục bộ. Từ đó, hỗ trợ trong điều trị suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi, người bệnh Parkinson.

Nhục thung dung được ghi nhận chống oxy hóa mạnh, ngăn tổn thương DNA cực kỳ mạnh, mạnh hơn resveratrol 15 lần và mạnh hơn vitamin C gấp 5 lần.

Việc sử dụng hằng ngày như dạng trà thảo mộc được cho là chìa khóa giúp người dân trường thọ ở một số vùng của Trung Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, dược liệu này cũng kích hoạt chức năng thực bào của đại thực bào và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

2. Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền

Cây có vị ngọt, chua tính hơi ôn ấm, không độc. Quy vào kinh Thận.

Theo Y Học Cổ Truyền, nhục thung nhung có tính ôn thận, mang lại nhiều lợi ích cho đại tràng. Nhục thung nhung có thể giúp ích tinh, kéo dài tuổi thọ, bổ thận tráng dương hoặc điều trị cả băng huyết ở phụ nữ. Theo Nhật Hoa Tử, bản thảo nhục thung nhung còn giúp thông nhuận ngũ tạng, làm ấm gối và lưng. Theo Trung dược học nhục thung nhung giúp bổ thận tráng dương, ích tinh huyết, nhuận tràng, thông tiện. Theo Dược tính Bản thảo, nhục thung nhung bồi bổ mệnh môn, tu nhuận ngũ tạng, ích tuỷ cân... Theo Đông Y học thiết yếu, nhục thung nhung bổ thận dương, thông nhuận đường ruột.

Theo Đông y, Nhục thung dung có tính ôn thận, tốt cho đại tràng. Một số tác dụng phổ biến như sau:

  • Ích tinh, kéo dài tuổi thọ, bổ thận, tráng dương, điều trị phụ nữ bị băng huyết (Theo Dược Tính Bản Thảo).
  • Thông nhuận ngũ tạng, làm ấm gối, lưng (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
  • Bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận tràng, thông tiện (theo Trung Dược Học).
  • Bồi bổ Mệnh môn, tư nhuận ngũ tạng, ích tủy cân, hoạt đại tiện (theo Dược Tính Bản Thảo).
  • Bổ thận dương, thông nhuận đường ruột (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị:

  • Điều trị khí hư, huyết hàn, thấp nhiệt (chân tay lạnh, thiếu khí huyết)
  • Ôn thận, tráng dương.
  • Nhuận tràng thông tiện.
  • Chữa thận hư, di tinh, liệt dương, yếu sinh lý, xuất tinh sớm, đau lưng mỏi gối, thường hay tiểu đêm.
  • Chữa vô sinh, suy giảm sinh lý, giảm ham muốn tình dục.
  • Điều trị tiểu buốt, tiểu dắt, dị niệu.
  • Điều trị táo bón do khí huyết hư.
  • Có thể sử dụng nhục thung nhung từ 10 gam đến 20 gam mỗi ngành cùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Nhục thung dung ngâm rượu

Cách dùng và liều lượng

Dùng Nhục thung dung trong những trường hợp liệt dương, lưng gối lạnh đau (nam giới), vô sinh bạch đới khí hư (nữ giới), huyết khô, táo bón. Dùng độc vị hoặc kết hợp với nhiều loại thuốc khác. Liều lượng phụ thuộc vào bài thuốc và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.

  • Liều lượng: Ngày dùng 8-12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc hoàn.
  • Kiêng kỵ: Những người thận dương vương, đại tiện lỏng, dương vật dễ cương lại di mộng tinh.

Một số bài thuốc từ Nhục thung dung

1. Chữa yếu sinh lý, vô sinh ở nam

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung (thái nhỏ) 30g, Nhân sâm (thái nhỏ) 15g, Lộc nhung (thái nhỏ) 1 g, Thục địa 15g, Hải mã 10g.

+ Cách làm: Mang các nguyên liệu trên cho vào 1 lít rượu trắng, ngâm trong 1 tháng là có thể dùng. Mỗi lần uống 15 – 20 ml, ngày dùng 2 lần.

2. Trị liệt dương do thận hư, lưng gối đau lạnh

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung 15g, Xà sàng tử 12g, Viễn chí 6g, Đỗ trọng, Phụ tử, Phòng phong mỗi loại 12g, Ba kích thiên 10g,

+ Cách làm: Mang các vị thuốc trên tán mịn hòa với mật ong làm thành viên hoàn (5 g). Mỗi lần dùng 1 – 3 hoàn, 2 lần mỗi ngày kèm với rượu ấm hoặc nước muối nhạt, ấm.

3. Chữa rối loạn cương dương, liệt dương, yếu sinh lý

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung 200g, Thục địa 100g, Kỷ tử 50g, Huỳnh tinh 100g, Dâm dương hoắc 50g, Hắc táo nhân 40g, Xuyên khung 30g, Quy đầu 50g, Cam cúc hoa 30g, Cốt toái bổ 40g, Xuyên tục đoạn 40g, Nhân sâm 40g, Hoàng kinh 50g, Phòng đảng sâm 50g, Đỗ trọng 50g, Đơn sâm 40g, Trần bì 20g, Lộc giác 40g, Lộc nhung 20g, Đại táo 30 quả.

+ Cách làm: Mang các dược liệu trên cho vào một bình thủy tinh hoặc bình gốm, cho rượu vào sao cho rượu ngập mặt dược liệu. Ngâm trong 1 tháng là có thể sử dụng.

Nhục thung dung kết hợp với các vị thuốc khác

4. Chữa phụ nữ vô sinh, tình dục lạnh nhạt

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung 16g, Xà sàng tử 12g, Ngũ vị tử 6g, Ba kích tím 6g, Phụ tử 6g, Viễn chí 6g, Thỏ ty tử 12g, Phòng phong 6g.

+ Cách làm: Mang các vị thuốc trên tán nhuyễn thành bột mịn, trộn với mật ong hòa thành viên hoàn kích thước bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 12 – 20 g với nước ấm hoặc nước muối loãng.

5. Chữa di tinh

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung thái nhỏ 30g, 10g Thỏ ty tử, 60g gạo tẻ cùng với 500g xương sống dê.

+ Cách làm: Nấu cháo và ăn trong ngày.

6. Điều trị xuất tinh sớm

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung (thái nhỏ) 100g, Long cốt 50g, Tang phiêu 50g, Tỏa dương 100g, Thổ phục linh 25g.

+ Cách làm: Cho các vị thuốc trên vào 3 lít rượu trắng ngâm trong 15 ngày. Mỗi lần uống dùng 20 – 30 ml, mỗi ngày 2 lần.

7. Trị táo bón ở người lớn tuổi do khí huyết hư

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung 24g, Ma nhân 12g, Trầm hương 2g.

+ Cách làm: Tất cả mang đi tán thành bột mịn, trộn cùng với mật ong làm thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 12 – 20 g, ngày 2 lần.

8. Trị suy nhược thần kinh

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung 10g, Phục linh 6g, Thỏ ty tử 8g, Thạch xương bồ 4g.

+ Cách làm: Cho dược liệu vào siêu thuốc cùng 600 ml nước, sắc đến khi còn 200 ml, chia thành 3 lần uống trong ngày. Uống thuốc khi còn ấm để đạt hiệu quả tốt nhất.

9. Điều trị chứng hay quên ở người lớn tuổi

+ Chuẩn bị: Dùng Nhục thung dung mang đi tẩm rượu, sau đó sấy khô, tán thành bột 10g.  Tục đoạn10g, Thạch xương bồ, Bạch linh mỗi loại 30g.

+ Cách làm: Tất cả mang đi tán nhuyễn để tạo thành thuốc. Mỗi lần dùng 8g để uống với rượu ấm, uống thuốc sau bữa ăn.

10. Trị nước tiểu màu vàng đặc

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung 40g (thái lát, tẩm rượu rồi sấy khô), Trạch tả 40g, Hoạt thạch 40g.

+ Cách làm: Tất cả đều tán mịn hòa với nước ấm, dùng uống. Mỗi ngày uống 2 lần uống sau bữa ăn 30 phút.

11. Nhuận tràng thông tiện

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung 24g, Trầm hương 20g, Hoạt ma nhân 12g.

+ Cách làm: Nghiền các vị thuốc trên thành bột, hòa với mật làm thành viên hoàn. Khi dùng, uống 12 – 20 g cùng với nước ấm. Mỗi ngày uống thuốc 2 lần.

12. Chữa đi tiểu tiện nhiều lần

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung 500g, Sơn dược 200g, Thục địa 200g, Thỏ ty tử 200g, Ngũ vị tử 50g.

+ Cách làm: Tán thành bột mịn sau đó hòa với mật làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống 5 g với nước muối loãng, 2 lần mỗi ngày.

13. Bài thuốc bồi bổ khí huyết

Bài thuốc thứ nhất:

+ Chuẩn bị: Dùng Nhục thung dung 1kg, Dâm dương hoắc 500g, Sâm cau 50g, Sơn thù 500g.

+ Cách làm: Tất cả cho vào 15 lít rượu trắng 40 độ. Ngâm như vậy trong 25 ngày là có thể dùng được. Mỗi lần dùng 1 chén nhỏ, 2 lần mỗi ngày.

Bài thuốc thứ hai:

+ Chuẩn bị: Dùng 30 g Nhục thung dung ngâm với 500 ml rượu trắng 45 độ sau 1 tuần là có thể dùng được. Mỗi lần uống 15 ml, 2 lần mỗi ngày.

+ Cách làm: Đối với rượu ngâm bồi bổ khí huyết, điều trị thận hư, liệt dương không phù hợp với người khí huyết hư hàn. Nếu cần dùng, không được dùng mỗi ngày và không quá 50 ml / ngày.

14. Chữa đi tiểu ra máu, dương khí kém

+ Chuẩn bị: Dùng Nhục thung dung, Can địa hoàng, Thỏ ty tử (tẩm rượu để qua đêm), Lộc nhung (bỏ lông, thái lát mỏng, nướng với dấm) mỗi vị thuốc phân lượng bằng nhau.

+ Cách làm: Tất cả mang đi tán thành bột mịn, trộn với hồ làm thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 30 viên khi đói và trước bữa ăn chính.

15. Chữa noãn thủy tạng, minh mục

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung tẩm rượu, để qua đêm, sấy khô 80 g, Câu kỷ tử 40 g, Ba kích 40 g, Cúc hoa xuyên luyện tử 40 g.

+ Cách làm: Mang tất các loại dược liệu trên tán nhuyễn, trộn với hồ làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 30 viên với nước muối loãng. Dùng thuốc trước khi ăn.

16. Điều trị nước tiểu dính như cao

+ Chuẩn bị: Dùng Nhục thung dung thái lát, tẩm rượu, sấy khô, tán nhuyễn40 g, Từ thạch nung lửa 40g (ngâm giấm 37 lần), hoạt thạch 40g, trạch tả 40g.

+ Cách làm: Tất cả mang đi tán nguyên rồi hòa cùng bột Nhục thung dung, trộn mật ong làm thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 30 viên với nước ấm hoặc rượu ấm.

17. Chữa ra mồ hôi nhiều

+ Chuẩn bị: Nhục thung dung 80g tấm rượu sấy khô, trầm hương tán mịn 40g.

+ Cách làm: Tất cả trộn với dầu mè làm thành viên hoàn bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 70 viên với nước cơm. Dùng thuốc khi đói.

Lưu ý khi sử dụng

Nhục thung dung là vị thuốc kỵ đồ sắt, đồng. Vì vậy khi nấu, ngâm rượu hoặc lưu trữ vị thuốc nên dùng nồi đất, đồ vật bằng gốm.

  • Không dùng vị thuốc cho người bệnh tiêu chảy, âm hư hỏa vượng.
  • Trong thận có nhiệt, dương vật dễ cương cứng mà tinh dịch không ổn định, không được dùng.
  • Tránh sử dụng nhầm lẫn Nhục thung dung với Tỏa dương.
  • Sử dụng Nhục thung dung theo hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc. Không tự ý sử dụng vị thuốc để tránh tác dụng không mong muốn.

Tài liệu tham khảo

1. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Nhục thung dung trang 933-934, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.

2. Tác giả: Yang Li và cộng sự (Ngày đăng: năm 2016). Rapid screening and identification of the differences between metabolites of Cistanche deserticola and C. tubulosa water extract in rats by UPLC-Q-TOF-MS combined pattern recognition analysis, Pubmed.

3. Tác giả: Nguyễn Thanh Hải và cộng sự (Ngày đăng: năm 2019). SỬ DỤNG DƯỢC LIỆU Sâm Cau (Curculigo orchioides) VÀ NHỤC THUNG DUNG (Herba Cistanches Caulis Cistanchis) NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CỦA TINH DỊCH, TINH TRÙNG CHÓ ĐỰC GIỐNG AMERICAN BULLY, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2019, 17(6): 502-508.

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger