Quy trình tắm dược thảo theo y học cổ truyền
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 26 /2008/QĐ-BYT ngày 22/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên trong quá trình tắm không chỉ giúp thư giãn tinh thần mà còn hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề về sức khỏe.
ĐẠI CƯƠNG
Tắm dược thảo là phương pháp chăm sóc phục hồi sức khỏe và chữa bệnh cổ truyền đã có lịch sử hàng ngàn năm. Hiện nay, với mục đích chăm sóc toàn diện, người ta kết hợp xông hơi, ngâm thuốc, tắm dược thảo, chườm ngải cứu, xoa bóp bấm huyệt nhằm phát huy tối ưu tác dụng của các phương pháp đồng thời đem lại những giá trị đặc biệt cho người bệnh.
CHỈ ĐỊNH
- Các chứng đau, chứng liệt.
- Cảm cúm do phong hàn.
- Hội chứng căng thẳng tâm lý, mệt mỏi,...
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Sốt nhiệt.
- Bệnh lý tim mạch, huyết áp.
- Động kinh, tâm thần, say rượu bia, kích động,...
- phụ nữ đang rong thời kỳ có thai, hành kinh.
- Trạng thái quá no hoặc quá đói.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Bác sỹ, Y sỹ, Lương y được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Phương tiện
- Bồn ngâm, nước ấm, nước thảo dược ấm, các loại thảo dược có tinh dầu, túi chườm...
Người bệnh
- Người bệnh được kiểm tra mạch, huyết áp... trước khi tắm thuốc.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Người bệnh tắm sạch trong 2 phút bằng nước ấm tiếp đó:
- Ngâm người trong bồn gỗ (thể tích từ 250 – 300 lít) bằng nước thảo dược nhiệt độ ngang bằng nhiệt độ cơ thể (37-400C), trong thời gian từ 7 -10 phút.
+ Tác dụng: giải cảm, chống mệt mỏi, chống đau lưng, chữa thần kinh tọa.
- Ngâm bồn sục bằng nước ấm sạch trong thời gian 5 - 7 phút.
+ Tác dụng: chữa các bệnh ngoài da, làm săn chắc da, tiêu viêm, tỉnh thần.
- Xông hơi khô hoặc ướt bằng lá thảo dược trong vòng 5 – 7 phút, tiếp đó ngâm chân nước gừng.
+ Tác dụng: giải cảm, giải độc tố và giảm đau.
+ Tắm tráng giải cảm trong thời gian 3 phút.
- Người bệnh được kỹ thuật viên đắp túi chườm ngải ấm chứa dược thảo, kết hợp day ấn các điểm đau tại vùng thắt lưng, cổ gáy và vai, hai tay và hai chân.
+ Tác dụng: tăng cường giãn các khối cơ sâu ở các vùng bị đau.
Thời gian thực hiện toàn bộ quy trình nêu trên là 30 phút.
Liệu trình: 2 ngày làm 1 lần, một liệu trình điều trị từ 5 đến 7 lần.
THEO DÕI XỬ TRÍ TAI BIẾN
Đây là một phương pháp an toàn khi tuân thủ đúng chỉ định, đúng quy trình. Trong quá trình thực hiện cần có người thực hiện theo dõi toàn trạng người bệnh và có đầy đủ các phương tiện hỗ trợ khi xảy ra các vấn đề ngoại ý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.
2. Khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Hà Nội (2018). Sách hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo YHCT, kết hợp YHCT với Y học hiện đại.
3. Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền và kết hợp y học hiện đại, Quyết định 5013/QĐ-BYT ngày 01/12/2020.
4. Bộ Y tế (2013). Quy trình khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu, Quyết định 792/QĐ-BYT ban hành ngày 12/3/2013.
5. Bộ Y tế (2017). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm chuyên ngành châm cứu.
6. BỘ Y TẾ (2008). Quy trình kỹ thuật Y học cổ truyền.