Xoa bóp bấm huyệt điều trị đau dây thần kinh số V (dây thần kinh tam thoa) (Diện thống)

THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ: 5013/QĐ-BYT VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN MÔN “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN, KẾT HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI Y HỌC HIÊN ĐẠI” NGÀY 01/12/2020

Tình trạng đau dây thần kinh số 5 thực sự nguy hiểm và có thể gây nên những biến chứng khó lường nếu bạn không chữa trị kịp thời. Hiện nay, có một phương pháp phổ biến được nhiều người lựa chọn trong việc điều trị căn bệnh này chính là bấm huyệt.

ĐẠI CƯƠNG

Theo y học hiện đại đau dây thần kinh số V (đau dây thần kinh tam thoa) là những cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng mặt. Cơn đau có tính chất xuất hiện tự nhiên hoặc do kích thích; đau thành từng cơn, kéo dài vài giây đến vài phút; đau dữ dội như bị bỏng, như dao đâm, điện giật; có thể kèm theo co giật cơ mặt, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, nước mắt. Đau dây thần kinh số V thường là vô căn, hoặc có thể do chèn ép, bệnh xơ cứng rải rác, ...

Bấm huyệt chữa đau dây thần kinh số 5 là một phương pháp hiệu quả

Theo y học cổ truyền đau thần kinh V thuộc chứng “Đầu thống”, “Thiên đầu thống”, “Diện thống”. Nguyên nhân do ngoại cảm phong hàn, do can uất khí trệ, uất lâu ngày hóa hỏa, hỏa nhiệt phong động, phong hỏa kiêm đàm thượng nhiễu gây nên. Các yếu tố tà khí, phong hỏa, đàm thấp, đàm trở làm gây huyết ứ, khí trệ huyết ngưng gây nên tắc trở kinh lạc mà gây đau.

CHỈ ĐỊNH

Đau dây thần kinh số V.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu.

- Da bị tổn thương, có khối u ác tính ở vùng xoa bóp bấm huyệt.

- Các bệnh ưa chảy máu, vùng đang chảy máu, xuất huyết dưới da.

* Thận trọng:

- Người bệnh sốt cao, đang mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính.

- Giai đoạn nặng của bệnh: suy tim, suy gan, suy thận; cơ thể suy kiệt nặng.

- Người bệnh loãng xương nặng, người có nguy cơ gẫy xương.

- Sau ăn quá no hoặc quá đói.

- Người bệnh có nguy cơ chảy máu.

CHUẨN BỊ

Người thực hiện:

- Bác sỹ, y sỹ, lương y được đào tạo chuyên ngành y học cổ truyền, được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

- Bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y được cấp chứng chỉ hành nghề và có chứng chỉ xoa bóp bấm huyệt do các cơ sở đào tạo cấp theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Trang thiết bị:

- Phòng điều trị hoặc phòng thủ thuật, giường điều trị hoặc giường xoa bóp bấm huyệt đảm bảo sự riêng tư cho người bệnh.

- Gối, khăn phủ, ga trải giường, găng tay, ống nghe, dụng cụ đo huyết áp.

- Hộp thuốc cấp cứu phản vệ.

- Bột talc hoặc gel hoặc kem hoặc dầu xoa bóp, ...

- Xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

Thầy thuốc, người bệnh:

- Thầy thuốc:

+ Khám và làm hồ sơ bệnh án theo quy định.

+ Tư vấn và hướng dẫn quy trình, vị trí xoa bóp bấm huyệt cho người bệnh.

+ Chọn tư thế người bệnh phù hợp để làm thủ thuật.

+ Rửa tay hoặc sát khuẩn tay theo quy định.

- Người bệnh: hợp tác với thầy thuốc và bộc lộ vùng cần làm thủ thuật.

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Thủ thuật: Xoa, xát, phân, hợp, miết, lăn, bóp, ấn vùng đầu, mặt, cổ.

- Day, bấm các huyệt sau: Phong trì (GB20); Hợp cốc (LI4); Thái xung (LR3).

+ Đau nhánh V1: chọn thêm các huyệt

- Toản trúc (BL2); Ngư yêu (Ex-HN4); Ty trúc không (TE23); Thái dương (Ex-HN5); Dương bạch (GB14); A thị huyệt.

+ Đau nhánh V2: chọn thêm các huyệt

- Tứ bạch (ST2); Cự liêu (ST3); Quyền liêu (SI18); Nghinh hương (LI20); Hạ quan (ST7); A thị huyệt.

+ Đau nhánh V3: chọn thêm các huyệt

- Giáp xa (ST6); Đại nghinh (ST5); Địa thương (ST4); Thừa tương (CV24); Hạ quan (ST7); A thị huyệt.

- Tùy tình trạng bệnh lý, thể trạng của người bệnh; thầy thuốc có thể gia, giảm các huyệt phù hợp. Có thể kết hợp nhiều kỹ thuật của xoa bóp bấm huyệt trong cùng một thời điểm và kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Liệu trình điều trị:

- Xoa bóp bấm huyệt 30 phút/lần, 1 đến 2 lần/ngày, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh.

- Một liệu trình điều trị từ 15 - 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của từng bệnh, có thể tiến hành 2 - 3 liệu trình liên tục.

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Theo dõi:

Toàn trạng, các triệu chứng kèm theo nếu có.

Xử trí tai biến:

+ Choáng:

- Triệu chứng: Người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt.

- Xử trí:

+ Dừng xoa bóp bấm huyệt, lau mồ hôi, ủ ấm, tuỳ theo tình trạng choáng và bệnh lý kèm theo của từng người bệnh, có thể cho uống nước ấm hoặc nước đường ấm hoặc trà gừng ấm, ... nằm nghỉ tại chỗ. Xử trí theo phác đồ điều trị choáng ngất.

+ Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp.

+ Dùng thuốc hóa dược (nếu cần).

+ Đau:

- Triệu chứng: Người bệnh đau tăng tại vùng xoa bóp bấm huyệt.

- Xử trí:

+ Xoa nhẹ vùng đau, giảm cường độ tác động lên vùng điều trị; có thể dừng thủ thuật nếu người bệnh quá nhạy cảm với các tác động trên cơ thể.

+ Cho người bệnh nghỉ ngơi và tiếp tục theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp.

+ Dùng thuốc hóa dược (nếu cần).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.

2. Bộ Y tế (2014)Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.

3. Bộ Y tế (2017). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm
chuyên ngành châm cứu.

4Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.

5. Khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Hà Nội (2018). Sách hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo YHCT, kết hợp YHCT với Y học hiện đại.

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger