Xoa bóp bấm huyệt điều trị Stress (Chứng uất)
THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ: 5013/QĐ-BYT VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN MÔN “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN, KẾT HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI Y HỌC HIÊN ĐẠI” NGÀY 01/12/2020
Xoa bóp bấm huyệt giảm stress là liệu pháp có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Liệu pháp này giúp giải phóng hormone endorphin, serotonin và dopamin có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng hiệu quả.
ĐẠI CƯƠNG
Theo y học hiện đại Stress là những phản ứng sinh lý hoặc tâm lý đối với các tác nhân gây căng thẳng từ bên trong hay bên ngoài. Stress gây ra những thay đổi đến gần như mọi hệ thống trong cơ thể, ảnh hưởng đến hành vi và cảm nhận của người bệnh. Bằng cách gây ra những thay đổi về tinh thần và thể chất, Stress góp phần trực tiếp gây ra các rối loạn và các bệnh tật ảnh hướng tới sức khỏe và tâm lý, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Xoa bóp bấm huyệt có thể tăng hiệu quả giảm stress, cải thiện đau đầu, ù tai, chóng mặt
Theo y học cổ truyền Stress là một bệnh được miêu tả trong phạm vi nhiều chứng bệnh như chứng uất, kinh quý, chính xung, kiện vong, ... Nguyên nhân do tình chí rối loạn dẫn đến rối loạn công năng của các tạng phủ đặc biệt là tạng Tâm, Can, Tỳ và Thận.
CHỈ ĐỊNH
Người bệnh được chẩn đoán Stress.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu.
- Da bị tổn thương, có khối u ác tính ở vùng xoa bóp bấm huyệt.
- Các bệnh ưa chảy máu, vùng đang chảy máu, xuất huyết dưới da.
* Thận trọng:
- Người bệnh sốt cao, đang mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính.
- Phụ nữ có thai, đa kinh.
- Giai đoạn nặng của bệnh: suy tim, suy gan, suy thận; cơ thể suy kiệt nặng.
- Người bệnh loãng xương nặng, người có nguy cơ gẫy xương.
- Sau ăn quá no hoặc quá đói.
- Người bệnh có nguy cơ chảy máu.
- Người bệnh có rối loạn cảm giác da.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện:
- Bác sỹ, y sỹ, lương y được đào tạo chuyên ngành y học cổ truyền, được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
- Bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y được cấp chứng chỉ hành nghề và có chứng chỉ xoa bóp bấm huyệt do các cơ sở đào tạo cấp theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Trang thiết bị:
- Phòng điều trị hoặc phòng thủ thuật, giường điều trị hoặc giường xoa bóp bấm huyệt đảm bảo sự riêng tư cho người bệnh.
- Gối, khăn phủ, ga trải giường, găng tay, ống nghe, dụng cụ đo huyết áp.
- Hộp thuốc cấp cứu phản vệ.
- Bột talc hoặc gel hoặc kem hoặc dầu xoa bóp, ...
- Xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
Thầy thuốc, người bệnh:
- Thầy thuốc:
+ Khám và làm hồ sơ bệnh án theo quy định.
+ Tư vấn và hướng dẫn quy trình, vị trí xoa bóp bấm huyệt cho người bệnh.
+ Chọn tư thế người bệnh phù hợp để làm thủ thuật.
+ Rửa tay hoặc sát khuẩn tay theo quy định.
- Người bệnh: hợp tác với thầy thuốc và bộc lộ vùng cần làm thủ thuật.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Thủ thuật: Xoa, xát, bóp, miết, lăn các vùng đầu, cổ, vai, tay, chân.
- Day, bấm các huyệt sau:
+ Bách hội (GV20); Thượng tinh (GV23); Nội quan (PC6); Thái dương (Ex-HN5); Ấn đường (Ex-HN3); Thần môn (HT7); Phong trì (GB20); Tam âm giao (SP6); Dương lăng tuyền (GB34).
- Do Can và Tâm khí uất kết: chọn thêm các huyệt sau
+ Nội quan (PC6); Tâm du (BL15); Cách du (BL17); Thần môn (HT7); Thái xung (LR3); Trung đô (LR6).
- Do âm hư hỏa vượng: chọn thêm các huyệt sau
+ Nội quan (PC6); Thận du (BL23); Âm lăng tuyền (SP9); Quan nguyên (CV4); Thái xung (LR3); Tam âm giao (SP6); Khúc trì (LI11); Đại chùy (GV14); Hành gian (LR2); Bách hội (GV20); Hợp cốc (LI4).
- Do Tâm - Tỳ khuy tổn: chọn thêm các huyệt sau
+ Nội quan (PC6); Thái bạch (SP3); Tam âm giao (SP6); Thần môn (HT7); Tâm du (BL15); Túc tam lý (ST36).
- Do Thận âm dương lưỡng hư: chọn thêm các huyệt sau
+ Nội quan (PC6); Quan nguyên (CV4); Thái khê (KI3); Thận du (BL23); Tam âm giao (SP6); Mệnh môn (GV4).
- Tùy tình trạng bệnh lý, thể trạng của người bệnh; thầy thuốc có thể gia, giảm các huyệt phù hợp. Có thể kết hợp nhiều kỹ thuật của xoa bóp bấm huyệt trong cùng một thời điểm và kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Liệu trình điều trị:
- Xoa bóp bấm huyệt 30 phút/lần, 1 đến 2 lần/ngày, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh.
- Một liệu trình điều trị từ 15 - 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của từng bệnh, có thể tiến hành 2 - 3 liệu trình liên tục.
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi:
Toàn trạng, các triệu chứng kèm theo nếu có.
Xử trí tai biến:
+ Choáng:
- Triệu chứng: Người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt.
- Xử trí:
- Dừng xoa bóp bấm huyệt, lau mồ hôi, ủ ấm, tuỳ theo tình trạng choáng và bệnh lý kèm theo của từng người bệnh, có thể cho uống nước ấm hoặc nước đường ấm hoặc trà gừng ấm, ... nằm nghỉ tại chỗ. Xử trí theo phác đồ điều trị choáng ngất.
- Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp.
- Dùng thuốc hóa dược (nếu cần).
+ Đau:
- Triệu chứng: Người bệnh đau tăng tại vùng xoa bóp bấm huyệt.
- Xử trí:
- Xoa nhẹ vùng đau, giảm cường độ tác động lên vùng điều trị; có thể dừng thủ thuật nếu người bệnh quá nhạy cảm với các tác động trên cơ thể.
- Cho người bệnh nghỉ ngơi và tiếp tục theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp.
- Dùng thuốc hóa dược (nếu cần).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.
2. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.
3. Bộ Y tế (2017). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm
chuyên ngành châm cứu.
4. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.
5. Khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Hà Nội (2018). Sách hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo YHCT, kết hợp YHCT với Y học hiện đại.