Câu Kỷ Tử (Fructus Lycii)

Phân loại khoa học

Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm)

Asterids (Nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Solanales (Cà)

Họ(familia)

Solanaceae (Cà)

Chi(genus)

Lycium

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Lycium chinense Mill.

Câu kỷ tử (hay còn gọi là kỳ tử) là vị thuốc bổ được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa cơ thể suy yếu, bệnh về mắt do suy dinh dưỡng và làm hạ đường huyết. Trong bài viết này, xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Câu kỷ tử.

Giới thiệu về Câu kỷ tử

Hình ảnh Câu kỳ tử

Câu kỷ hay còn được gọi là Rau khởi, Khủ khởi, Khởi tử phiên. Hiện có 2 loài cây Câu kỷ được biết đến với tên khoa học là Lycium chinense Mill. và Lycium barbarum L. (Ninh hạ câu kỷ hay Trung ninh câu kỷ), họ Cà (Solanaceae). 

Ngoài ra còn có loài Câu kỷ quả đen hay còn gọi là Hắc Kỳ Tử, tên khoa học là Lycium ruthenicum Murr., thuộc họ Cà - Solanaceae. Cây được trồng ở Hà Nội, Lâm Đồng và nhiều nơi khác. 

Theo Dược điển Việt Nam 5, vị thuốc Câu kỷ tử có tên khoa học là Fructus Lycii là quả của loài Câu kỷ (Lycium barbarum L.)

Hình ảnh cây Câu kỷ quả đen (hắc kỳ tử)

Đặc điểm thực vật

Cây nhỡ có thân cao từ 1-2 mét, có gai trên thân và các cành cong ngả xuống, có thể dài tới 4 mét. Lá cây mọc lẻ tẻ hoặc thành vòng 3-5, có phiến hình xoan dài từ 2-6 cm. Hoa của cây mọc cô độc hoặc thành nhóm 3-5 ở nách lá, có tràng màu tía với ống ngắn hơn cánh hoa. Quả Kỷ tử có hình dạng trứng dài khoảng 2-3 cm, có màu vàng cam hoặc đỏ sẫm. Hạt Kỷ tử nhiều, hạt nhỏ, hình thận dẹt và màu trắng.

Theo mô tả của Dược điển, quả Câu kỷ tử hình trứng dài hay trái xoan, phần đầu hơi lõm, dài 0,6 - 2cm, đường kính 0,3 đến 1 cm. Vỏ quả có màu đỏ cam, bóng, thường nhăn nheo, rất mềm. Đỉnh quả có phần hơi nhô lên, gốc có cuống màu trắng còn sót lại. Hạt quả có hai mặt cong phồng hay một mặt lõm, màu vàng nâu, hình thận dẹt và có nội nhũ. Rốn hạt là phần lõm ở mép hạt. Chất quả mềm, vị ngọt hơi chua.

Loài Lycium barbarum, có lá thuôn hơn, hoa màu tím, quả dài hơn và có màu vàng cam, và hạt nhỏ màu vàng nâu (khoảng 2 mm).

Loài L. chinense có lá cây to hơn, hoa màu tím nhạt, quả màu đỏ và hạt màu vàng, lớn hơn (khoảng 2-3 mm).

Thu hái và chế biến

Các bộ phận sử dụng của cây: Vỏ rễ được gọi là Lycii Cortex Radicis, Rễ (Radix Lycii) thường được gọi là Địa cốt bì - HF. Thu hoạch vào mùa thu, rửa sạch và tách lấy vỏ rễ để phơi hoặc sấy khô.

Quả (Fructus Lycii) thường được gọi là Câu kỷ tử. Thu hoạch khi quả chín đỏ vàng vào mùa hè và mùa hu, sau đó phơi trong râm và khi vỏ quả bắt đầu nhăn lại thì phơi hoặc sấy nhẹ đến khô, loại bỏ cuống. Dược liệu có hình trứng thuôn hoặc xoan, màu vàng cam đến đỏ, mềm, bóng và thường nhăn nheo; vị ngọt hơi chua.

Ngoài ra, lá (Folium Lycii) cũng có thể được sử dụng như một loại rau ăn, tương tự như lá Khủ khởi.

Bào chế quả Câu kỷ tử: Dùng sống hay tẩm rượu sao, đem sắc ngay hay sấy dưới 50 độ cho đến khi khô giòn, lấy ra tán bột hoặc phun rượu cho quả trở nên đỏ tươi, giã nát khi dùng.

Đặc điểm phân bố

Cây này có nguồn gốc từ vùng Tây Á Châu, và cũng được tìm thấy ở các khu vực khác như Nhật Bản, Trung Quốc, và Triều Tiên. Nó đã được nhập vào để trồng ở nhiều quốc gia, bao gồm Malaixia, Inđônêxia và Việt Nam. Cây thường được trồng làm cây cảnh và được sử dụng trong thuốc. Hoa và quả mùa của cây thường xuất hiện vào các tháng từ 6 đến 10. Nó có thể được trồng ở nhiều vùng đất khác nhau, bao gồm Hà Nội và Lâm Đồng.

Thành phần hóa học

Betain, lyciumanid, sugiol và acid malissic là những chất có trong rễ. Quả có chứa Betain, acid ascorbic, acid nicotianic và rất giàu Vitamin A. Quả cũng có chứa tinh dầu, carotenoid, betain, Acid Ascorbic và acid nicotinic, trong khi hạt kỷ tử có chứa nhiều sterol.

Cành lá chứa protein 3,5%, lipid 0,72%, glucid 2,25% và tro 1,37%. 

Lycium barbarum chứa nhiều Lycium barbarum polysaccharides (LBP), betaine, phenolics, Carotenoid (Zeaxanthin và β-carotene), cerebroside, axit 2-O-β-d-glucopyranosyl-l-ascorbic (AA-2βG), β-sitosterol, Flavonoid và vitamin (đặc biệt là riboflavin, thiamine và axit ascorbic). LBPs là các thành phần hoạt động chính của Lycium barbarum. Chúng đã được báo cáo là có tác dụng trung gian chống lão hóa đáng kể, thông qua các hoạt động chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, ức chế tế bào chết theo chương trình và giảm tổn thương DNA. Lycium barbarum, như một nguyên liệu làm thuốc và ăn được, có thể loại bỏ O 2 - một cách hiệu quả, giảm phản ứng căng thẳng oxy hóa và tăng cường hoạt động của các enzym chống oxy hóa. Lycium barbarum có thể kích hoạt tế bào T, tế bào B, đại thực bào, tế bào NK và các tế bào miễn dịch chính khác điều chỉnh chức năng miễn dịch tế bào và chức năng miễn dịch dịch thể của cơ thể. Các thành phần khác của Lycium barbarum, chẳng hạn như phenolics, AA-2βG, carotenoids (zeaxanthin và-carotene), betaine, cerebroside, -sitosterol, flavonoid, Riboflavin và Thiamin cũng có tác dụng chống oxy hóa đáng kể.

Tác dụng - Công dụng của Câu kỷ tử

  • Câu Kỷ tử có tác dụng gì?

Câu Kỷ Tử được cho là có tác dụng tăng cường hồng cầu, tăng tuần hoàn máu, kích thích rụng trứng và sinh tỉnh, điều hòa huyết áp, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể. Nước sắc của Địa cốt bì có thể được sử dụng để hạ sốt, giảm đường huyết và giảm cholesterol trên thỏ thực nghiệm. Nó cũng có tác dụng hạ huyết áp trên chó và mèo gây mê, ức chế hiệu quả vi khuẩn gây bệnh đường ruột và virus cúm, và có độc tính thấp.

  • Công dụng theo y học cổ truyền

- Tính vị, tác dụng:  

+ Vỏ rễ của cây có vị ngọt, tính hàn, giúp giải nhiệt, giảm đau, điều chỉnh lượng máu và huyết áp.

+ Quả có vị ngọt, tính bình, quy kinh phế, can, thận, có tác dụng hỗ trợ thận, can, ích tinh, sáng mắt, cân bằng nội tiết tố.

+ Lá có vị đắng, tính mát, giúp làm sạch thận và cân bằng nội tiết tố.

- Công dụng:

+ Câu kỷ tử được dùng làm thuốc bổ, chữa cơ thể suy yếu, chuyên chữa bệnh về mắt do suy dinh dưỡng, làm hạ đường huyết. Thường dùng dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Địa cốt bì dùng làm thuốc giải nhiệt, mát huyết, chữa ho, ho ra máu. 

+ Vỏ rễ của cây Câu kỷ được sử dụng để điều trị các triệu chứng âm hư triều nhiệt, đạo hãn, tâm phiền, miệng khát, ho, và khạc ra máu.

  • Tác dụng của Quả kỷ tử?

Quả dùng trị can thận âm hư, tinh huyết bất định, khí lục giảm sút, lưng gối đau mỏi, đầu váng tai điếc, mắt mờ nhìn không rõ. 

Chủ trị hư lao tinh suy với biểu hiện đau đầu gối, thắt lưng, chóng mặt, ù tai, huyết hư, mờ mắt, nội nhiệt gây tiểu đường.

Liều dùng quả Câu kỷ tử là 6g - 12g dạng thuốc sắc, hoàn tán hay ngâm rượu. 

Kiêng kỵ: Không dùng quả Câu kỷ tử cho người đại tiện sống phân, đi lỏng, tỳ vị hư yếu.

Câu Kỷ tử có tác nhiều công dụng trong điều trị bệnh

Những công dụng phổ biến của câu kỳ tử trong điều trị bệnh:

+ Hạ huyết áp.

+ Ức chế sự phát triển của khối u.

+ Hạ cholesterol trong máu.

+ Cân bằng lượng đường trong máu trong bệnh lý tiểu đường.

+ Tăng cường sinh lý, khả năng tình dục.

+ Câu kỷ tử giúp giảm cân.

+ Giảm đau đầu, chóng mặt.

+ Giúp an thần, trị bệnh mất ngủ, giúp ngủ ngon.

+ Cải thiện thị lực.

+ Tác dụng trong điều trị bệnh tim mạch.

+ Ngăn chặn sự peroxide hóa chất béo.

+ Hỗ trợ điều trị được bệnh ho.

+ Hỗ trợ điều trị được bệnh sưng đau nhức viêm khớp.

+ Làm mạnh chức năng thận, bảo vệ gan.

+ Cải thiện trí nhớ.

+ Làm dịu sự lo lắng và căng thẳng thần kinh.

+ Cải thiện tiêu hóa.

+ Điều trị kinh nguyệt không đều, đều hòa kinh nguyệt, triệu chứng tiền mãn kinh.

Những điều cần lưu ý khi dùng kỷ tử

+ Dược liệu kỷ tử có thể gây sảy thai, vì vậy cần tránh dùng trong thời gian mang thai.

+ Phụ nữ cho con bú nên hạn chế dùng câu kỷ tử vì có thể làm giảm khả năng bài tiết sữa.

+ Dược liệu có tính trệ, cần cẩn trọng khi dùng cho người bị tiêu chảy kéo dài và tỳ vị hư yếu.

+ Cấm dùng câu kỷ tử cho người có ngoại tà thực nhiệt.

+ Không nên sử dụng quả kỷ tử ở những người bị huyết áp cao, tâm trạng hay nóng vội, cáu giận hoặc người ăn quá nhiều thịt hàng ngày làm sắc mặt đỏ hồng, tốt nhất do tác dụng làm nóng cơ thể.

+ Không nên sử dụng ở những người có thể trạng khỏe mạnh để tránh tà khí bị lưu giữ bên trong mà không được giải, lâu ngày lại sinh biến chứng thì tai hại vô cùng.

+ Thận trọng khi sử dụng quả kỷ tử quá nhiều lại làm cho mắt bị đỏ và khó chịu, thị lực giảm sút.

Tài liệu tham khảo

1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Câu kỷ tử trang 108 - 109, Nhận thức cây thuốc và dược liệu.

2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Câu kỷ tử trang 378 - 379, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1.

3. Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Câu kỷ tử trang 1105 - 1106, Dược điển Việt Nam 5 tập 2.

4. Tác giả Yanjie Gao và cộng sự (Đăng tháng 12 năm 2017). Lycium Barbarum: A Traditional Chinese Herb and A Promising Anti-Aging Agent, PubMed. 

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger