Ích mẫu (Sung Úy - Leonurus japonicus)
Phân loại khoa học |
|
Giới (regnum) |
Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ (ordo) |
Lamiales (Bộ Hoa môi hay bộ Húng) |
Họ (familia) |
Lamiaceae (Họ Hoa môi) |
Chi (genus) |
Leonurus |
Loài (species) |
L. japonicus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) |
|
Leonurus japonicus Houtt. (L. heterophyllus Sweet) 1778 |
Ích mẫu được biết đến khá phổ biến với công dụng điều trị kinh nguyệt bế tắc, máu ứ tích tụ sau khi sinh đẻ, Đau Bụng Kinh hoặc kinh ra quá nhiều, phù thũng, giảm đau và làm dễ đẻ. Trong bài viết này, xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Ích mẫu.
Giới thiệu về cây Ích mẫu
Ích mẫu hay còn được gọi là Cây chói đèn hoặc Sung úy, tên khoa học là Leonurus japonicus Houtt. (L. heterophyllus Sweet), thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae. Ngoài ra, còn có một loài khác gọi là Ích mẫu nam (Sư nhĩ), tên khoa học là Leonotis nepetaefolia (L.) R. Br., cũng thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.
Vị thuốc Ích mẫu trong Dược điển Việt Nam 5 có tên là Herba Leonuri japonici.
Hình ảnh cây Ích mẫu
Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo, tiết diện vuông, thẳng, xốp, đường kính khoảng từ 0,2 đến 0,8 cm và chiều dài không vượt quá 40 cm từ ngọn xuống. Thân có nhiều rãnh dọc và lông mịn. Lá mọc chéo chữ thập, lá dưới gốc hình tim gần như tròn, khía răng cưa tròn, nông, càng lên cao đối thùy càng xẻ sâu, chia thành 3 thùy hình chân vịt. Các lá trên ngọn hẹp, nguyên, không xẻ thùy. Mặt trên lá màu lục, mặt dưới màu lục nhạt, hai mặt đều có lông thưa. Cụm hoa mọc vòng ở kẽ lá, tràng hoa hình môi; khi tươi có màu tím nhạt, khi khô màu nâu nhạt và thường bị rụng hết. Đài hoa hình ống chia làm 5 thùy tồn tại xung quanh 4 quả bế.
Ở loài Leonurus sibiricus L., cây nhỏ hơn, lá ở phía trên chia thành nhiều thuỳ hẹp hơn, cụm hoa rộng hơn và tràng hai môi với môi trên dài hơn môi dưới.
Hình ảnh cây Ích mẫu
Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây Herba Leonuri, thường được gọi là Ích mẫu thảo và quả Fructus Leonuri, thường được gọi là Sung uý tử. Để thu hoạch cây, người ta sẽ chọn thời điểm trời nắng thường vào mùa hè khoảng tháng 5 đến tháng 6, khi có một nửa số hoa trên cây đã nở, chặt lấy phần trên mặt đất dài không quá 40cm kể từ ngọn trở xuống, rửa sạch và sử dụng tươi hoặc phơi khô để sử dụng sau này. Sau khi phơi khô có thể chặt thành từng đoạn 5cm - 7cm, rồi đóng gói vào bao tải, để nơi mát, trước khi dùng cần sao vàng.
Mô tả Dược liệu Ích mẫu thảo: Đoạn thân dài từ 5 cm đến 7 cm, có hoặc không có lá, đường kính từ 0,2 cm đến 1 cm, thiết diện vuông, bổn mặt lõm, thẳng và mặt ngoài có nhiều rãnh dọc, lông bao phủ ngắn. Thân của cây có màu xanh xám hoặc màu xanh hơi vàng, chỗ rãnh màu nhạt hơn. Lá mọc đối trên đoạn thân và thường có cuống. Phiến lá được xẻ sâu thành 3 thùy, mỗi thùy lại chia 3 phần không đều, thùy mép nguyên hoặc hơi xẻ răng cưa. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành vòng dày đặc, càng lên phía ngọn cụm hoa càng dày đặc. Tràng hoa có màu hồng tím khi tươi và khi khô sẽ chun sít lại. Quả có 3 cạnh, nhằn, màu xám nâu. Mùi của cây Ích mẫu thảo rất nhẹ, vị hơi đắng.
Đặc điểm phân bố
Cây Ích mẫu là loài cây liên nhiệt đới tự nhiên mọc ở vùng đồng bằng và trung du, ít gặp ở vùng cao. Cây có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là vào đầu mùa mưa. Cây ưa đất tơi xốp, thoát nước và không kén đất nên có thể trồng nhiều. Để trồng cây, hạt giống cần được xử lý trước khi gieo. Sau khi cây đã được trồng được 3-4 tháng và cây đầu ra hoa, cần cắt để lại các chồi gốc để cây tiếp tục phát triển.
Thành phần hóa học
Cây Ích mẫu chứa nhiều hoạt chất hóa học như leonurin, stachydrin và leonuridin. Ngoài ra, cây Ích mẫu Việt Nam còn chứa 3 alcaloid (trong đó có alcaloid có N bậc 4), 3 flavonosid (trong đó có Rutin) và 1 glucosid có khung steroid. Hạt của cây cũng chứa leonurin. Tổng cộng, đã có hơn 280 hợp chất được phân lập từ loại cây này, và chúng cho thấy nhiều hoạt tính như giãn mạch, đông máu, gây độc tế bào, tạo mạch, kháng khuẩn, chống kết tập tiểu cầu, và ảnh hưởng đến cơ trơn tử cung.
Công dụng, tác dụng của Ích mẫu
Ích mẫu có tác dụng tăng cường trương lực và tần số co bóp tử cung, tăng cường co bóp cơ tim, tăng tần số và biên độ hô hấp (có thể do leonurin và stachydrin). Cây còn có tác dụng tán huyết, kháng khuẩn, kháng viêm, lợi tiểu và an thần. Leonurin và stachydrin cũng có tác dụng chống thiếu máu cơ tim cục bộ ở chuột.
Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng cao Ích mẫu mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ trong việc điều trị rối loạn kinh nguyệt, bao gồm tăng cường lưu thông khí huyết, giúp bổ máu và làm đẹp da. Nó cũng được biết đến với tác dụng dược lý.
Vị thuốc Ích mẫu
Theo y học hiện đại
+ Tác dụng đối với tử cung:
Các tài liệu cho thấy tác dụng kích thích đối với tử cung cô lập của thỏ cái của nước sắc ích mẫu Leonurus sibiricus 1/5.000 hay 1/1.000 có (dù có thai hay không có thai cũng đều có tác dụng).
Thử nghiệm đối với thỏ cái gây mê bằng urêtan rồi cho uống nước sắc ích mẫu cũng thấy có tác dụng kích thích tương tự trên tử cung của thỏ.
Một thử nghiệm khác cũng tiến hành trên thỏ cho thấy khi so sánh tác dụng trên tử cung của dung dịch nước 10% mạnh hơn so với dung dịch rượu 20%. Trong thử nghiệm này người ta cũng vô tình nhận thấy rằng dung dịch rượu hay dung dịch nước ích mẫu khi tác dụng lên tử cung thì lúc ban đầu sẽ có một giai đoạn hưng phấn. Như vậy, trước khi sắc ích mẫu, dùng ête làm dung môi để loại phần tan trong ête đi thì hiện tượng ức chế tử cung không thấy xảy ra nữa.
+ Tác dụng hạ huyết áp:
Ích mẫu dùng dạng nước sắc có tác dụng trên thành phần adrenalin trên mạch máu nên có tác dụng làm hạ huyết áp.
+ Tác dụng trên tim mạch:
Đối với cơ tim có bệnh thấy ích mẫu Leonurus quinquelobatus là Leonurus cardia có tác dụng tốt.
+ Tác dụng kháng khuẩn đối với một số vi khuẩn ngoài da:
Một số tác giả nghiên cứu trong Trung hoa bì phụ khoa tạp chí (số 4-1957, tr.286-292) thấy nước chiết ích mẫu 1:4 có tác dụng ức chế đối với một số vi khuẩn gây bệnh ngoài da.
+ Tác dụng trên viêm thận và phù cấp tính:
Theo Trung y tạp chí số 6, 1959 và Trung y dược 1966 kỳ 4, 26, các thử nghiệm trên lâm sàng, ích mẫu chữa khỏi một số trường hợp viêm thận và phù.
Theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, Ích mẫu có vị hơi đắng, cay, tính hàn, quy kinh can, tâm bào. Ích mẫu có tác dụng hoạt huyết điều kinh, khư ứ chỉ thống, lợi thuỷ tiêu thũng. Ngoài các tác dụng tốt cho phụ nữ, ích mẫu còn được sử dụng trong điều trị các bệnh về tuần hoàn cơ tim, thần kinh tim, chữa cao huyết áp, thuốc bổ máu huyết, hoặc có thể chữa bệnh lỵ…
Quả Ích mẫu cũng có vị cay, đắng, tính hơi hàn, có tác dụng hoạt huyết điều kinh, lương can minh mục. Các hoạt chất của Ích mẫu có tác dụng đối với tử cung, huyết áp, tim mạch, hệ thần kinh và kháng sinh đối với một số vi trùng; ngoài ra còn có tác dụng đối với viêm thận và phù thũng cấp.
Đối với quả ích mẫu khi sử dụng đường bôi ngoài da hoặc bôi toàn thân dạng giã đắp hoặc sắc lấy nước rửa sẽ có tác dụng chữa trị một số bệnh như chốc đầu, sưng vú, lở ngứa.
Theo các sách cổ, ích mẫu có vị đắng, cay, tính hàn, có thể làm giảm ứ huyết, sinh huyết mới, điều hòa kinh nguyệt. Tuy nhiên cần lưu ý không sử dụng cho người người có đồng tử bị mở rộng.
Ích mẫu – vị thuốc tốt cho phụ nữ
Liều dùng & cách dùng
+ Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu thành cao.
+ Liều dùng: Mỗi ngày dùng khoảng từ 6 đến 12g.
Bài thuốc từ Ích mẫu
Cao ích mẫu:
Tiến hành nấu cao ích mẫu, để thu được cao sử dụng cây ích mẫu nấu với nước, cô đặc thành cao mềm.
Hiện nay, các cao ích mẫu được bán trên thị trường thường phối hợp với các vị thuốc khác nhau ví dụ cao ích mẫu của Thanh Hóa gồm ích mẫu nước 800g, hương phụ tứ chế 250g, ngải diệp 200g. Đơn cao ích mẫu của Quốc doanh dược phẩm Nghệ An gồm ích mẫu 70%, đương quy 10%, bạch thược 3%, đại táo 2%, xuyên khung 2%, thục địa 1%, bắc mộc hương 1%, trần bì 1%, hương phụ chế 5%, ô dược 2%.
Cao ích mẫu hiện nay được thống nhất theo đơn: Ích mẫu 800g, hương phụ 250g, ngải cứu 200g, tá dược (xirô, cồn 15%) vừa đủ 1000g.
Trị viêm thận cấp và phù thũng
+ Nguyên liệu: Sử dụng 180g-240g
+ Cách làm: Ích mẫu tươi, nấu với 700ml nước và đun cô lại còn 300ml, chia thành 2 lần uống trong ngày.
Chữa phù thũng sau khi sinh hoặc khi có thai và phải đứng nhiều, xuống máu chân
+ Nguyên liệu: Dùng 20g Ích mẫu, 15g Ngưu Tất, 15g Rau dừa nước.
+ Cách làm: Sắc uống, chia 3 lần trong ngày.
Chữa can nhiệt, mắt đỏ sưng đau
+ Nguyên liệu: Quả Ích mẫu 10g, Cúc Hoa 10g, hạt Muồng 10g, hạt Mào gà trắng 10g, Sinh Địa 10g.
+ Cách làm: Sắc uống, chia 3 lần trong ngày.
Ích mẫu trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh:
+ Nguyên liệu: Ích mẫu 12g, Hương phụ 12g, Ngải cứu 12g, Bạch đồng nữ 12g.
+ Cách làm: Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần trong ngày.
Ích mẫu trị viêm thận gây phù:
+ Nguyên liệu: 40-100g sắc nóng hoặc phối hợp với Xa tiền, Bạch mao căn, đồng lượng 16g.
+ Cách làm: Sắc uống, chia 3 lần trong ngày.
Ích mẫu giúp tử cung co hồi sau đẻ
+ Nguyên liệu: Ích mẫu 36g, Đương quy 9g.
+ Cách làm: Sắc uống, chia 3 lần trong ngày.
Bài thuốc bổ huyết điều kinh
+ Cách làm: Các vị thuốc đem sao, sau đó tán bột rồi trộn với đường thành viên to bằng hạt đậu xanh.
+ Cách sử dụng: Uống 60 viên mỗi ngày, chia làm 3 lần (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Lưu ý khi sử dụng Ích mẫu
Ích mẫu là loại dược liệu quý đặc biệt đối với phụ nữ, tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng:
+ Không dùng ích mẫu trong các trường hợp sau: Phụ nữ đang mang thai, người bị máu khó đông (vì làm tăng nguy cơ chảy máu), người có đồng tử mở, người có tiền sử huyết hư nhưng không có ứng huyết, trục ứ huyết, sinh huyết mới, hoạt huyết điều kinh, kỵ thai.
+ Dùng ích mẫu với liều lượng được khuyến nghị.
+ Dùng nhiều lá ích mẫu có thể gây mệt mỏi, tăng tiết mồ hôi, khó thở và dẫn đến suy nhược cơ thể.
+ Dùng quá liều có thể gây chóng mặt, mệt mỏi, choáng váng.
+ Ngày dùng 6g - 12g ở dạng thuốc sắc.
+ Tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc bác sĩ trước khi dùng ích mẫu.
Ích mẫu là vị thuốc quý cho phái đẹp
Tác dụng của cao Ích mẫu
Ích mẫu thường được sử dụng để điều trị các bệnh như kinh nguyệt bế tắc, máu ứ tích tụ sau khi sinh đẻ, đau bụng kinh hoặc kinh ra quá nhiều, giảm đau, làm dễ đẻ, viêm thận, phù thũng, giảm niệu, đái ra máu. Ngoài ra, hạt Ích mẫu cũng được sử dụng để làm thuốc phụ khoa, giúp cho dạ con mau co lại, co tử cung, và có tác dụng lợi tiểu và sáng mắt. Liều dùng của cây là 9-30g (thân lá) hoặc 4,5-9g (hạt), có thể sắc nước uống hoặc dùng cây nấu cao. Nó có thể được sử dụng riêng hoặc phối hợp với Ngải cứu, Hương phụ, Nghệ đen. Ngoài ra, cây Ích mẫu còn được sử dụng bên ngoài để trị mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sưng vú và chốc đầu.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, cây Ích mẫu được coi là một loại dược liệu rất cần thiết trong việc điều trị các rối loạn kinh nguyệt và sinh nở do ứ máu, chẳng hạn như đau bụng kinh, vô kinh và băng huyết sau sinh. Nhờ vào tác dụng điều trị tuyệt vời của nó đối với các bệnh sản phụ khoa, L. japonicus (tên khoa học của cây Ích mẫu) đã được sử dụng rộng rãi trong cả thời cổ đại và hiện đại.
Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ có thai. Không dùng cho người huyết hư không có huyết ứ.
Tài liệu tham khảo
1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Ích mẫu trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Ích mẫu trang 90 - 91,
3. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Tác giả Lu-Lin Miao và cộng sự (Đăng tháng 09 năm 2019). Leonurus japonicus (Chinese motherwort), an excellent traditional medicine for obstetrical and gynecological diseases: A comprehensive overview, PubMed.
4. Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Ích mẫu, trang 1207 - 1209, Dược điển Việt Nam 5 tập 2.