Long Nhãn (Dimocarpus longan)

Phân loại khoa học

Giới (regnum)

Plantae (Thực vật)

Tracheophyta (Thực vật có mạch)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ (ordo)

Sapindales (Bộ Bồ hòní)

Họ (familia)

Sapindaceae (Họ Bồ hòn)

Chi (genus)

Dimocarpus

Loài (species)

D. longan

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Dimocarpus longan Lour.

Long nhãn được biết đến khá phổ biến với công dụng trị suy nhược thần kinh, suy giảm trí nhớ và mệt mỏi tâm thần. Trong bài viết này, xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Long nhãn.

Giới thiệu về cây Long nhãn

Tên gọi khác của Long nhãn là Nhãn, tên khoa học của loài này là Dimocarpus longan Lour. (Euphoria longan (Lour.) Steud.), họ Bồ hòn.

1. Đặc điểm thực vật

Thân cây cao từ 5-10 mét, cành non có lông. Lá kép lông chim, thường gồm 3-5 đôi lá chét mọc xen kẽ nhau. Hoa xếp thành từng chùm ở đầu và nách lá. Quả tròn, bao phủ bởi một lớp vỏ mỏng, áo hạt màu trắng, bên trong chứa hạt đen lớn.

Hình ảnh cây nhãn

2. Thu hái và chế biến

Cây Long nhãn có nhiều bộ phận được sử dụng như Áo hạt - Arillus Longan (nhãn nhục, cơm quả), hạt - Semen Longan và lá - Folium Longan. Dân thu hái quả để phơi hoặc sấy khô và sau đó lấy cùi quả.

3. Đặc điểm phân bố

Giống cây này có nguồn gốc từ Ấn Độ và được trồng ở đồng bằng bằng hạt hoặc trồng từ cành chồi. Nó phổ biến ở miền Nam Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ và được rất ưa chuộng trong mùa hè vì quả của nó rất ngon.

Nhãn khô, nhãn nhục

Thành phần hóa học

Áo hạt của quả nhãn chứa các chất dinh dưỡng như Vitamin A, B, acid amin, saccharose và Glucose. Vỏ quả cũng chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe như phenol (bao gồm acid gallic và corilagin), Flavonoid (bao gồm quercetin và các hợp chất liên quan) và các chất chống oxy hóa khác. Hạt của quả nhãn cũng chứa nhiều thành phần như tinh bột, chất béo, lignan, Saponin và tanin. Trong khi đó, lá của cây nhãn cũng có chứa nhiều flavonoid (bao gồm quercetin và quercitrin) và tannin.

Tác dụng của Long nhãn

1. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu của dược lý học hiện đại, long nhãn có tác dụng giúp cơ thể nâng cao năng lực chịu đựng trong điều kiện thiếu oxy, gia tăng trọng lượng của các cơ quan miễn dịch, kháng khuẩn, phòng ngừa ung thư và làm chậm quá trình lão hóa.

Theo Y Học Hiện Đại, thành phần dược lý của long nhãn bao gồm glucose, flavoprotein, tanin, saponin, chất béo...có tác dụng:

  • Chống lão hóa da và xương.
  • Ngăn ngừa các bệnh về mắt, giảm thị lực.
  • Tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng tự nhiên, bảo vệ sức khỏe
  • Thúc đẩy tuần hoàn, đưa máu về các cơ quan trong cơ thể.
  • Gia tăng độ bền, đàn hồi của mạch máu, từ đó giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các bệnh liên quan tới tim mạch và huyết áp.

Quả nhãn

2. Công dụng theo Y học cổ truyền

Theo Đông y, Long nhãn nhục có vị cam, tính ôn; vào 2 kinh Tâm và Tỳ. Có tác dụng bổ ích Tâm Tỳ, dưỡng huyết an thần; Chủ trị trống ngực hồi hộp tim loạn nhịp (kinh quý chính xung), mất ngủ hay quên (thất miên kiện vong), kém ăn mệt mỏi (thực thiểu thể quyện), đại tiện ra máu, phụ nữ băng lậu (tiện huyết băng lậu).

Những lợi ích mà long nhãn đem lại là:

  • Bồi bổ khí huyết – Tốt máu, trị các bệnh thiếu máu và dưỡng nhan, nhu nhuận làn da.
  • An thần định chí – An dưỡng tinh thần, trị lo âu suy nghĩ nhiều.
  • Chủ trị trống ngực hồi hộp tim loạn nhịp.
  • Trị các chứng bệnh chán ăn, ăn uống không tiêu khiến cơ thể mệt mỏi.
  • Chữa suy nhược thần kinh, trí nhớ kém hoặc chứng mất ngủ thường xuyên.

Hoa nhãn

Một số bài thuốc từ cây Long nhãn

1. Trị suy nhược thần kinh, mệt mỏi và yếu sinh lý

Dùng phương pháp ngâm long nhãn 500g trong 2 lít rượu trắng trong 2 tháng và uống 1 chén nhỏ mỗi ngày.

2. Trị lo âu, mất ngủ hoặc hay quên

Dùng một số loại thuốc bao gồm long nhãn 30g, Táo nhân 3g, Đương quy 3g, Viễn Chí 3g, chích Cam thảo 8g, Mộc Hương 15g, Nhân Sâm 15g, Hoàng Kỳ 30g và Phục Thần 30g. Tất cả các thành phần này được ngâm rượu và uống 2 chén nhỏ trước bữa ăn.

3. Long nhãn thang

+ Bài 1 - Chủ trị suy nhược cơ thể, mất ngủ: Long nhãn nhục 16g, tâm sen 8g, lạc tiên 16g, hoa bưởi 4g. Sắc uống.

+ Bài 2 - Chủ trị thiếu máu, suy nhược: Long nhãn nhục 10g, hạt sen 10g, quả dâu chín 10g, sinh địa 10g, đương quy 10g. Sắc uống.

4. Rượu bổ huyết

Long nhãn nhục 100g, đương quy 50g, ngưu tất 50g, rượu trắng vừa đủ. Cho các nguyên liệu vào rượu ngâm trong 2- 3 tuần là có thể dùng được nhưng có thể ngâm lâu hơn. Ngày uống 1 chén 20 - 30ml.

Bài thuốc bổ máu có chứa Long nhãn

5. Chữa suy yếu, thiếu máu, thần kinh suy nhược, mất ngủ

Long nhãn nhục 12g, liên nhục 12g, quả dâu chín 12g, sinh địa 12g, đương quy 12g. Sắc uống.

6. Qui tỳ thang: Chủ trị tâm tỳ đều hư, mất ngủ hồi hộp hay quên.

Thành phần: Long nhãn nhục 24g, đương quy 8g, phục thần 16g, táo nhân sao 8g, viễn chí chế 8g, mộc hương 4g, nhân sâm 24g, trích hoàng kỳ 24g, bạch truật 24g, cam thảo 4g, đại táo 5 quả, sinh khương 3 lát. Sắc uống ấm.

7. Nhị long ẩm: Tác dụng bổ tinh huyết; chủ trị lo nghĩ thương tỳ, mất ngủ, đạo hãn, sốt chiều, khát, tiện táo, miệng lở, da khô.

Thành phần: Long nhãn nhục 40g, cao ban long 40g. Sắc thành cao lỏng, hòa cao, uống 15ml/lần, ngày 02 lần.

8. Bổ tỳ âm tiễn: Tác dụng bổ tỳ vị âm; chủ trị tỳ vị âm hư, bụng đày tức, ợ chua.

Thành phần: Long nhãn nhục 32g, thục địa 40g, cao ban long 40g, bố chính sâm 80g, bạch truật 160g, can khương thán 4g. Sắc thành cao lỏng, hòa cao, uống 15ml/lần, ngày 02 lần.

9. Bổ tâm tỳ an thần hoàn: Tác dụng bổ tâm tỳ, an thần; chủ trị mất ngủ do tâm tỳ hư yếu.

Thành phần: Long nhãn nhục 20g, toàn hạt sen 40g, lá vông 20g, táo nhân sao đen 20, lá dâu 20g, bá từ nhân sao 20g, hoài sơn 40g. Tán, hoàn viên. Uống 8-12g/lần, ngày 2-3 lần.

Lưu ý khi sử dụng long nhãn

Sử dụng long nhãn nên lưu ý những đối tượng phù hợp với tính chất của long nhãn. Bởi long nhãn chứa hàm lượng đường cao nên đặc biệt không phù hợp với người bị tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì. Đặc biệt, đối với thai phụ 7 tháng đầu xuất hiện triệu chứng nóng trong, âm hỏa hư nên tránh ăn nhiều long nhãn có thể bị ra huyết, đau bụng, động thai.

Y Học Cổ Truyền quan niệm “Hư thì thực, bổ thì tả”, mặc dù long nhãn có nhiều lợi ích trong chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe, nhưng để có hiệu quả tốt thì trước khi sử dụng người bệnh nên được thăm khám và tư vấn kỹ càng bởi bác sĩ chuyên môn, càng không nên tự ý gia giảm nguyên liệu thuốc. Các bài thuốc trong Đông Y thường mang tính chất tham khảo, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và hướng dẫn cụ thể, cân nhắc liều lượng thích hợp dựa trên thể trạng từng bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Long nhãn trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu.

2. Tác giả Poonam Sachdev (Đăng ngày 09 tháng 09 năm 2023). Health Benefits of Longan, PubMed.

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger