Bệnh trĩ là gì? triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Bệnh trĩ là một tình trạng phổ biến mà hàng triệu người trên thế giới phải đối mặt mỗi năm, gây ra các triệu chứng như đau, ngứa và chảy máu ở vùng hậu môn.

Bệnh trĩ là bệnh gì?

Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị giãn ra. Bệnh trĩ có tên tiếng Anh là Hemorrhoids. Bệnh trĩ nếu phát triển bên trong trực tràng gọi là trĩ nội; còn nếu phát triển dưới da xung quanh hậu môn gọi là trĩ ngoại.

  • Trĩ nội: khi các tĩnh mạch cuối trực tràng giãn ra, tạo thành búi trĩ nổi trên niêm mạc – phần ranh giới của hậu môn và trực tràng. Do dạng trĩ nội nằm sâu bên trong trực tràng nên bạn không thể sờ thấy hoặc nhìn thấy được. Đến khi trĩ to lên, lúc người bệnh đi tiêu thì búi trĩ lòi ra.
  • Trĩ ngoại: búi trĩ hình thành ở ngay lớp da hậu môn nên khi búi trĩ nhỏ cũng dễ nhìn và sờ được. Trĩ ngoại nằm vùng bên ngoài hậu môn nên dễ cọ sát với quần áo, ghế ngồi… Cơn đau ngày càng nặng hơn.

Hình ảnh trĩ nội và trĩ ngoại

Dấu hiệu triệu chứng của bệnh trĩ

Trĩ nội: người bệnh thấy dịch nhầy vùng hậu môn tăng tiết. Khi đi ngoài, người bệnh có bị chảy máu, trầy xước gây viêm nhiễm, ngứa. Bạn đi ngoài nhưng có cảm giác chưa đi hết phân ra ngoài.

Trĩ nội được chia thành 4 độ khác nhau:

  • Trĩ độ 1: Mức độ nhẹ nhất, búi trĩ vẫn nằm hoàn toàn trong ống hậu môn và chưa lòi ra ngoài.
  • Trĩ độ 2: Khi đi đại tiện, búi trĩ lòi ra ngoài và có thể tự chui vào lại sau đại tiện.
  • Trĩ độ 3: Búi trĩ lòi ra ngoài khi đại tiện. Búi trĩ chỉ vào lại vị trí cũ khi bạn dùng tay đẩy vào.
  • Trĩ độ 4: Khi không đại tiện, búi trĩ thường xuyên lòi ra ngoài, nhất là khi bạn ngồi xổm, làm việc nặng hoặc đi lại nhiều.

Trĩ ngoại: có dấu hiệu ngứa, sưng, đau xung quanh hậu môn. Bạn có thể nhìn và sờ thấy có một hoặc nhiều cục u bất thường nổi quanh hậu môn. Đôi khi có chảy máu, tăng tiết dịch nhầy, có thể bị rò rỉ phân. Hình ảnh búi trĩ ngoại cũng có đặc điểm giống như trĩ nội bị sa ra ngoài.

Một người có thể bị cả trĩ nội lẫn trị ngoại, gọi là trĩ hỗn hợp. Nam giới khi tiêu ra máu thì búi trĩ đã rất to, mất máu nhiều và khó điều trị hơn do đường hậu môn ở nam sâu hơn nữ nên khó phát hiện sớm.

Nguyên nhân gây bệnh trĩ

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên bệnh trĩ:

  • Ngồi nhiều, ít vận động, Thói quen ngồi bồn cầu lâu hoặc rặn nhiều khi đại tiện; Bệnh béo phì.
  • Bữa ăn hàng ngày ít rau xanh và chất xơ, Thường xuyên ăn đồ cay nóng.
  • Uống ít nước nhưng uống nhiều bia rượu.
  • Phụ nữ mang thai, Táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
  • U vùng tiểu khung như u đại trực tràng, u xơ tử cung…

Biến chứng của bệnh trĩ

Bệnh trĩ có thể diễn ra ở một giai đoạn hoặc kéo dài suốt đời. Có người từng bị trĩ mà không biết mình mắc bệnh. Phần lớn, người bệnh chỉ đến bệnh viện khi búi trĩ đã lớn, cọ xát, chảy máu, đau rát. Song việc điều trị trĩ ở giai đoạn nặng khó hơn do trĩ lâu ngày, biến chứng:

  • Thiếu máu: do hậu môn thường xuyên chảy máu dẫn đến suy giảm hồng cầu trong máu khiến người bệnh kiệt sức, suy nhược, có khi phải truyền máu.
  • Trĩ sa nghẹt: búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn và không thể tụt vào trong có thể gây tắc các mạch máu, có thể dẫn đến biến chứng hoại tử búi trĩ.
  • Tắc mạch: khi tình trạng máu lưu thông bị ứ trệ thì cục máu đông hình thành trong mạch máu của búi trĩ. Biến chứng này gây đau, có thể hoại tử.
  • Viêm loét, nhiễm trùng: có thể viêm da quanh hậu môn, viêm nhú hoặc viêm khe gây ngứa ngáy, đau rát vùng hậu môn. Nhiễm trùng xảy ra khi có loét hoặc hoại tử búi trĩ, làm vết thương tiếp xúc với phân chứa lượng lớn vi trùng.
  • Ung thư đại trực tràng: người bị bệnh trĩ có nguy cơ ung thư đại trực tràng gấp 2,9 lần. Việc điều trị trĩ giúp giảm 50% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Khi nào người bệnh trĩ cần đến bệnh viện?

  • Khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh trĩ, bạn đến ngay bệnh viện để được bác sĩ khám.
  • Nếu bệnh trĩ nhẹ, bác sĩ hướng dẫn chế độ ăn uống, điều trị theo toa thuốc tại nhà.
  • Nếu bệnh trĩ nặng, người bệnh cần phẫu thuật hoặc làm các thủ thuật loại bỏ búi trĩ, đồng thời điều trị bằng thuốc kê đơn tại bệnh viện.
  • Nếu bệnh trĩ gây biến chứng như gây chảy máu thành tia, hậu môn có biểu hiện hoại tử, hậu môn kích thích đau, rát, khó sinh hoạt, người bệnh phải đến ngay bệnh viện để được bác sĩ can thiệp kịp thời, tuyệt đối không được tiếp tục tự điều trị tại nhà vì nguy hiểm tính mạng.

Khám bệnh trĩ sẽ cho kết quả chính xác về tình trạng bệnh để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Các phương pháp trị bệnh trĩ tại bệnh viện

Điều trị bằng y học hiện đại

Điều trị nội khoa

Đối với điều trị bảo tồn và chế độ sinh hoạt, người bệnh trĩ cần thực hiện như sau:  

  • Tăng cường bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn là biện pháp hiệu quả để xử lý trĩ xuất huyết, cùng với việc tránh các chất kích thích như rượu và ớt. Nên hạn chế các hoạt động quá mạnh cũng như tránh việc ngồi hoặc đứng lâu. Việc điều chỉnh thói quen đi vệ sinh để ngăn ngừa táo bón cũng rất quan trọng.
  • Ngâm hậu môn trong bồn nước ấm có thể giảm bớt các triệu chứng khó chịu.

Sử dụng thuốc: Người bị bệnh trĩ có thể áp dụng các loại thuốc bôi trực tiếp hoặc thuốc đặt tại chỗ và các loại thuốc khác để hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch.

Điều trị ngoại khoa

Trường hợp trĩ có biến chứng huyết khối cần được điều trị sớm bằng cách áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ theo các kỹ thuật truyền thống hoặc kết hợp lấy huyết khối với cắt trĩ bằng các phương pháp khác.  

Các phương pháp điều trị khác cho bệnh trĩ mức độ nhẹ bao gồm:

  • Thắt búi trĩ bằng dây chun - vòng thắt cao su: Đây là một thủ thuật đơn giản, trong đó một vòng cao su được đặt quanh búi trĩ và thắt để gây thiếu máu cục bộ, khiến búi trĩ dần xơ hóa, teo lại và tự rụng đi. Thủ thuật này phù hợp cho trĩ độ 2 và 3, với ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp và có thể điều trị ngoại trú.
  • Chích xơ mạch máu: Áp dụng cho trĩ độ 1 và 2, phương pháp này không thích hợp cho trĩ ngoại, trĩ có huyết khối hoặc trĩ nội bị viêm loét hoặc hoại tử. Trong thủ thuật này, 1-2 ml chất làm xơ (như natri tetradecyl sulfate hoặc phenol 5%, quinine, urea hydrochloride, polidocanol) được tiêm bằng kim 25-gauge vào lớp dưới niêm mạc của búi trĩ.

Điều trị trĩ bằng cách thắt vòng cao su

Phẫu thuật khác:

  • Cắt trĩ: Mặc dù phương pháp phẫu thuật cắt trĩ truyền thống này gây đau đớn, nhưng nó có hiệu quả đối với cả trĩ nội và trĩ ngoại. Cắt trĩ bằng laser không mang lại bất kỳ lợi thế nào so với các kỹ thuật phẫu thuật tiêu chuẩn.
  • Bấm kim bệnh trĩ: Đây là một thủ thuật phẫu thuật sử dụng một thiết bị đặc biệt để ghim bên trong và loại bỏ các mô trĩ. Phương pháp này chỉ có hiệu quả với trĩ nội nhưng ít gây đau hơn so với phương pháp cắt trĩ truyền thống.

Điều trị bằng y học cổ truyền

Y học cổ truyền phân loại dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh thành các thể: 

  • Thể nhiệt độc: giai đoạn đầu của tình trạng viêm nhiễm ở trĩ. 
  • Thể huyết ứ: trĩ có sung huyết (tương ứng với bệnh trĩ nội độ 1, 2). 
  • Thể thấp nhiệt: trĩ kèm viêm nhiễm, bội nhiễm (tương ứng với biến chứng của trĩ).
  • Thể khí huyết lưỡng hư: trĩ do các bệnh toàn thân gây ra, người già, người bệnh thể trạng suy yếu, trĩ lâu ngày gây thiếu máu.

Dựa vào các thể lâm sàng khác nhau mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị cho phù hợp trên từng người bệnh. 

Châm cứu chữa bệnh trĩ

Châm cứu có tác dụng điều hòa khí huyết trong cơ thể, giữ cho các cơ thành mạch được vững chắc và mạnh mẽ. Các huyệt dùng điều trị bệnh trĩ gồm có:  

  • Huyệt Bách Hội: Vị trí huyệt nằm ở giữa đỉnh đầu, nơi giao nhau giữa đường nối đỉnh hai vành tai và đường dọc giữa cơ thể. 
  • Huyệt Hợp Cốc: Vị trí huyệt nằm trên mu bàn tay. 
  • Huyệt Trường Cường: Vị trí huyệt nằm ở hạ bộ của thân thể. 
  • Huyệt Đại Chùy: Huyệt này nằm ở phần sau cổ. 
  • Huyệt Hội Dương: Vị trí huyệt nằm ở hai bên xương cụt. 
  • Huyệt Mệnh Môn Hỏa: Huyệt nằm giữa đốt sống thắt lưng L2 – L3. 
  • Huyệt Nhị bạch: Vị trí huyệt từ nếp lằn cổ tay phía gan tay đo lên 4 thốn, một huyệt nằm ngoài và một huyệt nằm trong cơ gan tay bé.
  • Huyệt Thừa cân: Vị trí ở chính giữa bụng cơ sinh đôi.
  • Huyệt Thừa sơn: Vị trí ở giữa bắp chân (khu cẳng chân sau) nơi hợp của 2 cơ sinh đôi, huyệt ở trên cơ dép.

Tất cả các huyệt trên đều có tác dụng chữa bệnh trĩ, phù hợp với những người có thể trạng kém, an toàn, ít đau đớn và không phải dùng thuốc. 

Tuy nhiên, phương pháp châm cứu chỉ có tác dụng chữa bệnh trĩ ở mức độ nhẹ, những người mới xuất hiện các dấu hiệu trĩ (trĩ nội độ 1, độ 2). Khi trĩ ở mức độ nặng, búi trĩ đã sa ra ngoài hậu môn thì châm cứu ít có hiệu quả. 

Xoa bóp bấm huyệt chữa trĩ 

  • Xoa bóp bấm huyệt dùng lực tác động tới các huyệt đạo, từ đó giúp cải thiện khí huyết lưu thông, tĩnh mạch giãn ra và cải thiện bệnh trĩ. 
  • Ngoài ra, bấm huyệt còn giúp giảm đau, kích thích tuần hoàn, cải thiện tiêu hoá (hạn chế táo bón) và các vấn đề đường ruột khác. 
  • Ưu điểm của xoa bóp bấm huyệt là an toàn, hiệu quả, ít tác dụng phụ cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chỉ có hiệu quả đối với các trường hợp trĩ mức độ nhẹ.

Có thể áp dụng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt hỗ trợ điều trị trĩ

Bài thuốc uống chữa bệnh trĩ 

Một số bài thuốc có tác dụng chữa trĩ như:

  • Bài Hoạt huyết địa hoàng thang: Sinh địa 16g, Đương quy 12g, Hoàng cầm 10g, Ma nhân 12g, Xích thược 12g, Địa du 12g, Kinh giới 12g, Đại hoàng 04g, Hoè hoa 12g. Áp dụng bệnh trĩ thể huyết ứ (trĩ nội đi ngoài ra máu, đau, táo bón). 
  • Bài Bổ trung ích khí thang: Đảng sâm 12g, Cam thảo 4g, Địa du 6g, Hoàng kỳ 16g, Sài hồ 2g, Đương quy 10g, Trần bì 6g, Bạch truật 12g, Thăng ma 8g, Kinh giới 10g. Áp dụng bệnh trĩ thể khí huyết hư (ở người già trĩ lâu ngày gây thiếu máu). 
  • Bài Hoè hoa tán: Hoè hoa 12g, Trắc bách diệp 12g, Địa du 10g, Chỉ xác 8g, Bạch thược 8g, Kim ngân hoa 12g, Sinh địa 16g, Cam thảo 4g, Kinh giới 12g. Áp dụng bệnh trĩ thể thấp nhiệt (trĩ ngoại có nhiễm khuẩn kèm theo). 

Cách trị bệnh trĩ tại nhà

  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ như rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Dùng thuốc bôi hoặc thuốc cải thiện tuần hoàn máu.
  • Thường xuyên ngâm hậu môn trong nước ấm từ 10 – 15 phút mỗi lần, 2-3 lần một ngày.
  • Tránh vận động nặng, ngồi hoặc đứng lâu.
  • Có thể uống thuốc giảm đau acetaminophen, aspirin hoặc ibuprofen khi có sự đồng ý của bác sĩ.

Hướng dẫn cách phòng bệnh trĩ

  • Chế độ ăn giàu chất xơ Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày; hạn chế ăn cay, nóng, uống rượu, cà phê;
  • Không ngồi quá lâu. Sau 30 phút một lần hãy đi lại một chút.
  • Mỗi ngày tập thể dục ít nhất 30 phút.
  • Không mặc quần quá chật.
  • Đừng để táo bón kéo dài, nhất là phụ nữ mang thai.

Để ngăn ngừa bệnh trĩ hiệu quả, việc duy trì phân mềm là rất quan trọng. Điều này có thể đạt được bằng cách ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc, đồng thời uống đủ nước mỗi ngày.

Bài viết tham khảo: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger