Đau dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị
Đau dạ dày là tình trạng bệnh lý thường gặp, trở thành nỗi ám ảnh chung của nhiều người. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu không được điều trị sớm. Vì vậy, quá trình theo dõi triệu chứng, xác định nguyên nhân để kiểm soát kịp thời là thực sự cần thiết.
Đau dạ dày là gì?
Đau dạ dày là tình trạng bao tử bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc không thực sự bị tổn thương mà chỉ có rối loạn vận động của dạ dày và có tăng tiết axit dịch vị dạ dày. Từ đó, bệnh gây ra các cơn đau âm ỉ, nóng rát hoặc tức tại vùng thượng vị. Cảm giác khó chịu này thông thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cơn đau kéo dài và dữ dội, đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Đau dạ dày gây khó chịu như: Đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, chậm tiêu hóa; chán ăn, mệt mỏi; đau nhói, co thắt vùng thượng vị
Đau dạ dày có thể xuất hiện tại vùng thượng vị ở chính giữa bụng, cũng có thể lệch sang bên trái hoặc bên phải, đau có thể lan ra sau lưng. Đau có thể gặp khi đói hoặc về ban đêm, cũng có thể đau sau khi ăn làm người bệnh cảm giác tức nặng, ấm ách không ăn được nhiều.
Nguyên nhân gây đau dạ dày
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau dạ dày bao gồm:
Loét dạ dày tá tràng
Nguyên nhân hay gặp là do vi khuẩn Helicobacter Pylori hoặc dùng các thuốc giảm đau chống viêm Nonsteroid hoặc dùng Aspirin. Ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân hiếm gặp: bệnh Crohn, hội chứng Zollinger- Ellison…
Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày tá tràng
Bệnh thường xuất hiện đột ngột sau uống rượu bia nhiều, ăn gia vị cay nóng hoặc sau dùng thuốc giảm đau chống viêm Nonsteroid hoặc dùng Aspirin.
Khối u ác tính tại thực quản dạ dày
Ung thư vùng tâm vị thực quản hay gặp ở người hút thuốc lá và uống bia rượu nhiều. Ung thư dạ dày hay gặp ở những người từ trung niên. Đây cũng là những nguyên nhân nguy hiểm gây triệu chứng đau dạ dày.
Chứng khó tiêu chức năng
Bệnh nhân thường có triệu chứng đau hoặc tức vùng thượng vị hoặc nóng rát ở vùng thượng vị, ăn nhanh no và ấm ách sau khi ăn. Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi dạ dày để xác định tình trạng niêm mạc bình thường, chỉ có viêm teo hay đã tiến triển thành viêm loét niêm mạc dạ dày.
Thói quen ăn uống thiếu khoa học
Thói quen ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng đau bao tử. Một số điển hình thường gặp gồm:2
- Ăn uống không điều độ, không đúng giờ hoặc ăn quá khuya.
- Ăn quá nhanh, ăn quá no hoặc để để bụng trong trạng thái quá đói.
- Ăn nhiều thức ăn chiên rán, cay nóng, đồ chua.
- Vừa ăn vừa đọc sách, chơi game, học bài, xem tivi…
- Sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh (thực phẩm bẩn, ôi thiu…).
- Lạm dụng đồ uống có cồn, chất kích thích, thuốc lá…
Stress và lo lắng kéo dài
Khi tâm lý căng thẳng, lo lắng, các hormone và chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể sẽ được giải phóng. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu động ruột và hoạt động co bóp của dạ dày, dẫn đến hiện tượng đau bụng, ợ chua, đầy hơi… Ngoài ra, stress còn có khả năng làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây ra tình trạng đau bao tử thường gặp.
Đau dạ dày do căng thẳng, stress ngày càng tăng
Tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc thường dùng có thể gây khó chịu cho dạ dày và dẫn đến các rối loạn khác đối với hệ tiêu hóa. Đặc biệt, người bệnh nên cẩn trọng khi sử dụng những loại sau:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Aspirin có thể ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, gây ra đau bụng và các vấn đề khác. Ngoài ra, các loại thuốc giảm đau khác như: Ibuprofen, Naproxen… cũng có thể dẫn đến chứng ợ nóng, kích ứng bao tử,…
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng, tiêu diệt vi khuẩn… Tuy nhiên, một số loại có thể gây ra hiện tượng đau dạ dày kèm buồn nôn, tiêu chảy, đầy hơi… do làm mất cân bằng hệ vi sinh tiêu hóa.
- Thuốc Cholesterol: Một số thuốc giảm Cholesterol có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây táo bón, đầy hơi hoặc tiêu chảy.
- Thuốc giảm đau Opioid: Thuốc giảm đau opioid mạnh như Oxycodone, Hydrocodone,… có thể dẫn đến táo bón, buồn nôn, co thắt bụng, đầy hơi…
- Thực phẩm chức năng bổ sung sắt: Sắt giúp máu đưa oxy đến các tế bào trong cơ thể tuy nhiên một số thực phẩm bổ sung có thể khiến dạ dày bị kích thích, gây đau.
- Thuốc điều trị ung thư: Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị ung thư là gây đau dạ dày.
Dị ứng và không dung nạp thực phẩm
Dị ứng và không dung nạp thực phẩm có thể dẫn đến đầy hơi và đau dạ dày. Một số loại thường gặp phải kể đến như:
- Sữa.
- Đậu phộng.
- Đậu nành.
- Lúa mì.
- Động vật có vỏ (ốc, nghêu…)
- Cá.
- Trứng.
Nếu hệ tiêu hóa bị dị ứng hoặc không dung nạp một số loại thức ăn, đồ uống nhất định, người bệnh nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ để lên kế hoạch ăn kiêng phù hợp. Điều quan trọng là đừng cố gắng để tiêu thụ những thực phẩm này trong thời gian dài vì chỉ khiến cho tình trạng đau bao tử trở nên trầm trọng hơn.
Các nguyên nhân khác có thể nhầm với đau dạ dày
- Ngộ độc thức ăn.
- Viêm tụy cấp.
- Bán hoặc tắc ruột.
- Sỏi mật.
- U tụy, u đường mật.
Triệu chứng đau dạ dày
Các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, tuy nhiên phổ biến nhất là khi ăn quá no hoặc quá đói, khi căng thẳng hoặc làm việc quá sức.
- Đau vùng thượng vị.
- Chán ăn, ăn uống kém.
- Buồn nôn, nôn.
- Chảy máu tiêu hóa.
- Đau tức vùng bụng trên.
- Ợ chua hoặc trào ngược axit.
- Đầy hơi.
- Ợ hơi, đôi khi kèm theo chất lỏng hoặc thức ăn có vị đắng, mùi hôi.
- Hơi thở có mùi hôi hoặc chua.
Triệu chứng gây bệnh dạ dày trong y học cổ truyền
Khác với y học hiện đại, triệu chứng đau dạ dày theo y học cổ truyền theo: tà phạm vị, can khí phạm vị, tỳ vị hư hàn.
- Thể khí trệ: Đau vùng thượng vị theo từng cơn, đau có xu hướng lan ra sau lưng và 2 bên mạn sườn, cự án (ấn đau), bụng đầy chướng kết hợp ợ hơi ợ chua.
- Thể hoả uất: Đau thượng vị kèm cảm giác nóng rát, cự án (ấn đau), miệng khô đắng.
- Thể huyết ứ: Đau ở 1 vị trí, cự án, nôn ra máu, đi ngoài phân kèm máu, phân đen, sắc mặt xanh nhợt, người mệt mỏi,..
- Thể tỳ vị hư hàn: Đau thượng vị âm ỉ thường xuyên, nôn nhiều, nôn ra nước trong. Đầy bụng khó tiêu, phân nát. Gặp lạnh mức độ đau tăng, chườm ấm đỡ hơn.
Các phương pháp điều trị đau dạ dày
Điều trị đau dạ dày chủ yếu dựa vào nguyên nhân kết hợp với hỗ trợ giúp tổn thương dạ dày mau hồi phục. Điều trị triệu chứng này bao gồm:
Điều trị bằng tây y
Tùy theo từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị đặc hiệu:
- Đối với nguyên nhân do loét dạ dày, người bệnh cần được điều trị bằng thuốc ức chế bơm Proton làm giảm tiết axit (Proton Pump Inhibitors- PPIs) để lành ổ loét như: Omeprazole, Pantoprazole, Lanzoprazole, Rabeprazole, Esomeprazole.
- Trường hợp loét dạ dày tá tràng do Helicobacter Pylori, người bệnh cần dùng kháng sinh phối hợp với PPI để điều trị.
- Những trường hợp dùng các thuốc giảm đau chống viêm Nonsteroid hoặc Aspirin gây đau dạ dày, người bệnh cần dùng thêm PPI để điều trị.
- Đối với chứng khó tiêu chức năng, người bệnh có thể dùng đơn thuần PPI hoặc phối hợp với các thuốc làm tăng vận động đường tiêu hóa (Prokinetic) để điều trị.
Một số loại thuốc dùng để điều trị viêm, loét dạ dày có thể kể đến là:
- Kháng sinh diệt H.pylori.
- Thuốc ức chế bơm proton.
- Thuốc giảm sản xuất acid.
- Thuốc trung hòa acid dạ dày.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Điều trị đau dạ dày theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, đau dạ dày thuộc phạm vi chứng Vị quản thống, vị thống. Tùy vào nguyên nhân gây đau dạ dày, biểu hiện mà thầy thuốc đông y có những bài thuốc điều trị phù hợp.
Châm cứu điều trị đau dạ dày
- Châm cứu: Châm tả các huyệt Thái xung, Tam âm giao, Túc tam lý, Trung quản, Thiên khu, Can du, Tỳ du, Vị du.
- Nếu do Can hỏa uất, châm thêm: Nội đình, Hợp cốc, Nội quan.
- Nếu có huyết ứ: Can du, Tỳ du, Huyết hải, Thái xung, Hợp cốc, Cao hoang, Cách du.
- Nếu có Tỳ vị hư hàn, cứu các huyệt: Trung quản, Thiên khu, Tỳ du, Vị du, Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý.
- Nhĩ châm (châm loa tai): Vùng Dạ dày, Giao cảm.
- Thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt): Thủy châm các huyệt trên bằng Atropin, Novocain, Vitamin B12 để cắt cơn đau.
- Cấy chỉ (cấy chỉ vào huyệt):
- Ngoài các phương pháp trên, cấy chỉ cũng được áp dụng để điều trị đau dạ dày. Bác sĩ sẽ tiến hành cấy chỉ tự tiêu vào các huyệt, tùy từng tình trạng bệnh lý mà chọn công thức huyệt cấy chỉ khác nhau.
- Tuy nhiên, cần nắm rõ các chống chỉ định cấy chỉ và châm cứu điều trị như: không dùng cho bệnh cấp cứu, cơ thể suy kiệt, phụ nữ có thai, da vùng huyệt bị viêm nhiễm hay người mắc bệnh ngoài da, người bị dị ứng với chỉ tự tiêu,…
Chọn huyệt châm cứu điều trị đau dạ dày
Xoa bóp bấm huyệt điều trị đau dạ dày
Bằng cách tác dụng lực vào các huyệt vị sẽ giúp giải phóng tình trạng khí trệ và tăng tuần hoàn máu, nhờ đó mà có thể làm giảm các cơn đau một cách tức thì. Tác động vào những huyệt đạo có mối tương quan với dạ dày còn giúp thúc đẩy chức năng tiêu hóa, co bóp cũng như bài tiết dịch vị.
Các động tác có thể áp dụng để làm giảm đau dạ dày:
- Bước 1: Người bệnh nằm ngửa. Tiến hành xoa bụng theo vòng tròn quanh rốn, đặc biệt lưu ý vùng thượng vị, để làm ấm da cơ vùng bụng. Tiến hành xoa 5 - 7 vòng.
- Bước 2: Day nhẹ nhàng cơ vùng bụng bằng gốc bàn tay hoặc ô mô cái (ô ngoài), ô mô út (ô trong) hoặc vân các ngón tay, di chuyển theo đường tròn để tác động vào các cơ thành bụng. Thời gian trong 3 – 5 phút.
- Bước 3: Dùng các ngón tay và gốc bàn tay nhẹ nhàng bóp vào các cơ thành bụng trong 3 – 5 phút.
- Bước 4: Day, ấn các huyệt vùng bụng và huyệt toàn thân. Sử dụng vân ngón tay cái tác động vào huyệt một góc 45 - 60 độ, ấn từ từ sâu dần đến khi có cảm giác tức nặng tại huyệt và giữ 10 - 15 giây cho mỗi huyệt, sau đó day tròn tại chỗ trong 10 - 15 giây.
- Các huyệt để giúp hỗ trợ giảm đau dạ dày bao gồm: huyệt Trung quản, huyệt Thiên khu, huyệt Lương khâu, huyệt Túc tam lý, huyệt Nội quan, huyệt Thái xung.
Bài thuốc điều trị đau dạ dày
Tuỳ thuộc vào thể trạng người bệnh, thể bệnh và triệu chứng lâm sàng mà thầy thuốc sẽ chỉ định bài thuốc khác nhau. Vì vậy, cần có sự khám xét tỉ mỉ rồi cho đơn của thầy thuốc đông y bệnh tình sẽ nhanh khỏi hơn. Dưới đây là một số bài thuốc điều trị đau dạ dày phổ biến như:
- Hoàng Kỳ Kiến Trung Thang Gia Vị: Quế chi 12g, Mộc hương 4g, Thược dược 24g, Đại táo 2 trái, Hoàng kỳ 24g, Bào khương 8g, Chích thảo 4g. Sắc xong, cho ít Mạch Nha vào, quấy đều uống.
- Đinh Thù Lý Trung Thang’ (Thương Hàn Toàn Sinh Tập): Đinh Hương, Quan quế, Can khương, Phụ tử, Ngô thù du, Cam thảo, Bạch truật, Sa nhân, Nhân sâm, Trần bì. Sắc uống với ít Mộc Hương đã mài.
- Hương Sa Lục Quân Tử Thang ‘(Hoà Tễ Cục Phương): Đảng sâm 12g, Chích thảo 4g, Phục linh 12g, Bán hạ 8g, Bạch truật 12g, Trần bì 8g.
- Ôn Thông Lý Khí Pháp (Đinh Cam Nhân): Bội lan diệp 12g, Ô dược 8g, Xuyên luyện tử 12g, Bạch linh 12g, Thượng quế tâm 6g, Quất diệp 8g, Trầm hương duyên 6g, Tô ngạnh 12g, Ngọa lăng tử 20g, Sa nhân 6g, Bạch thược 12g, Sắc uống.
- Lương Phụ Hoàn Gia giảm: Cao Lương Khương (sao rượu) 6- 16g, Hương phụ (Sao dấm) 10- 16g, Thanh bì 10g, Uất kim 10- 18g, Sa nhân 10g. Sắc uống.
- Kiện Tỳ Thang: Ngọa lăng tử 30g, Đảng sâm 12g, Bạch truật 10g, Chích thảo 6g, Bạch thược 10g, Trần bì 6g, Xuyên luyện 4g, Bán hạ 10g, Phục linh 12g, Ngô Thù 4g. Sắc uống.
Một số vị thuốc có tác dụng trong điều trị bệnh dạ dày:
Nghệ vàng:
Trong y học loại cây này lại càng có nhiều tác dụng như trị vết bỏng, mụn trứng cá, chăm sóc da, làm giảm viêm da, sẹo trên da, đau dạ dày, đại tràng và cả viêm loét dạ dày tá tràng.
Cây chè dây:
Cây chè dây hay bạch liễm là dạng cây dây leo, xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Chiết xuất từ chè dây còn có khả năng trung hòa axit, giúp giảm lượng axit dư thừa tồn tại trong dạ dày, nhanh lành vết loét. Cây chè dây còn có tác dụng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn HP – nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Cây chè dây có tác dụng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn HP
Lá mơ lông:
Đặc điểm là có vị chua, tính bình, ăn vào giúp giải độc và có tính sát khuẩn tốt. Trong khi đó, đau dạ dày xuất hiện chủ yếu bởi vì nhiễm vi khuẩn gây loét dạ dày. Vậy nên, việc sử dụng lá mơ sẽ giúp kiểm soát, gây ức chế và dần dần loại bỏ các loại vi khuẩn trong cơ thể.
Nha đam:
Trong thành phần chính của nha đam có chứa các chất chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn, chống loét và chống oxy hóa. Hơn nữa, nha đam còn có chất kiềm giúp trung hòa axit dạ dày, giảm tiết dịch vị, giúp giảm nhanh các triệu chứng đầy hơi, ợ nóng do bệnh dạ dày gây ra. Do đó mà nha đam rất phù hợp với người đau dạ dày.
Lá trầu không:
Lá trầu không là một trong những cây thuốc nam trị viêm loét dạ dày tá tràng hiệu quả, bởi theo y học cổ truyền, lá trầu có đặc tính kháng khuẩn, sát trùng, giảm đau nên thường xuyên có mặt trong các bài thuốc nam chữa viêm loét dạ dày. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu tìm thấy hoạt chất tanin trong lá trầu không giúp se khô bề mặt tổn thương, từ đó hỗ trợ tích cực trong việc giúp làm lành vết loét ở dạ dày tá tràng.
Cây nhọ nồi:
Cây nhọ nồi được nhắc đến là cây thuốc nam chữa viêm loét dạ dày dễ kiếm. Không chỉ theo y học cổ truyền mà khi phân tích thành phần từ lá cỏ nhọ nồi cũng cho thấy nhiều hợp chất có lợi.
Điều trị đau dạ dày tại nhà
- Uống đủ nước mỗi ngày để đảm bảo quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng diễn ra hiệu quả.
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong một ngày.
- Nhai thức ăn chậm rãi.
- Tập thể dục mỗi ngày để giảm căng thẳng, thay đổi cách sống để cân bằng.
- Tuyệt đối tránh xa các loại thức ăn khiến tình trạng nặng thêm (đồ dầu mỡ, đồ cay nóng…).
- Tránh nằm nhiều vì dễ khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn, thậm chí xuất hiện hiện tượng ợ chua khó chịu.
- Uống trà gừng để làm giảm triệu chứng đau bụng.
- Tránh tuyệt đối việc hút thuốc và uống rượu bia.
- Tránh tiêu thụ các loại thức ăn khó tiêu như: thực phẩm chứa chất béo, axit, thức ăn cay, nhiều dầu mỡ… để giảm triệu chứng đau và khó chịu ở dạ dày.
- Uống nước chanh pha baking soda để làm giảm nồng độ axit dạ dày, từ đó làm giảm triệu chứng ợ nóng, khó tiêu.
Tuy nhiên, khi tình trạng cơn đau trở nên nghiêm trọng, cả hai phương pháp trên hoàn toàn không đem lại hiệu quả, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ. Đây là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm về sau.
Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn