Rối loạn tiêu hóa: Đối tượng, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Rối loạn tiêu hóa là một biểu hiện bất thường ở hệ tiêu hóa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây ra sự khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.
Rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng bệnh lý xảy ra khi đường tiêu hóa xuất hiện các dấu hiệu bất thường về cấu trúc hoặc hoạt động. Theo đó, các chuyên gia y tế đã chia làm hai loại chính gồm:
- Bệnh lý tiêu hóa thực thể (xảy ra khi hệ tiêu hóa xuất hiện những bất thường về cấu trúc, dẫn đến hoạt động bị ảnh hưởng).
- Rối loạn tiêu hóa chức năng (Xảy ra khi hệ tiêu hóa không hoạt động bình thường nhưng không có bệnh thực thể).
Đầy hơi chướng bụng là triệu chứng thường gặp trong rối loạn tiêu hóa
Hệ tiêu hóa có nhiệm vụ phá vỡ và chuyển hóa thức ăn thành các dưỡng chất cần thiết, hấp thu qua thành ruột và đưa vào máu. Quá trình này bắt đầu khi thức ăn được nhai và trộn với nước bọt tại miệng, sau đó dạ dày co bóp để nghiền nát. Khi thức ăn xuống đến ruột non, dịch tiêu hóa từ túi mật và tuyến tụy tiếp tục phân giải tiếp. Từ đó các chất dinh dưỡng có thể thẩm thấu qua thành ruột vào máu, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Những thành phần không được hấp thu sẽ di chuyển đến ruột kết, cộng với các tế bào chết và chuyển hoá thành phân.
Khi rối loạn tiêu hoá xuất hiện, một hoặc nhiều giai đoạn của quá trình tiêu hóa có thể bị tác động, dẫn đến các dấu hiệu khó chịu như đau bụng, đầy hơi, hoặc táo bón.
Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Bệnh này là một vấn đề phổ biến không phân biệt độ tuổi và đối tượng. Tuy nhiên, có những nhóm nguy cơ đặc biệt cần được lưu ý, bao gồm:
Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên
Rối loạn chức năng tiêu hóa và nhu động thường gặp ở trẻ sơ sinh đến thiếu niên 18 tuổi. Trong đó, rối loạn tiêu hóa chức năng chiếm 40-50%, chủ yếu liên quan đến đau bụng.
Người cao tuổi
Lão hóa là yếu tố quan trọng gây ra sự suy giảm toàn diện và rối loạn hệ tiêu hóa ở người cao tuổi. Sự diễn ra mạnh mẽ của quá trình này là nguyên nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa thường gặp ở nhóm này. Cụ thể:
- Thực quản: Khi tuổi tác cao, khả năng co bóp của thực quản và độ căng của cơ vòng trên suy yếu.
- Dạ dày: Người lớn tuổi có niêm mạc dạ dày kém bền vững hơn, dễ bị tổn thương, từ đó làm nâng cao khả năng bị viêm tá tràng. Ngoài ra, độ đàn hồi và sức chứa của dạ dày suy giảm, cùng với tốc độ tiêu hóa thức ăn chậm lại. Tất cả sẽ khiến hệ tiêu hóa dễ bị ảnh hưởng.
- Ruột non: Sự thay đổi cấu trúc của ruột non theo tuổi tác làm giảm khả năng di chuyển và hấp thu dinh dưỡng. Từ đó khiến việc tiêu hóa không còn hiệu quả như trước.
- Nồng độ Lactase giảm: Người cao tuổi dễ gặp hối chứng này khi tiêu thụ sữa và các thực phẩm làm từ sữa. Từ đó gây nên các triệu chứng như chướng bụng, tiêu chảy.
- Vi khuẩn phát triển mạnh: Ở người lớn tuổi, các vi khuẩn có xu hướng tăng mạnh trong đường tiêu hóa, khiến họ bị đau bụng, đầy hơi, thậm chí sụt cân. Điều này làm cản trở sự hấp thụ các dưỡng chất như Vitamin B12, Sắt,… và khoáng chất, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Người cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn các đối tượng khác
Các nhóm đối tượng khác
Ngoài hai nhóm đối tượng trên, rối loại tiêu hoá còn xuất hiện ở một số nhóm đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai: Trong quá trình mang thai, tử cung có thể gây áp lực lên ruột và dạ dày, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa. Sự biến đổi của nội tiết trong cơ thể cũng có thể góp phần vào việc gây nên các rối loạn như đầy bụng, táo bón,…
- Người tham gia thể dục thể thao đòi hỏi sức bền: Các người này thường bị mất nước, chế độ ăn uống khắt khe, và rối loạn mạch máu do vận động mạnh. Những yếu tố này có thể tác động tiêu cực lên hoạt động tiêu hóa.
- Người thường xuyên chịu áp lực và căng thẳng: Tình trạng tâm lý không ổn định và không thoải mái có thể gây rối loạn đường tiêu hóa. Mối liên kết giữa tâm trạng và hệ tiêu hóa là rất mạnh mẽ.
- Người bệnh mãn tính như tiểu đường (loại II), đau nửa đầu, suy giáp: Những bệnh mãn tính này có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây ra các vấn đề liên quan đến rối loạn.
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa không phải là một bệnh lý mà là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị đúng cách thì người bệnh rất có thể sẽ mắc phải các chứng bệnh liên quan đến tiêu hóa, trong đó điển hình là ung thư đường ruột.
Rối loạn tiêu hóa là biểu hiện của sự xáo trộn quá trình tiêu hóa trong cơ thể
Có thể điểm qua một số nguyên nhân gây nên tình trạng này như sau:
- Viêm đại tràng
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng rối loạn hệ tiêu hóa. Viêm đại tràng có thể do lỵ amip, shigella,… gây nên hội chứng ruột kích thích.
- Bệnh lý liên quan đến dạ dày
Các bệnh lý như viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng,… gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất.
- Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột
Các vi khuẩn đường ruột có tác dụng điều hòa quá trình tiêu hóa, lên men trong đường ruột. Khi có sự mất cân bằng hệ vi sinh vật này sẽ dẫn đến sự rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột là do lạm dụng kháng sinh, thường gặp nhất ở trẻ em.
- Chế độ ăn uống
Nạp vào cơ thể những thức ăn, đồ uống không đảm bảo vệ sinh, những chất có tác dụng không tốt đến đường tiêu hóa đều có thể gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, ăn uống không đúng bữa, không điều độ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
- Sử dụng nhiều thức uống có cồn
Đây là nguyên nhân thường gặp ở người lớn. Rượu bia làm mất cân bằng pH dạ dày, rửa trôi các men tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề tiêu hóa của cơ thể
Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa thường biểu hiện dưới nhiều triệu chứng khác nhau, có thể xảy ra đồng thời ở nhiều bộ phận của hệ tiêu hóa, cũng có thể chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhất định. Các triệu chứng thường gặp như:
- Chướng bụng: luôn cảm thấy bụng căng, khó chịu đặc biệt là sau khi ăn xong. Thức ăn không được tiêu hóa hết, ứ đọng trong ống tiêu hóa gây nên tình trạng này.
- Buồn nôn, nôn mửa: Các nguyên nhân gây kích thích đường tiêu hóa sẽ khiến bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
- Ợ hơi, ợ nóng: Các rối loạn tại dạ dày và tá tràng thường gây nên tình trạng ợ hơi, ợ nóng. Nếu bạn thấy mình thường xuyên có triệu chứng này chứng tỏ bạn đang gặp phải vấn đề về hệ tiêu hóa rồi đấy.
- Đau bụng âm ỉ: Hầu như ai bị rối loạn tiêu hóa đều kèm theo đau bụng. Cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng trên, vùng dạ dày, vùng bụng dưới. Ban đầu nhẹ, sau đó lan rộng và nặng hơn, đặc biệt là sau khi ăn đồ cay nóng, đồ chua hoặc bị ngộ độc thực phẩm.
- Đại tiện bất thường: các dấu hiệu bao gồm: tiêu chảy, táo bón, đại tiện nhiều lần trong ngày,… tất cả là do sự rối loạn chức năng đào thải của hệ tiêu hóa. Tình trạng này kéo dài, đặc biệt là tiêu chảy sẽ khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược.
- Chán ăn: Khi bị các vấn đề về tiêu hóa, bệnh nhân thường có cảm giác đắng miệng, không muốn ăn uống gì.
Người bị các vấn đề tiêu hóa thường đau bụng âm ỉ
Thông thường, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa chỉ xảy ra ít và ở mức độ nhẹ. Khi các triệu chứng kéo dài và nặng hơn như đi ngoài có máu, phân lỏng rắn xen kẽ, sút cân nhanh,… thì chứng tỏ bệnh của bạn đã khá nặng. Hãy liên hệ với bác sĩ sớm để được khám và điều trị kịp thời.
Điều trị rối loạn tiêu hóa như thế nào
Chính vì do nhiều nguyên nhân gây ra nên việc điều trị chứng này cũng tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể.
Điều trị bằng y học hiện đại
Sử dụng thuốc tây y
Sử dụng kháng sinh đúng liều để điều trị các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải được sự đồng ý của bác sĩ. Vì thế bạn cần đến khám và nhờ bác sĩ kê đơn điều trị nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng.
Điều trị tại bệnh viện
Các trường hợp rối loạn tiêu hóa nặng cần được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Bệnh nhân sẽ được truyền dịch nếu bị mất nước do nôn, tiêu chảy. Các trường hợp sốt cao, mất máu do đi ngoài ra máu, tiêu chảy mất nước,… cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Điều trị bằng y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, chứng rối loạn tiêu hóa được xếp theo hệ tiêu hóa. Hệ này có chức năng của tỳ vị. Nói đến rối loạn tiêu hóa là nói đến hậu thiên trực tiếp đến tỳ vị.
Sử dụng thuốc đông y
Y học cổ truyền thường sử dụng các vị thuốc có tác dụng kích thích tiêu hóa có chứa tinh dầu, axit hữu cơ và nhóm có tác dụng làm mạnh tỳ vị điều trị căn bệnh này. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà có những bài thuốc khác nhau.
Một số vị thuốc có tác dụng trong điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa là: Atiso, ý dĩ, sơn tra, trần bì, mạch nha, đẳng sâm, tía tô, gừng, lá ổi, ý dĩ, trần bì...
- Ưu điểm: An toàn, không có tác dụng phụ, giúp phục hồi và cân bằng chắc năng của hệ tiêu hóa.
- Nhược điểm: Tác dụng lâu, phải sắc uống, mùi vị đôi lúc khó uống với một số người.
Châm cứu chữa rối loạn tiêu hóa
Các nghiên cứu cho thấy châm cứu giúp điều trị các rối loạn tiêu hóa bằng cách kích thích phản ứng của hệ thần kinh giúp kiểm soát nhu động ruột. Châm cứ có thể làm giảm các triệu chứng tiêu hía bằng cách hỗ trợ quá trình tiêu hóa trong điều trị bênh bao gồm:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Triệu chứng của bệnh Crohn.
- Táo bón.
- Chứng khó tiêu mãn tính.
Xoa bóp, bấm huyệt
Để cải thiện chức nưng tiêu hóa, phòng và điều trị các chứng trạng này có thể tiến hành thao tác xoa bóp, bấm huyệt đơn giản tại vùng bụng, 2 đường kinh Vị, tỳ và một số huyệt đặc hiệu.
Cách thực hiện:
- Xoa bóp bụng trên và toàn bụng chữa rối loạn tiêu hóa, khó tiêu.
- Xoa bóp mặt trước cẳng chân là cách bấm huyệt chữa rối loạn tiêu hóa.
- Day ấn huyệt Trung quản chữa khó tiêu.
- Day ấn huyệt Kiến lý chữa rối loạn tiêu hóa.
- Day ấn huyệt Thiên khu chữa rối loạn tiêu hóa.
- Day ấn huyệt Túc tam lý chữa rối loạn tiêu hóa.
- Day ấn huyệt Tam âm giao chữa rối loạn tiêu hóa.
Xoa vùng trên rốn với một lực ấn vừa phải theo chiều kim đồng hồ chữa rối loạn tiêu hóa, khó tiêu
Các phương pháp khác
Chế độ dinh dưỡng: thức ăn và nước uống là tác nhân dễ gây ra chứng rối loạn tiêu hóa nhất. Vì thế, việc cân bằng dinh dưỡng và lựa chọn những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa là rất cần thiết. Bạn nên thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ quá cay nóng, quá chua, quá nhiều đạm hoặc mỡ. Đối với bệnh nhân tiêu chảy mạn tính không nên ăn nhiều thức ăn giàu xơ. Người bệnh nên được bổ sung men tiêu hóa và các loại thức uống có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa.
Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa nói riêng và các vấn đề khác liên quan đến tiêu hóa nói chung, mỗi người cần xây dựng cho mình một chế độ sống khoa học. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
- Ăn uống đủ chất, ăn chín uống sôi, hạn chế các thực phẩm gây kích thích hệ tiêu hóa, gây tiêu chảy.
- Đối với người thường xuyên táo bón, cần bổ sung nhiều chất xơ và rau xanh để hỗ trợ quá trình đào thải của cơ thể.
- Hạn chế sử dụng các thức uống có cồn.
- Bổ sung men vi sinh, bổ sung lợi khuẩn tốt cho đường ruột.
- Tập thói quen đi vệ sinh khoa học, mỗi ngày đều nên đi vệ sinh 1 lần vào cùng một thời điểm.
- Bổ sung các vitamin và khoáng chất, nâng cao sức đề kháng chống các tác nhân sinh vật gây nên chứng rối loạn tiêu hóa.
Ăn nhiều rau xanh, rau củ quả để bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết
Rối loạn tiêu hóa tuy thường gặp nhưng không nên chủ quan. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí sẽ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Vì thế, nếu có các dấu hiệu bất thường của quá trình tiêu hóa, hãy liên hệ với bác sĩ để nhận được lời khuyên tốt nhất.
Bài viết tham khảo: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org