Cứu điều trị huyết áp thấp (Huyễn vựng)

THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ: 5013/QĐ-BYT VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN MÔN “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN, KẾT HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI Y HỌC HIÊN ĐẠI” NGÀY 01/12/2020

Cứu ngải là một liệu pháp Trung Y cổ xưa và kỳ diệu, sử dụng cách đốt ngải cứu (ngải cứu khô) để làm ấm và kích thích các huyệt cụ thể, có tác dụng chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhất là đối với bệnh nhân bị tụt huyết áp.

ĐẠI CƯƠNG

Theo y học hiện đại chẩn đoán huyết áp thấp khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg. Những người huyết áp thấp thường có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, giảm tập trung, hay choáng váng.

Theo y học cổ truyền huyết áp thấp thuộc chứng huyễn vựng, đầu thống, .. và do nhiều nguyên nhân gây ra, thường là hư chứng. Nguyên nhân là do tâm dương bất túc, tỳ vị suy nhược, khí huyết lưỡng hư, ...

CHỈ ĐỊNH

Người bệnh được chẩn đoán huyết áp thấp.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu.

- Da bị tổn thương ở vùng cứu.

- Các trường hợp bệnh lý thuộc nhiệt chứng.

* Thận trọng:

- Người bệnh sốt cao, đang mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính.

- Giai đoạn nặng của bệnh: suy tim, suy gan, suy thận; cơ thể suy kiệt nặng.

- Sau ăn quá no hoặc quá đói.

- Thận trọng khi cứu ở các vùng có nhiều gân, da sát xương, vùng mặt ...vì có thể gây bỏng, đặc biệt là những vùng bị giảm hoặc mất cảm giác.

CHUẨN BỊ

Người thực hiện:

- Bác sỹ, y sỹ, lương y được đào tạo chuyên ngành y học cổ truyền, được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

- Bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y được cấp chứng chỉ hành nghề và có chứng chỉ châm cứu do các cơ sở đào tạo cấp theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Trang thiết bị:

- Phòng điều trị hoặc phòng thủ thuật hoặc giường điều trị đảm bảo sự riêng tư cho người bệnh.

- Lựa chọn một trong các thiết bị sau: đai ngải, máy cứu ngải, giá cứu, hộp cứu, máy hút khói.

- Diêm, bật lửa, ...

- Mồi ngải, điếu ngải, viên ngải, tinh dầu ngải, cao ngải.

- Gừng, tỏi, muối, ...

- Khay đựng dụng cụ y tế.

- Thuốc chữa bỏng.

Thầy thuốc, người bệnh:

- Thầy thuốc:

+ Khám và làm hồ sơ bệnh án theo quy định.

+ Tư vấn và hướng dẫn quy trình, vị trí điện châm cho người bệnh.

+ Chọn tư thế người bệnh phù hợp để làm thủ thuật.

+ Rửa tay hoặc sát khuẩn tay theo quy định.

- Người bệnh: hợp tác với thầy thuốc và bộc lộ vùng cần làm thủ thuật, huyệt được cứu hướng lên trên, mặt da nằm ngang để mồi ngải đặt lên da được vững vàng, không bị rơi.

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Thủ thuật:

+ Phác đồ huyệt:

- Bách hội (GV20); Thượng tinh (GV23); Thái dương (Ex-HN5); Phong trì (GB20); Đản trung (CV17); Thần khuyết (CV8); Quan nguyên (CV4); Khí hải (CV6); Trung cực (CV3); Tam âm giao (SP6); Túc tam lý (ST36); Huyết hải (SP10); Dũng tuyền (KI1).

+ Kỹ thuật cứu:

- Chọn mồi ngải hoặc điếu ngải hoặc đoạn ngải.

- Cứu:

+ Cứu bằng mồi ngải

- Đặt miếng gừng hoặc tỏi hoặc muối lên vùng huyệt.

- Đặt mồi ngải lên miếng gừng hoặc tỏi hoặc muối.

- Đốt mồi ngải.

- Khi cháy hết mồi ngải gạt tàn vào khay, làm lại mồi ngải trên miếng gừng khác như trên.

+ Cứu bằng điếu ngải: Đốt điếu ngải, hơ cách da vùng huyệt khoảng 2cm, khi người bệnh thấy nóng thì chuyển sang cứu huyệt khác.

+ Cứu bằng đai hộp ngải, giá cứu ngải, máy cứu ngải:

- Mở nắp hộp, cài đoạn ngải vào giá đỡ có gắn trong hộp.

- Đốt đầu tự do còn lại của đoạn ngải, điều chỉnh cửa gió để đoạn ngải cháy từ từ, đạt dần đến độ nóng phù hợp với người bệnh.

- Đặt thiết bị cứu lên vùng huyệt cần thực hiện thủ thuật cứu. Cứu đến khi người bệnh có cảm giác ấm nóng toàn bộ vùng huyệt được cứu.

5.2. Liệu trình điều trị:

- Thời gian cứu: 15 - 20 phút/lần, 1 - 2 lần/ ngày, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh.

- Liệu trình điều trị từ 15 - 30 ngày: Tùy theo diễn biến của bệnh có thể tiến hành 2 - 3 liệu trình liên tục.

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Theo dõi: Theo dõi tại chỗ và toàn thân.

Xử trí tai biến:

+ Bỏng (thường gây bỏng độ I): Hay gặp ở người bệnh bị giảm hoặc mất cảm giác nông (đau và nóng - lạnh) dễ bị bỏng. Người bệnh thấy nóng rát sau khi cứu, trên mặt da vùng huyệt được cứu xuất hiện phỏng nước.

 - Xử trí: làm dịu vết thương, dùng thuốc mỡ đặc trị bỏng bôi và dán băng tránh nhiễm trùng.

+ Cháy: Người già, trẻ em giẫy giụa, do vô tình, hoặc do vướng vào quần áo, chăn đệm gây cháy.

 - Xử trí: nhanh chóng dập tắt nguồn phát lửa.

 - Đề phòng: Không cứu nhiều huyệt và trên nhiều người bệnh một lúc. Theo dõi sát, không được rời người bệnh khi cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.

2. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.

3. Bộ Y tế (2017). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm chuyên ngành châm cứu.

4. Khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Hà Nội (2018). Sách hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo YHCT, kết hợp YHCT với Y học hiện đại.

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger