Đau bụng kinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và các phương pháp phòng ngừa
Đau bụng kinh là hiện tượng phổ biến xảy ra trong những ngày hành kinh ở phụ nữ. Mức độ đau khác nhau ở mỗi người, có người chỉ đau mức độ nhẹ, nhưng có người lại đau nghiêm trọng hơn. Vậy cơn đau bụng kinh như thế nào là bình thường và khi nào cần thăm khám ngay?
Đau bụng kinh là gì?
Đau bụng kinh còn gọi là thống kinh, là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng xuất hiện những cơn đau co thắt, cơn đau quặn ở vùng bụng dưới, thường xuất hiện trước và trong thời gian hành kinh do sự co bóp của tử cung. Đây là hiện tượng phổ biến trong chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.
Theo Hiệp thống kê, hơn ½ phụ nữ bị đau bụng kinh từ 1-2 ngày mỗi tháng. Thông thường cơn đau ở mức độ nhẹ, tuy nhiên ở một số phụ nữ xuất hiện cơn đau nghiêm trọng hơn khiến họ không thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt và công việc thường ngày trong vài ngày.
Phần lớn phụ nữ bị đau bụng trước và trong thời gian hành kinh
Phân loại đau bụng kinh
Tùy theo nguyên nhân mà hiện tượng đau bụng kinh (đau bụng đến tháng) được chia thành 2 loại:
Đau bụng kinh nguyên phát: Đau bụng kinh nguyên phát xảy ra do sự co bóp của tử cung. Các cơn co nhỏ, vị trí đau dọc từ trên xuống dưới tử cung, tuy nhiên các cơn co thắt tử cung này thường khá yếu và khó có thể cảm nhận rõ ràng được. Những cơn đau thường bắt đầu trước 1–2 ngày hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt và thường kéo dài trong 12 – 72 giờ. Đau bụng kinh nguyên phát có thể sẽ cải thiện hơn khi phụ nữ lớn tuổi, nhất là sau khi có con.
Đau bụng kinh thứ phát: Đau bụng kinh thứ phát là cơn đau liên quan đến một rối loạn hay bệnh lý ở cơ quan sinh sản của phụ nữ. Chẳng hạn như bệnh: lạc nội mạc tử cung, tuyến tử cung, u xơ tử cung hay nhiễm trùng. Loại đau này thường diễn ra trước khi kỳ kinh bắt đầu và kéo dài hơn cơn đau bụng kinh thông thường. Cơn đau đau bụng kinh thứ phát thường không kèm theo buồn nôn, nôn, mệt mỏi hoặc tiêu chảy.
Nguyên nhân gây đau bụng kinh
Bình thường, trứng sẽ rụng theo tính chất đều đặn hàng tháng. Trường hợp tinh trùng gặp trứng và thụ tinh, trứng đã thụ tinh sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng để đến tử cung làm tổ và phát triển thành thai nhi. Nếu tinh trùng không gặp trứng và quá trình thụ tinh không xảy ra, tử cung sẽ co bóp để đẩy lớp niêm mạc và trứng ra khỏi cơ thể, được gọi là kinh nguyệt.
Khi thành tử cung co lại, mạch máu ở niêm mạc tử cung sẽ bị chèn ép, dẫn đến các mô trong tử cung bị thiếu oxy nên phóng ra các chất gây co thắt tử cung mạnh hơn khiến chị em cảm thấy đau hơn.
Bên cạnh đó, vào những ngày đầu hành kinh, cơ thể sẽ gia tăng sản xuất một chất trung gian hóa học khác có tên là prostaglandin. Chất này khiến cơ tử cung co bóp nhiều hơn với lực mạnh hơn, dẫn đến làm tăng mức độ đau trong khoảng thời gian này.
Ngoài nguyên nhân kể trên, một số nguyên nhân khác có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau bụng kinh, gồm:
Đau bụng kinh liên quan đến bệnh lý
Ngoài các nguyên nhân kể trên thì cơn đau bụng kinh có thể do ảnh hưởng từ một bệnh lý nào đó. Khả năng đau bụng khi đến tháng có liên quan đến bệnh lý tiền ẩn thường xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ lớn tuổi từ 30 – 45 tuổi.
Các bệnh lý có thể dẫn đến đau bụng kinh dữ dội bao gồm:
- U xơ tử cung
- Hẹp cổ tử cung
- Viêm vùng chậu
- Bệnh tuyến tử cung
- Lạc nội mạc tử cung
Đau bụng kinh liên quan đến phương pháp tránh thai
Có không ít chị em thắc mắc đặt vòng tránh thai có gây đau bụng khi đến tháng không? Câu trả lời là CÓ. Vì vòng tránh thai là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau bụng kinh. Sau đây là lý giải cho điều này.
Vì vòng tránh thai (IUD) là một dụng cụ được làm từ đồng và nhựa (plastic), được dùng để đặt vào bên trong tử cung với mục đích ngừa thai. Khi mới đặt vòng tránh thai, bạn có thể cảm thấy đau bụng, vướng víu, ra máu; đồng thời còn gây tác động đến chu kỳ kinh nguyệt, kéo dài thời gian kinh nguyệt, ra máu nhiều hơn, thậm chí đau bụng nhiều hơn trong chu kỳ.
Một số bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, hẹp cổ tử cung… có thể gây ra triệu chứng đau bụng mỗi khi tới tháng
Triệu chứng đau bụng kinh như thế nào?
Thông thường, các triệu chứng thường thấy của cơn đau bụng kinh là:
- Đau trằn trọc, đau quặn ở vùng bụng dưới, có lúc rất đau.
- Cơn đau thường xuất hiện trước khi có kinh 1 – 3 ngày.
- Khoảng thời gian cơn đau dữ dội nhất là 24 giờ trước khi hành kinh.
- Cơn đau bụng kinh hay đau bụng tới tháng có thể lan ra vùng lưng dưới, bụng dưới và dưới đùi.
Bên cạnh các dấu hiệu và triệu chứng đau bụng kinh ở trên, một số phụ nữ đôi khi gặp thêm những hiện tượng khác trong kỳ kinh như: buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh, đầy hơi, chướng bụng, táo bón và tăng cảm giác mệt mỏi.
Chẩn đoán cơn đau bụng kinh
Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa, khai thác thông tin bệnh sử bản thân, tiền sử gia đình để phát hiện các yếu tố nguy cơ. Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và phát hiện những bất thường ở cơ quan sinh sản nếu có.
Trong trường hợp nghi ngờ đau bụng kinh thứ phát có liên quan đến bệnh lý, bác sĩ sẽ yêu cầu chị em tham gia một số kiểm tra cần thiết, có thể là:
- Siêu âm: để xem hình ảnh tử cung, cổ tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng.
- Chụp CT, MRI hoặc kết hợp CT và X-quang tùy từng trường hợp cụ thể.
- Nội soi ổ bụng: phát hiện tình trạng u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng hoặc mang thai ngoài tử cung.
Thăm khám để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh
Phương pháp điều trị và làm giảm cơn đau bụng kinh
Thống kinh thường được điều trị bằng thuốc với những thuốc giảm đau kê đơn kết hợp thuốc điều hòa nội tiết. Với những trường hợp nhỏ tuổi, các bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân và cha mẹ một số phương pháp giảm đau đơn giản.
Giảm đau bụng kinh bằng thuốc
Các thuốc giảm đau bụng kinh chủ yếu có tác dụng làm giãn cơ nhẵn của tử cung và ức chế hoạt động co bóp. Thuốc được sử dụng phổ biến nhất thường chứa progestagen - chất nguyên hóa của progesterone có tác dụng ức chế sản sinh prostaglandin.
Trong một số trường hợp, nếu nguyên nhân đau bụng kinh là do tình trạng viêm nhiễm phụ khoa, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh chống viêm để điều trị bệnh.
Phẫu thuật phụ khoa
Nếu thống kinh xuất phát từ nguyên nhân u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc dính buồng tử cung thì có thể được điều trị bằng phương án phẫu thuật. Việc phẫu thuật loại bỏ tác nhân gây bệnh có thể giúp thuyên giảm các cơn đau một cách nhanh chóng mà bệnh nhân không cần sử dụng thuốc điều trị.
Điều trị bằng y học cổ truyền
Thuốc đông y
Theo Y học cổ truyền, đau bụng kinh, hay còn gọi là thống kinh, là hiện tượng hành kinh có đau bụng, đau có thể lan khắp bụng hoặc đau xuyên ra cột sống, lan xuống đùi, kèm theo đau đầu, căng vú, buồn nôn, thần kinh ổn định.
Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà đông y chia thống kinh thành các thể bệnh khác nhau, mỗi thể bệnh lại được điều trị bằng các bài thuốc riêng.
- Thể Phong hàn.
- Thể can uất khí trệ, huyết ra không thông.
- Thể bệnh do khí trệ huyết ứ lâu ngày sinh chứng thống kinh.
- Thể bệnh thống kinh có kiêm chứng âm hư huyết nhiệt.
- Thể bệnh do hàn ngưng tụ sinh chứng đau bụng kinh.
- Thể bệnh do dương hư âm thịnh khí huyết ngưng tụ sinh chứng thống kinh.
- Thể bệnh do trung tiêu hư hàn, làm khí ngưng huyết trệ thống kinh.
- Thể Can Thận âm hư.
Các bài thuốc Y học cổ truyền chứa các dược liệu như Hương phụ, Đào nhân, Hồng hoa, Đương quy, Ích mẫu thảo,…
Tuỳ theo thể trạng, tình trạng bệnh, mong muốn của người bệnh mà các bác sĩ sẽ gia giảm các phương pháp phù hợp với mình.
Châm cứu
- Là phương pháp kích thích các huyệt vị trên cơ thể giúp giảm đau, điều hòa khí huyết, cải thiện tình trạng thống kinh.
- Các huyệt chủ đạo thường được sử dụng trong chữa đau bụng kinh gồm trung cực, địa cơ, huyết hải, thái xung, tam âm gia, thận du, khí hải,...Tùy vào thể bệnh mà chọn các huyệt cho phù hợp.
Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp vùng bụng dưới giúp giảm đau, thư giãn cơ bắp, tăng cường lưu thông máu.
- Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị không xâm lấn, an toàn, có thể sử dụng ở hầu hết các trường hợp đau bụng kinh trước hoặc trong kỳ kinh.
- Không sử dụng ở những bệnh lý đau bụng ngoại khoa cấp tính, bệnh nhân lở loét vùng da cần bấm huyệt.
- Lực bấm vừa phải không quá mạnh cũng không bấm quá nhẹ. Nếu thể trạng người bệnh quá suy nhược hoặc mệt mỏi thì không nên thực hiện.
Xoa bóp bấm huyệt giúp giảm đau, thư giãn và tăng cường lưu thông máu khi đến tháng ở chị em phụ nữ
Thay đổi thói quen sống
Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị hoặc phẫu thuật phụ khoa, đối với những bé gái/ bạn nữ trẻ tuổi bj đau bụng kinh nguyên phát, bác sĩ có thể khuyến cáo bệnh nhân thực hiện một số biện pháp liên quan đến thói quen sống, bao gồm:
- Hạn chế uống nước lạnh, trong những ngày hành kinh nên uống nước ấm.
- Chườm ấm vùng bụng để làm giảm cơn co tử cung.
- Hạn chế ăn đồ chua, có thể nhấm nháp chút chocolate giúp giảm cơn đau nhanh chóng.
- Uống nước đường đỏ hoặc nước gừng để làm ấm cơ thể.
- Ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ để giúp ích cho quá trình lưu thông máu
- Ngủ đủ giấc để cơ thể được nghỉ ngơi.
Đau bụng kinh có nguy hiểm không?
Bác sĩ Thanh Thảo chia sẻ, hiện tượng đau bụng kinh bắt đầu sớm trước kỳ kinh và kéo dài hơn so với cơn đau bụng kinh bình thường có thể là dấu hiệu báo hiệu chị em đang mắc bệnh lý nguy hiểm, trong đó phải kể đến:
- U xơ tử cung: những khối u lành tính gây áp lực lên tử cung gây rối loạn kinh nguyệt và đau bụng kinh. Nữ giới mắc bệnh lý này sẽ gặp nhiều triệu chứng khó chịu như đau vùng bụng dưới, đau vùng chậu, tiểu khó, táo bón, rong kinh, cường kinh…
- Lạc nội mạc tử cung: lạc nội mạc tử cung có thể xuất hiện trong cơ tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, ở đường tiêu hóa dưới hoặc bàng quang. Những khối mô nội mạc này phát triển sẽ gây sưng, viêm và chảy máu tại vị trí “đi lạc”, gây ra những cơn đau trong kỳ kinh nguyệt.
- Hẹp cổ tử cung: cổ tử cung bị hẹp sẽ khiến việc lưu thông máu trong kỳ kinh gặp khó khăn hơn, dẫn đến chị em có cảm giác đau bụng nhiều hơn.
- Viêm vòi trứng: bệnh lý này gây ảnh hưởng đến khung xương chậu, vì thế chị em sẽ cảm thấy bị đau bụng trước và trong kỳ kinh, có thể đau không liên quan đến kỳ kinh. Ngoài ra, bệnh viêm vòi trứng còn gây ra nhiều triệu chứng khác như rối loạn kinh nguyệt, khí hư có màu sắc lạ, chóng mặt, buồn nôn…
- Ung thư cổ tử cung: ở giai đoạn đầu ung thư thường không có biểu hiện rõ ràng, khi các tế bào ung thư phát triển mạnh hơn có thể gây ra nhiều triệu chứng khác như đau bụng kinh dữ dội, đau vùng chậu, đau khi giao hợp, tiết dịch âm đạo bất thường… vì thế chị em không được chủ quan.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mặc dù đau bụng kinh là một hiện tượng phổ biến trong kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, tuy nhiên chị em cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra tìm nguyên nhân trong những tình huống sau đây:
- Bị đau bụng dữ dội, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt và công việc thường ngày.
- Các triệu chứng đau ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Cơn đau dữ dội.
Khi đến ngày hành kinh hãy để đầu óc được thư giãn. Đồng thời, nên tập luyện thể dục thể thao đều đặn với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga. Điều này sẽ rất hữu ích trong việc làm tăng lưu lượng máu đến vùng lưng, xương chậu. Từ đó sẽ giúp giảm các cơn đau hiệu quả.
Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn