Tiền mãn kinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và kiểm soát tình trạng tiền mãn kinh sớm
Tiền mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên không thể chối bỏ trong cuộc đời người phụ nữ. Lúc này, cơ thể chị em có rất nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều vấn đề về sức khỏe và sinh lý, nhan sắc xuống dốc... Để hiểu rõ hơn về triệu chứng cũng như cách khắc phục các rối loạn gây ra khi bước vào giai đoạn này, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau.
Tiền mãn kinh là gì?
Tiền mãn kinh (Perimenopause) là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh. Giai đoạn này thường rơi vào phụ nữ ở độ tuổi từ 45 – 55. Người ta còn gọi đây là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. Trong giai đoạn này, nồng độ estrogen, một loại hormone nữ bắt đầu giảm dần, khiến chu kỳ kinh nguyệt diễn ra không đều và sau đó bạn sẽ mất kinh hoàn toàn.
Trong giai đoạn cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể người phụ nữ sẽ sản xuất ngày càng ít estrogen hơn. Giai đoạn này kéo dài ít nhất là vài tháng và lâu nhất là 4 năm.
Bước qua giai đoạn này, chị em sẽ bước vào giai đoạn mãn kinh – ngừng kinh nguyệt, nghĩa là không xuất hiện chu kỳ rụng trứng, kinh nguyệt sẽ mất đi và không còn khả năng sinh sản.
Tiền mãn kinh bao nhiêu tuổi?
Phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh thường ngoài 50 tuổi, thế nhưng tùy theo cơ địa mỗi người mà thời kỳ mãn kinh diễn ra bình thường hoặc sớm hơn và mỗi người có những triệu chứng đôi khi không giống nhau.
Tiền mãn kinh xảy ra trước khi bạn chính thức mãn kinh khoảng 5 - 10 năm.
- Tuổi tiền mãn kinh sớm: trước tuổi 40.
- Tuổi tiền mãn kinh: bình thường 40 - 47 tuổi.
- Tuổi mãn kinh: ngoài 50 tuổi.
Nguyên nhân gây ra tiền mãn kinh sớm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình huống tiền mãn kinh sớm, trong đó phải kể đến những nguyên nhân thường gặp sau:
- Di truyền: Tiền sử gia đình có góp vai trò vào thời điểm mãn kinh. Nếu gia đình có mẹ, dì, chị em ruột có tình trạng tiền mãn kinh sớm thì nhiều khả năng chị em cũng sẽ rơi vào tình trạng này. Tuy nhiên, yếu tố gene cũng chỉ là một phần nhỏ của nguyên nhân gây mãn kinh sớm.
- Lối sống và sinh hoạt: Một số thói quen sống và sinh hoạt hàng ngày có thể tác động vào độ tuổi bắt đầu thời kỳ tiền mãn kinh ở phụ nữ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra hàng loạt các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống nghèo nàn dinh dưỡng, không vận động… có thể thúc đẩy thời kỳ tiền mãn kinh diễn ra sớm hơn.
- Hút thuốc lá: Tiền mãn kinh có thể bắt đầu sớm hơn ở những phụ nữ có thói quen hút thuốc lá so với người không hút.
- Phụ nữ trải qua quá trình điều trị bệnh ung thư bằng phương pháp hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu.
- Phụ nữ trải qua phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng.
Các triệu chứng tiền mãn kinh thường gặp
Dưới đây là những triệu chứng phổ biến của thời kỳ tiền mãn kinh chị em phải đối mặt:
- Kinh nguyệt không đều:
Rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng dễ nhận thấy đầu tiên của thời kì tiền mãn kinh. Kỳ kinh có thể đến sớm hoặc muộn, số ngày hành kinh có thể ngắn hoặc dài, lượng máu kinh có thể ra nhiều hoặc ra nhỏ giọt, chu kỳ sẽ trở nên thưa hơn (2 tháng hoặc hơn 3 tháng mới thấy kinh), thậm chí mất kinh trong thời gian dài.
- Hay bốc hỏa, đổ nhiều mồ hôi:
Theo số liệu thống kê, có khoảng 75% phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh phải chịu đựng những cơn nóng thất thường, mặt nóng bừng, tim đập nhanh, vả mồ hôi (thường vào ban đêm), khi cơn bốc hỏa đi qua sẽ có cảm giác ớn lạnh.
Khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, chị em phải đối mặt với những thay đổi xấu về cả 3 phương diện sức khỏe, sắc đẹp và đời sống sinh lý
- Dễ mất ngủ:
Ở giai đoạn này, chị em thường ngủ không ngon giấc, hay mê sảng, thức giấc nhiều lần trong đêm do nội tiết bị xáo trộn hoặc do cơ thể nóng ran, vả nhiều mồ hôi về đêm.
- Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ nổi giận vô cớ:
Tâm trạng phụ nữ thay đổi rất thất thường: dễ buồn, lo lắng, hồi hộp, chán nản, hay nổi giận vô cớ, stress kéo dài, thậm chí bị trầm cảm.
- Đau đầu, chóng mặt:
Triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh ở mỗi người là hoàn toàn khác nhau song đa phần chị em phải đối mặt với tình trạng đau đầu, chóng mặt. Một số biểu hiện đi kèm thường là hoa mắt dẫn tới mất thăng bằng khi đứng hoặc đi bộ, ù tai, cơ thể yếu đi, buồn nôn, mệt mỏi…
- Âm đạo mỏng, khô, dễ nhiễm trùng đường tiết niệu:
Ở giai đoạn này, âm đạo của phụ nữ có sự thay đổi đáng kể, thành âm đạo trở nên mỏng, khô, dễ bị nhiễm khuẩn và tổn thương khi quan hệ. Bên cạnh đó, nội tiết tố nữ giảm làm mô của âm đạo và niệu đạo bị mất tính đàn hồi, gây tiểu không tự chủ khi ho hoặc cười, âm hộ teo cản trở việc đạt cực khoái, từ đó suy giảm ham muốn sinh dục ở nữ giới. Hơn nữa, lượng estrogen thấp có thể dễ gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe:
Nội tiết tố nữ bị xáo trộn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, xương khớp thoái hóa nhanh hơn, gây ra nguy cơ loãng xương, giảm đi sự dẻo dai, xương dễ giòn, dễ gãy. Ngoài ra còn dẫn đến những thay đổi bất lợi về nồng độ cholesterol trong máu, góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp,…
- Nhan sắc phai tàn, tuột dốc:
Hội chứng tiền mãn kinh khiến nhan sắc của người phụ nữ bị tụt dốc nhanh chóng: vòng 1, vòng 3 trở nên nhão xệ, vòng 2 bắt đầu tích mỡ, da xuất hiện nhiều vết nám, sạm, nhăn, tóc gãy rụng,…
Tiền mãn kinh sớm làm cho da phụ nữa sạm đi và xuất hiện các nếp nhăn
Triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Tiền mãn kinh chuyển sang giai đoạn mãn kinh có khi từ 2 - 10 năm, do đó những triệu chứng tiền mãn kinh cũng sẽ chấm dứt khi bạn ở giai đoạn mãn kinh.
Cách khắc phục các rối loạn tiền mãn kinh hiệu quả ngay tại nhà không cần dùng thuốc
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, điều độ:
Để giúp người phụ nữ đi qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng, ít khó chịu thì việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cực kỳ quan trọng.
- Chị em nên bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu omega 3 và omega 6 có nhiều trong đậu nành, hạt hướng dương, dầu mè, rong biển,…
- Nên “kết bạn” với rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là những nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa cơ thể như: súp lơ, rau bina, xà lách, khoai lang, ớt chuông,…
- Tăng cường bổ sung các chất đạm có lợi trong các loại cá biển như cá hồi, cá thu, cá trích,… trong chế độ ăn uống hằng ngày. Điều này giúp giảm lượng cholesterol xấu hấp thu vào máu, hạn chế nguy cơ các bệnh về tim mạch, cao huyết áp.
- Hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều đường hoặc chất béo. Chị em cũng nên tránh các đồ uống có cồn (cà phê, bia, rượu,…), các chất kích thích.
- Lập kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, luôn giữ tâm trạng vui vẻ:
Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng mãn kinh nên chị em trong giai đoạn này cần thư giãn, sống vui vẻ, lạc quan, tránh lo âu, muộn phiền. Hãy dành thời gian thư giãn với những hình thức mà bạn yêu thích như đi du lịch, shopping, xem phim, nghe nhạc, đọc sách,…
Không nên giữ những bực tức hay tâm sự trong lòng; thay vào đó, nên chia sẻ, trò chuyện với người thân hay bạn bè,… Đồng thời, chị em phụ nữ cần chú ý đến thời gian nghỉ ngơi khoa học, lập kế hoạch làm việc hợp lý, không nên làm việc quá sức.
- Rèn luyện thể dục thể thao:
Ngoài ra, bạn cũng nên hoạt động thể thao thông qua các bài tập như đi bộ, chạy bộ, ngồi thiền, yoga, đạp xe, bơi lội,… Có thể nói đây là giải pháp giảm stress nhanh chóng, góp phần điều hòa tâm trạng ổn định, cải thiện giấc ngủ hiệu quả. Cách điều trị thời kỳ tiền mãn kinh này còn giúp cơ thể dẻo dai, phòng ngừa loãng xương, giúp máu tuần hoàn, hạn chế tình trạng tăng cân.
- Ngủ đủ giấc:
Thêm nữa, một giấc ngủ ngon cũng sẽ giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi tiền mãn kinh rất hiệu quả. Bạn nên ngủ sớm, ngủ đủ giấc, có thể tập thể dục trước giờ ngủ 2 - 3 tiếng hoặc uống trà tâm sen mỗi ngày để ngủ ngon hơn.
Tập luyện thể thao phù hợp giúp cơ thể khỏe hơn, cải thiện tình trạng mệt mỏi tiền mãn kinh
Phòng ngừa và kiểm soát tình trạng tiền mãn kinh sớm bằng cách nào?
Việc trải qua thời kỳ tiền mãn kinh là điều mà mọi phụ nữ không thể né tránh. Tuy nhiên, chị em có thể áp dụng những biện pháp sau đây để tránh tiền mãn kinh sớm hoặc các triệu chứng tiền mãn kinh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
- Tập luyện thể dục thể thao điều độ.
- Giữ mức cân nặng hợp lý.
- Tránh sử dụng các loại thức uống có cồn hoặc caffeine.
- Không hút thuốc lá.
- Tập yoga hoặc thiền để quản lý cảm xúc, tránh căng thẳng hoặc lo âu, phiền muộn.
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, cũng như có các hoạt động thư giãn nhẹ nhàng trước khi đi vào giấc ngủ.
- Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm/lần để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Chị em nên chủ động gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường như:
- Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, mất kinh.
- Cơ thể bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
- Tâm trạng thay đổi thất thường, hay cáu gắt, dễ lo âu, trầm cảm.
- Đau đầu, tim đập nhanh, khô âm đạo, tiểu són, loãng xương.
Tóm lại, tiền mãn kinh là một giai đoạn mà phụ nữ nào cũng phải trải qua trong đời. Vì vậy, việc hiểu rõ về những thay đổi trong cơ thể và thăm khám kịp thời sẽ giúp chị em chăm sóc sức khỏe tốt hơn, vượt qua thời điểm này một cách nhẹ nhàng.
Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn