Viêm xoang sàng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị

Hệ thống xoang sàng là một cấu trúc phức tạp bao gồm bốn khoang rỗng được kết nối với nhau, nằm giữa hai bên mắt, có liên kết chặt với hốc mắt và phần dưới của sọ. Vì vậy, bệnh nhân mắc viêm xoang sàng có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não hoặc viêm dây thần kinh trong sọ não.

Viêm xoang sàng là gì?

Viêm xoang sàng là tình trạng mà niêm mạc bên trong các xoang trở nên viêm nhiễm, dẫn đến sự tích tụ của dịch mủ và tạo áp lực bên trong vùng xoang sàng. Khi bị viêm, các hốc xoang sẽ phù nề, dịch trong xoang bị ứ đọng không thoát ra được gây nghẹt mũi, đau nhức vùng mặt, đau đầu do thiếu oxy não và nhiều triệu chứng khác.

Vị trí xoang sàng

Xoang là một khoang bên trong xương được lót bằng niêm mạc tiết chất nhầy và có lỗ thông (ostium) vào mũi. Cơ thể con người có bốn cặp xoang ở bốn xương khác nhau và các xoang được đặt tên theo các xương mà chúng có mặt.

  • Xoang sàng: Hiện diện bên trong xương sàng, gần sống mũi ở hai bên.
  • Xoang trán: Chúng được nhìn thấy phía trên ổ mắt, ở mỗi bên của xương trán.
  • Xoang bướm: Hiện diện bên trong xương bướm, nằm sau ổ mắt.
  • Xoang hàm: Nằm ở xương hàm trên và dưới ổ mắt.

Tất cả các xoang hoạt động như một mạng lưới với các đường ống thông với nhau. Thông thường, khi xoang sàng bị viêm thì tình trạng nhiễm trùng tương tự cũng sẽ xảy ra ở các xoang khác do các xoang thông với nhau. Đây là lý do tại sao viêm xoang trán, viêm xoang sàng, hoặc viêm xoang bướm thường có các triệu chứng giống nhau và không đặc hiệu.

Vị trí viêm xoang sàng

Dựa vào cấu trúc của xương sàng, viêm xoang sàng có thể được phân chia thành ba loại như sau:

Viêm xoang sàng trước

Tình trạng viêm nhiễm ở vùng xoang sàng trước sẽ xảy ra giữa xoang trán, xoang hàm, hốc mũi và hốc mắt. Bệnh nhân thường trải qua các triệu chứng như đau nhức xung quanh vùng hai hốc mắt và đau ở mũi.

Viêm xoang sàng sau

Viêm xoang sàng sau, còn được gọi là viêm xoang thái dương sàng sau, là một bệnh lý ảnh hưởng đến các xoang trong vùng sọ gần chân mũi. Xoang sàng sau nằm phía sau mũi và dưới sọ, và khi bị viêm, nó có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Tình trạng viêm nhiễm ở vùng xoang sàng sau sẽ xảy ra phía sau xoang sàng trước và hướng ra phía sau cổ. Triệu chứng viêm xoang sàng sau thường bao gồm đau nhức ở vùng sau cổ, có thể lan đến vai và gây sưng, đau mắt.

Viêm xoang sàng toàn bộ

Đây là tình trạng viêm cả xoang sàng trước và xoang sàng sau, dẫn đến bệnh nhân trải qua nhiều triệu chứng viêm xoang khác nhau cùng một lúc.

Phân loại viêm xoang sàng

Dựa theo thời gian kéo dài của bệnh, viêm xoang sàng được chia thành 2 loại: viêm xoang sàng cấp tính, viêm xoang sàng mạn tính.

1. Viêm xoang sàng cấp tính

Là tình trạng viêm và sưng các xoang cạnh mũi (hoặc chỉ ở mũi), với các triệu chứng kéo dài không quá 4 tuần. Khi tình trạng này xảy ra ở xoang sàng, nó được gọi là viêm xoang sàng cấp tính.

2. Viêm xoang sàng mạn tính

Viêm xoang sàng mạn tính thường kéo dài hơn 12 tuần. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng, dị ứng và sự hiện diện của polyp xoang hoặc lệch vách ngăn. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm đau đầu, chảy nước mũi, sưng mặt, chóng mặt và khó thở.

Triệu chứng của bệnh viêm xoang sàng

Mặc dù các triệu chứng viêm không đặc hiệu cho từng xoang, chúng thường bộc lộ giống nhau. Nhưng ít nhất, các triệu chứng chung của bệnh viêm xoang nói chung cũng có thể giúp chẩn đoán viêm xoang ban đầu và loại trừ các bệnh khác.

Viêm xoang sàng có triệu chứng gì? ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, các triệu chứng viêm xoang sàng có thể bao gồm:

  • Sốt và nhức đầu;
  • Đau và nhạy cảm vùng mặt, đặc biệt khi bệnh nhân cúi xuống;
  • Nghẹt mũi;
  • Chảy dịch mủ mũi sau;
  • Đau họng và ho;
  • Hôi miệng và đờm trong khạc nhổ;
  • Ngoài ra, các triệu chứng đặc trưng khác của viêm xoang sàng như sưng, đỏ hoặc đau mắt. Do vị trí của các xoang này gần mắt nên có ảnh hưởng lớn đến vùng mắt.
  • Các triệu chứng kéo dài dưới 4 tuần đối với viêm xoang sàng cấp tính và trên 12 tuần đối với viêm xoang sàng mạn tính.

Nghẹt mũi, sổ mũi, sốt và nhiều triệu chứng không đặc hiệu khác khi bị viêm xoang sàng

Nguyên nhân viêm xoang sàng

Nhiễm trùng đơn độc ở xương sàng hiếm khi xảy ra mà bệnh thường do nhiều yếu tố cùng lúc như vừa nhiễm virus vừa nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Các yếu tố này thường gây ra tình trạng viêm xoang sàng cấp tính.

Ngoài ra, bị viêm xoang sàng còn có các yếu tố nguy cơ khác, vì vậy điều quan trọng là cần phải tìm ra đúng yếu tố nguy cơ gây viêm xoang sàng mới có thể lựa chọn được phương pháp điều trị hiệu quả.

Theo ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, các yếu tố nguy cơ của viêm xoang sàng khác bao gồm:

  • Dị ứng: Các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, khói bụi chất hóa học từ các sản phẩm tẩy giặt;
  • Lệch vách ngăn mũi hoặc bất thường khác trong cấu tạo mũi xoang;
  • Polyp mũi;
  • Bệnh xơ nang;
  • Mắc sarcoidosis: Đây là một tình trạng viêm tự miễn dịch toàn thân dẫn đến sự hình thành các khối u;
  • Bệnh u hạt Wegener: Đây là một rối loạn viêm chủ yếu ảnh hưởng đến các mạch máu;
  • Nhiễm trùng răng miệng;
  • Suy giảm miễn dịch như mắc bệnh đái tháo đường, HIV, ung thư;
  • Hút thuốc lá kéo dài;
  • Tăng huyết áp;
  • Tuổi tác.

Phương pháp chẩn đoán viêm xoang sàng

Thăm khám thực thể hầu như không giúp phát hiện viêm xoang sàng

Các phương pháp để chẩn đoán bao gồm:

Nội soi mũi

Mặc dù độ nhạy không cao, nhưng trong chẩn đoán viêm xoang sàng, nội soi mũi là một kiểm tra thường quy.

Chụp CT

Đây là chẩn đoán hình ảnh thường quy đối với chẩn đoán các loại viêm xoang phức tạp như viêm xoang sàng.

Chụp CT để chẩn đoán viêm xoang sàng

Chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón (CBCT)

Phương pháp này cho hình ảnh 3 chiều (3D) với độ phân giải cao và liều bức xạ tương đối thấp so với chụp cắt lớp vi tính truyền thống (CT) ở vùng sọ mặt.

Các biến chứng của viêm xoang sàng

Viêm xoang sàng nếu không được chữa trị kịp thời, nếu để bệnh kéo dài và nặng có thể gây các biến chứng:

  • Nhiễm trùng mắt, lồi mắt, nhìn đôi hoặc mù;
  • Nhiễm trùng xâm lấn dẫn đến viêm màng não;
  • Viêm thần kinh thị giác.
  • Giảm khứu giác.
  • Nguy cơ phát triển u nhầy.
  • Viêm màng não.
  • Áp xe não.
  • Huyết khối xoang hang.

Các phương pháp điều trị viêm xoang sàng

Tùy vào tình trạng viêm, bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị viêm xoang sàng khác nhau.

Điều trị bằng thuốc tây

Sau khi chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giúp giảm viêm và sưng, đồng thời mở các lỗ xoang để dẫn lưu dễ dàng.

Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm xoang sàng bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh;
  • Thuốc chống viêm không steroid;
  • Corticosteroid đường xịt hoặc uống;
  • Các loại thuốc thông mũi không kê đơn khác.

Điều trị bằng Phẫu thuật

Nếu phương pháp điều trị bằng thuốc thất bại, phẫu thuật cắt bỏ xoang có thể được chỉ định. Thông thường, phẫu thuật được khuyến nghị cho các trường hợp viêm xoang sàng sau:

  • Viêm xoang sàng đã lan đến hốc mắt.
  • Những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị thuốc.
  • Những bệnh nhân bị biến chứng áp xe não do viêm xoang.
  • Viêm xoang có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh.

Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ các mô của xương sàng bị viêm, đồng thời mở rộng lỗ thông xoang bị tắc. Điều này chỉ có thể thực hiện được bởi bác sĩ Tai mũi họng giàu kinh nghiệm phẫu thuật mũi xoang.

Các phương pháp phẫu thuật xoang sàng có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng (FESS).
  • Phẫu thuật xoang đường ngoài.

Có nên điều trị viêm xoang sàng bằng đông y

Trong Y Học Cổ Truyền, khi điều trị viêm xoang thường chú trọng vào hai nguyên nhân là Huyết và Vệ khí (yếu tố bảo vệ). Hiện nay, Đông y đưa ra rất nhiều phương pháp điều trị viêm xoang, có hai liệu pháp chính là dùng thuốc viêm xoang đông y và không dùng thuốc.

Phương pháp không dùng thuốc

+  Châm cứu

Châm cứu sẽ làm giảm dần các triệu chứng như hắt hơi, chảy dịch mũi, giảm sưng nề. Tùy vào nguyên nhân mà các bác sĩ đưa ra phác đồ châm cứu khác nhau:

  • Thể phong hàn thấp phạm Phế: Tà khí phong hàn ở ngoài xâm nhập vào Phế thường do cảm mạo, suyễn chứng gây nên. Các huyệt: Ấn đường, nghinh hương
  • Thể phong nhiệt xâm nhập Phế: Có hiện tượng sốt, sợ phong hàn, họng sưng, khô miệng, rát miệng, đởm dính vàng. Các huyệt: Ấn đường, nghinh hương, hợp cốc, phong trì, phong môn, liệt khuyết.
  • Can đởm uất nhiệt: Biểu hiện thấp nhiệt, can đởm dịch tiết ra thất thường. Gây ra tình trạng bụng đầy trướng, khó chịu, rêu lưỡi vàng, đắng miệng, kén ăn, gây ẩm ướt và ngứa vùng sinh dục. Các huyệt: Phong trì, thượng tinh, ấn đường, thái xung, chiếu hải.

+  Cấy chỉ trong viêm xoang

Hiện nay, cấy chỉ đang là phương pháp điều trị tốt nhất trong Đông y. Đây là phương pháp cấy sợi chỉ tự tiêu vào các huyệt đạo để gây kích thích liên tục ở các huyệt.

Cơ chế của cấy chỉ theo cơ chế giải miễn dịch, nghĩa là đưa một kích thích chủ động vào cơ thể để cơ thể quen vơi các kích thích, khi cơ thể bị tác động bởi các yếu tố kích thích gây bệnh sẽ không còn gây ra được bệnh.

Cấy chỉ vừa có tác động lên huyệt có tác dụng lên viêm xoang một cách từ từ liên tục để điều hòa lại cơ thể, vừa có tác động của đoạn chỉ được cấy vào trong huyệt tạo ra cơ chế giải miễn dịch.

+ Bấm huyệt chữa viêm xoang

Phương pháp bấm huyệt giúp giảm triệu chứng viêm xoang sàng bằng cách tác động lên các huyệt có ảnh hưởng đến bệnh. Điều này giúp các xoang thông thoáng và làm cho luồng không khí lưu thông trong xoang một cách hiệu quả hơn.

Bác sĩ có thể chữa viêm xoang bằng đông y với phương pháp cấy chỉ

Phương pháp điều trị dùng thuốc viêm xoang đông y

Bên cạnh các phương pháp không dùng thuốc, việc phối hợp cùng các bài thuốc Y Học Cổ Truyền đem lại hiệu quả rất cao trong việc phòng và điều trị viêm xoang. Dưới đây là một số bài thuốc viêm xoang đông y. Lưu ý việc dùng thuốc nên có sự can thiệp và chỉ định từ các bác sĩ chuyên môn:

Một số bài thuốc chữa viêm xoang:

  • Những bài thuốc Đông y chú trọng thiết lập cân bằng âm dương, vừa khắc phục triệu chứng bệnh, vừa tăng cường sức khỏe cho cơ thể từ bên trong.
  • Đem lại hiệu quả sâu và toàn diện.
  • Thành phần từ những thảo dược thiên nhiên nên không gây tác dụng phụ cho người sử dụng lâu dài.
  • Giá cả vừa túi tiền, một số thảo dược có thể tự tìm.

Cách chữa viêm xoang sàng tại nhà

Không có cách chữa tại nhà nào được chứng minh là hiệu quả cho bệnh viêm xoang sàng. Tuy nhiên, một số biện pháp tại chỗ có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh hoặc hỗ trợ cho các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật có hiệu quả tốt hơn.

Các phương pháp tại chỗ có thể bao gồm:

  • Dùng máy xông hơi để làm ẩm không khí;
  • Đắp khăn ấm để giảm đau;
  • Rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý hàng ngày;
  • Hít hơi nước nóng để làm thông các xoang và giúp giảm đau;
  • Thực hành các bài tập giúp cải thiện các triệu chứng của viêm xoang, chẳng hạn như bài tập thở Bhramari pranayama;
  • Uống trà mật ong giúp kháng viêm, giảm đau.

Các biện pháp phòng ngừa viêm xoang sàng

Làm thế nào để phòng ngừa viêm xoang sàng? ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát cho biết, nhiễm trùng xoang có thể ngăn ngừa được bằng cách:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn;
  • Tiêm phòng vắc xin cúm và phế cầu khuẩn để phòng ngừa nhiễm các loại virus là yếu tố nguy cơ gây viêm xoang sàng;
  • Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh như không đến nơi đông người khi đang có dịch cúm;
  • Không hút thuốc lá, hoặc tránh để hít phải khói thuốc lá;
  • Dùng máy tạo độ ẩm trong mùa hanh khô để tránh bị khô mũi xoang;
  • Giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh.

Các câu hỏi thường gặp về viêm xoang sàng

1. Phẫu thuật viêm xoang sàng có rủi ro không?

Cũng như bất kỳ loại phẫu thuật nào, phẫu thuật điều trị viêm xoang sàng cũng có những rủi ro riêng. Một số biến chứng chung của phẫu thuật mũi xoang có thể xảy ra nếu bác sĩ thiếu kinh nghiệm hoặc do một số yếu tố khách quan khác như:

  • Chứng loạn thị, sụp mi;
  • Nhìn đôi hoặc mù;
  • Rò rỉ dịch não tủy;
  • Viêm não – màng não.

2. Sau phẫu thuật viêm xoang sàng có tái phát không?

Ở một số bệnh nhân có thể tái phát viêm xoang sàng nếu không tuân thủ hướng dẫn sau phẫu thuật. Bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn để.

3. Bị viêm xoang sàng khi nào nên tới bệnh viện?

ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát khuyên, người bệnh nên tới ngay bệnh viện nếu có các triệu chứng sau:

  • Đau dữ dội ở mặt hoặc đau đầu dữ dội;
  • Các triệu chứng có vẻ cải thiện nhưng sau đó trở nên tồi tệ hơn;
  • Các triệu chứng không giảm sau 10 ngày đã được điều trị;
  • Sốt kéo dài hơn 3-4 ngày.

Vì xoang sàng gần kề các cấu trúc sọ não nên viêm xoang sàng dễ gây biến chứng sọ não hơn so với viêm xoang hàm hoặc viêm xoang bướm. Tuy vậy, tất cả các trường hợp viêm xoang đều không có các triệu chứng đặc hiệu nên rất khó để nhận biết viêm xoang loại nào. Do đó, để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được thăm khám, chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị trúng đích.

Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger