Bài thuốc Đông y điều trị đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là bệnh lý xương khớp phổ biến, gây ra bởi sự chèn ép dây thần kinh tọa. Bệnh ảnh hưởng khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Y học cổ truyền có các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa, ít các tác dụng phụ và mang lại hiệu quả đáng kể.

Đau thần kinh tọa theo đông y 

Theo Y học hiện đại, đau thần kinh tọa được định nghĩa là một hội chứng thần kinh có đặc điểm biểu hiện chủ yếu là đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa và các nhánh của nó. Tuỳ theo rễ thần kinh bị tổn thương mà vị trí đau khác nhau.

  • Khi tổn thương rễ L5: thường đau từ thắt lưng lan xuống mặt bên đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, qua trước mắt cá ngoài đến mu chân và lan tới ngón chân cái. 
  • Khi tổn thương rễ S1: đau từ thắt lưng lan xuống mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, xuống gót chân, qua mắt cá ngoài tới gan chân và tận cùng ở ngón út.  

Còn theo Y học Cổ truyền, đau thần kinh tọa được miêu tả với các bệnh danh như Yêu cước thống, Tọa cốt phong, yêu cước đông thống và thuộc phạm vi chứng Tý. 

Đau thần kinh tọa (hay còn gọi là Sciatica pain) thường xuất hiện cơn đau từ cột sống thắt lưng

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa bao gồm: 

  • Phong hàn thấp xâm nhập: Tà khí (phong hàn thấp) thừa cơ xâm nhập vào khiến kinh lạc ứ trệ gây đau. Phong có tính di chuyển nên người bệnh đau lan theo dọc dây thần kinh. Hàn gây co rút, làm cho khí huyết kinh lạc tắc nghẽn, co rút gân cơ. Thấp có tính ngưng trệ nên cảm giác tê bì, nặng nề, vận động khó khăn. 
  • Can thận hư, phong hàn thấp thừa cơ xâm nhập.
  • Chấn thương gây huyết ứ, kinh lạc không thông suốt gây đau, hạn chế vận động. 

Đông y điều trị đau thần kinh tọa  

Châm cứu điều trị đau thần kinh tọa  

Châm cứu là một trong những phương pháp điều trị đau thần kinh tọa cho hiệu quả cao.

Thông qua tác dụng của kim châm lên huyệt đạo giúp giải phóng các hoá chất như opioid, endorphin, cortisol giúp giảm đau tự nhiên. Đồng thời, châm cứu giúp cải thiện khả năng dẫn truyền của dây thần kinh, cải thiện tuần hoàn, giảm căng thẳng, mệt mỏi cho người bệnh.

Đây cũng là phương pháp an toàn cho nhiều đối tượng. 

Châm cứu điều trị đau thần kinh tọa thường áp dụng các huyệt sau: 

  • Nếu đau dọc theo kinh Bàng quang: A thị huyệt, Áp thống điểm là các huyệt, Giáp tích L4 – L5, L5 – S1, Thận du, Đại trường du, Trật biên, Ân môn, Thừa phù, Ủy trung, Thừa sơn, Côn lôn.  
  • Nếu đau dọc theo kinh Đởm: A thị, Giáp tích L4 – L5, L5 – S1, Thận du, Đại trường du, Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Huyền chung, Khâu khư.  
  • Nếu đau ở cả hai kinh Bàng quang và kinh Đởm thì châm các huyệt ở cả 2 kinh.  

Kỹ thuật: 

  • Thể cấp: kích thích kim mạnh, có thể sử dụng điện châm kết hợp với cứu nóng. Thời gian lưu kim cho 1 lần châm là 5-10 phút.
  • Thể mạn: có thể gia thêm các huyệt Thận du, Thái khê, Phi dương, Tam âm giao. Đối với những huyệt được gia thêm: kích thích kim nhẹ hoặc vừa, thời gian lưu kim tầm 20-30 phút.

Tùy theo từng thể bệnh mà thầy thuốc có thể chọn thêm các huyệt khác, đồng thời châm bổ, tả hay bình bổ bình tả, kết hợp cứu cho phù hợp.

Bên cạnh châm cứu, điều trị đau thần kinh tọa có thể áp dụng các phương pháp phối hợp khác như: 

  • Điện châm: Áp dụng điện với tần số thích hợp nhằm mục đích giảm đau, giảm tê, kết hợp với châm. 
  • Laser châm: chiếu laser liên tục tại các vị trí huyệt, thường áp dụng cho những người bệnh sợ kim, người da, người có nguy cơ nhiễm trùng.
  • Thuỷ châm: Sử dụng các thuốc: Vitamin B1, B6, B12, Cytidine 5 sodium-monophosphate,… tiêm vào các vị trí huyệt nhằm mục đích giảm đau, tăng dẫn truyền thần kinh.
  • Cấy chỉ: Cấy chỉ tự tiêu vào các huyệt để tăng thời gian kích thích lên huyệt. 

Châm cứu giúp giảm đau thần kinh tọa hiệu quả

Xoa bóp bấm huyệt điều trị đau thần kinh tọa  

Xoa bóp bấm huyệt là kích thích vật lý cơ học tác động vào huyệt vị, cơ quan thụ cảm ở cơ và da để tạo ra các thay đổi về nội tiết, thần kinh thể dịch, tăng dinh dưỡng và tuần hoàn tại chỗ.

Việc tác động trực tiếp vào các huyệt sẽ giúp lưu thông khí huyết kinh mạch để giảm đau, tạo cảm giác thư giãn và tăng cường dinh dưỡng cho vùng bị đau mỏi.  

Cách thức thực hiện xoa bóp bấm huyệt: 

  • Người bệnh nằm sấp trên giường, thả lỏng cơ thể. 
  • Thầy thuốc dùng sức của tay thực hiện các thủ thuật xoa, xát, miết, day, lăn vùng lưng xuống vùng chân đau. 
  • Day, ấn, bấm các huyệt bên đau. Công thức huyệt tương tự như châm cứu. Trong lúc bấm cần giữ cho đốt ngón tay thứ nhất và thứ 2 vuông góc, bấm từ từ khi bắt đầu sau đó dần dần tăng lên cho đến khi người bệnh cảm thấy tức nặng.
  • Vận động cột sống, vận động chân (chỉ khi thực hết đau). 
  • Phát từ thắt lưng xuống chân đau. 

Liệu trình xoa bóp 30 phút/lần/ngày, một liệu trình điều trị từ 15 đến 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh. Cần cẩn trọng tránh xoa bóp, châm cứu trong các trường hợp bệnh lý cấp cứu, bệnh viêm nhiễm, vùng bấm huyệt có vết thương hở, chấn thương, bệnh da liễu hay các bệnh lý như loãng xương nặng,…

Bài thuốc đông y trị đau thần kinh tọa  

Tuỳ thuộc vào từng thể bệnh và lâm sàng người bệnh mà thầy thuốc sẽ sử dụng các bài thuốc và gia giảm các vị thuốc cho phù hợp.

Dưới đây là một số bài thuốc trị đau thần kinh tọa bạn có thể tham khảo:  

  • Bài thuốc: Can khương thương truật linh phụ thang gia giảm (thường dùng trong thể phong hàn thấp). Thành phần: Can khương 4g, đương quy 12g, thương truật 8g, xuyên khung 8g, bạch linh 12g, bạch chỉ 12g, cam thảo 4g, phụ tử chế 4g. 
  • Bài thuốc: Ý dĩ nhân thang kết hợp Nhị diệu thang gia giảm (dùng trong trường hợp thể thấp nhiệt). Thành phần: Khương hoạt 12g, cam thảo 4g, độc hoạt 12g, ngưu tất 12g, phòng phong 10g, thương truật 12g, ý dĩ 12g, hoàng bá 12g, đương quy 12g. 
  • Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia giảm (dùng trong trường hợp thể huyết ứ). Thành phần: Sinh địa 16g, đào nhân 8g, xích thược 12g, hồng hoa 4g, xuyên khung 12g, đương quy 12g.
  • Bài thuốc: Độc hoạt tang ký sinh thang gia giảm (dùng trong thể can thận âm hư). Thành phần: Độc hoạt 12g, quế chi 4g, đẳng sâm 12g, phòng phong 10g, sinh địa 16g, phục linh 12g, tang ký sinh 12g, bạch thược 12g, cam thảo 4g, tế tân 4g, xuyên khung 10g, ngưu tất 12g, tần giao 12g, đương quy 12g, đỗ trọng 10g.

Sử dụng thuốc Đông Y trị đau dây thần kinh tọa vừa an toàn lại hiệu quả

Vị thuốc nam trị đau thần kinh tọa tại nhà

Ngoài các bài thuốc cổ phương, người bị đau thần kinh tọa có thể sử dụng một số vị thuốc nam như: 

  • Đinh lăng: chứa hàm lượng lớn hoạt chất saponin có tác dụng giảm đau, hồi phục tổn thương xương khớp. Có thể hãm uống nước hàng ngày.
  • Lá lốt: Hoạt chất flavonoid trong lá lốt được xem như một chất chống oxy hóa có khả năng giảm đau, tiêu viêm hiệu quả. Nên dùng lá lốt tươi sắc cùng nước đem uống, hoặc có thể dùng chế biến món ăn. 
  • Rau má: Rau má có công dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, trị đau thần kinh tọa. Bạn có thể xay nước rau má uống hàng ngày. 
  • Cây cỏ xước: Cỏ xước giúp giảm đau trong các bệnh xương khớp, tiêu viêm, giải nhiệt hiệu quả, đồng thời hỗ trợ điều trị các bệnh huyết áp, viêm gan, thận. Phơi khô, hãm trà cỏ xước uống hàng ngày. 
  • Ngải cứu: Thành phần chứa các hoạt chất như lactone sesquiterpene, flavonoid, polyacetylenes và coumarins,… có tác dụng giảm đau, kháng viêm và kích thích tuần hoàn máu, chữa đau lưng và các vấn đề về xương khớp. Có thể dùng ngải cứu dạng cao xoa, đắp, sắc cùng các vị thuốc khác hoặc chế biến món ăn. 

đinh lăng trị đau lưng

Đinh lăng là vị thuốc quý có tác dụng giảm triệu chứng đau thần kinh tọa

Phòng tránh đau thần kinh tọa hiệu quả 

Chủ động thay đổi lối sống và dinh dưỡng giúp bạn phòng tránh nguy cơ mắc và tái phát đau thần kinh tọa.

Một số giải pháp phòng tránh đau thần kinh tọa: 

  • Thể dục nhẹ nhàng, nâng cao thể lực mỗi ngày. 
  • Chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng. Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,… 
  • Tránh căng thẳng quá mức, giữ tinh thần thư giãn, thoải mái. 
  • Không nằm đệm quá mềm, quá dày.
  • Các động tác lao động, sinh hoạt hợp lý, đúng tư thế.
  • Thường xuyên thay đổi tư thế, tránh ngồi hay đứng lâu một chỗ. 

Điều trị đau thần kinh tọa bằng đông y kết hợp lối sống khoa học sẽ giúp bạn nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên, nếu cảm giác đau kéo dài, tần suất nhiều, bạn nên thăm khám tại các cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bài viết tham khảo: SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger