Bài thuốc đông y trị viêm loét dạ dày tá tràng

Vị thuốc và bài thuốc đông y trị viêm loét dạ dày được dân gian sử dụng nhằm cải thiện triệu chứng bệnh, bồi bổ cơ thể và điều trị nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày cấp và mãn tính.

Viêm loét dạ dày theo Y học cổ truyền

Theo Y Học Cổ Truyền, viêm loét dạ dày – tá tràng thuộc "chứng vị quản thống" với các bệnh danh thường gặp: tỳ vị hư hàn, can khí phạm vị, vị âm hư,... Có rất nhiều bài thuốc chữa đau dạ dày bằng đông y an toàn, hiệu quả.

Hình ảnh viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày được chia làm hai loại: viêm cấp tính và viêm mạn tính. Trong viêm mạn tính cũng có thể xuất hiện các đợt cấp tính trên nền viêm dạ dày mạn. Viêm loét dạ dày cấp tính diễn ra dữ dội, nhanh chóng. Nếu không được điều trị triệt để nó sẽ diễn biến sang giai đoạn viêm mạn. Dựa vào mỗi thể bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị dạ dày bằng đông y khác nhau để đem lại hiệu quả điều trị cao nhất và tốt nhất.

Để điều trị bệnh lý này, nhiều người chọn sử dụng các vị thuốc và bài thuốc đông y trị viêm loét dạ dày tá tràng cho hiệu quả cao.

Nguyên nhân gây đau dạ dày do viêm loét dạ dày

  • Do có sự xâm nhập của các tác nhân gây hại tới niêm mạc dạ dày như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, vi nấm,... đặc biệt là vi khuẩn HP.
  • Acid, pepsin: tiết quá nhiều acid, pepsin là yếu tố dẫn đến viêm loét dạ dày.
  • Yếu tố thần kinh: người bệnh có trạng thái tâm lý căng thẳng, lo âu, stress kéo dài rất dễ bị viêm loét dạ dày
  • Do chế độ sinh hoạt, ăn uống không điều độ: thức khuya, ngủ không đủ giấc, ăn các loại đồ ăn chua, đồ ăn cay nóng, thức ăn chế biến sẵn... Ngoài ra còn do uống nhiều bia, rượu hay các đồ uống chứa chất kích thích khác,... Thời gian ăn không cố định, bữa bỏ bữa ăn,...
  • Di truyền: những gia đình có người bị viêm loét dạ dày hay các bệnh lý về dạ dày, đường tiêu hóa thì tỷ lệ bị bệnh sẽ cao hơn (gấp 3 lần người khác). Người nhóm máu O cũng có tỷ lệ mắc cao hơn.
  • Uống các loại thuốc: aspirin, NSAID, corticoid,... làm ức chế tổng hợp prostaglandin, do đó, làm giảm sức đề kháng của niêm mạc dạ dày - tá tràng.

Bài thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng 

Y học cổ truyền chia vị quản thống thành 2 thể bệnh chính là thể can khí phạm vị và thể tỳ vị hư hàn. Thể can khí phạm vị lại chia thành ba thể nhỏ là khí trệ, hoả uất và huyết ứ. Tuỳ thuộc mỗi thể lâm sàng mà triệu chứng người bệnh khác nhau, thầy thuốc cũng cho bài thuốc khác nhau. 

Viêm loét dạ dày thể can khí phạm vị 

+ Thể khí trệ 

  • Biểu hiện: đau bụng thượng vị thành cơn, đau lan mạn sườn, có khi lan ra sau lưng, bụng đầy chướng, ấn đau, hay ợ hơi, ợ chua, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng mỏng. Mạch huyền. 
  • Pháp điều trị: Sơ can lý khí. 
  • Bài thuốc 1: Sài hồ sơ can thang. Thành phần: Sài hồ 12g, Chỉ xác 8g, Bạch thược 12g, Cam thảo 6g, Xuyên khung 8g, Hương phụ 8g, Trần bì 8g.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
  • Bài thuốc 2: Nghiệm phương, thành phần: Lá khôi 20g, lá khổ sâm 16g, Hậu phác 8g, Cam thảo 16g, Bồ công anh 20g, Hương phụ 8g, Uất kim 8g.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

+ Thể hoả uất 

  • Biểu hiện: đau thượng vị nhiều, đau nóng rát, ấn vào đau tăng (cự án), ợ chua nhiều, miệng khô đắng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. 
  • Pháp điều trị: Sơ can tiết nhiệt. 
  • Bài thuốc 1: Sài hồ sơ can thang gia thêm Xuyên luyện tử 6g, Ô tặc cốt 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc 2: Hoa can tiễn hợp với bài Tả kim hoàn. Sắc uống ngày 1 thang. 
  • Bài thuốc 3. Nghiệm phương, thành phần: Lá khôi 500g, bồ công anh nam 250g, Rễ chút chít 100g, Lá khổ sâm 50g, Nhân trần 100g.
  • Cách dùng: Các vị sấy khô tán bột, hãm nước sôi uống, ngày 24 – 32g. 

Sử dụng các bài thuốc điều trị viêm loét dạ dày cần căn cứ theo thể bệnh

+ Thể huyết ứ 

Biểu hiện: đau dữ dội một vị trí nhất định, ấn vào đau tăng (cự án). Trên lâm sàng lại chia làm 2 trường hợp. 

- Thực chứng (bệnh thể cấp)

  • Biểu hiện: Nôn ra máu, đi ngoài phân đen, môi đỏ lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác hữu lực. 
  • Pháp điều trị: Lương huyết chỉ huyết hoặc Thông lạc hoạt huyết 
  • Bài thuốc: Thất tiếu tán. Thành phần: Ngũ linh chi, Bồ hoàng lượng bằng nhau.
  • Cách dùng: Tán bột mịn, trộn đều, ngày uống 8 – 12g. 

- Hư chứng (bệnh thể mạn)

  • Biểu hiện: chảy máu nhiều kèm sắc mặt nhợt nhạt, người mệt mỏi, môi nhợt, tay chân lạnh, ra mồ hôi, chất lưỡi bệnh có điểm ứ huyết, mạch hư đại hoặc tế sáp. 
  • Pháp điều trị: Bổ huyết chỉ huyết 
  • Bài thuốc 1: Hoàng thổ thang gia giảm. Thành phần: Hoàng thổ (đất lòng bếp) 10g, A giao 12g, Phụ tử chế 12g, Bạch truật 12g, Địa hoàng 12g, Cam thảo 12g, Hoàng cầm 12g, Đảng sâm 12g.
  • Bài thuốc 2: Tứ quân tử thang gia vị. Thành phần: Đảng sâm 16g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Hoàng kỳ 12g, A giao 8g, Cam thảo 6g.
  • Cách dùng: Cả 2 bài thuốc trên đều có cách dùng sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Viêm loét dạ dày thể tỳ vị hư hàn 

  • Biểu hiện: Đau thượng vị âm ỉ, đau liên miên, nôn nhiều nôn ra nước trong, gặp lạnh đau tăng, khi đau thích xoa bóp, chườm nóng. Kèm theo sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn kém, thích ăn đồ ấm nóng. Bụng đầy thường xuyên, đại tiện lỏng nát. Chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm nhược.
  • Pháp điều trị: Ôn trung kiện tỳ 
  • Bài thuốc: Hoàng kỳ kiến trung thang. Thành phần: Hoàng kỳ 16g, Cam thảo 6g, Hương phụ 8g, Đại táo 12g, Sinh khương 6g, Bạch thược 8g, Quế chi 8g, Mạch nha 30g.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Một số Bài thuốc dân gian hỗ trợ trị viêm loét dạ dày

Bài - "Hoàng liên thang gia giảm"

Thường dùng trong các trường hợp viêm dạ dày lâu ngày.

  • Biểu hiện: Dùng điều trị cho những bệnh nhân bị trên phần ngực thì nhiệt còn phần dạ dày thì hàn, do lạnh mà dẫn tới nôn mửa, đau bụng, không muốn ăn, miệng hôi, dẫn tới lưỡi có rêu vàng, tức là triệu chứng phức hợp của viêm dạ dày cấp.
  • Bài thuốc: Hoàng liên 12g, bán hạ 12g, cam thảo 12g, càn khương 12g, quế chi 14g, đảng sâm 12g, đại táo 12g.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
  • Tác dụng: Hòa vị giáng nghịch, cân bằng hàn nhiệt, tiêu viêm... trị chức năng tràng vị rối loạn, hàn nhiệt đan xen, khi nhiệt thì ngực phiền nhiệt mà gây nôn, hàn thì bụng đau, bụng sôi mà đi tả.

Thuốc đông y trị viêm loét dạ dày tá tràng mang lại hiệu quả cao

Bài- Tiêu giao gia giảm

Thường dùng trong các trường hợp đau thượng vị hay rối loạn tiêu hóa kèm viêm đại tràng.

  • Bài thuốc: Đảng sâm 14g, bạch truật 12g, phục linh 14g, bạch thược 12g, đương quy 12g, trần bì 10g, sài hồ 12g, ý dỹ 20g, mộc hương 8g, hoàng liên 8g, tô mộc 14g, kê nội kim 12g, chích thảo 6g.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
  • Tác dụng:  Kiện tỳ vị, dưỡng khí huyết, thanh thấp nhiệt, tiêu viêm…Bài này chủ yếu kiện tỳ, dưỡng can huyết, thanh thấp nhiệt. Khi kiện tỳ giúp tỳ sinh huyết, can hòa huyết, thêm thuốc thanh thấp nhiệt, hóa trệ tiêu viêm, từ đó tỳ vị sinh huyết hóa thấp, tỳ vị điều hòa, chứng viêm dạ dày đại tràng tự khỏi.
  • Kiêng kỵ: Chứng tỳ vị nhiệt khô khát, cầu táo khó, âm hư chứng hỏa thịnh không dùng.

Bài - Thuận can ích khí thang gia vị

Thường dùng trong các trường hợp đau thượng vị kèm trào ngược dạ dày phối hợp "can khí nghịch".

  • Bài thuốc: Bạch thược 16g, bạch truật 12g, đương quy 30g, nhân sâm 14g, phục linh 8g, sa nhân 6g, thần khúc 6g, thục địa 20g, tô tử 8g, trần bì 8g.
  • Cách dùng: Sắc nước uống. Ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
  • Tác dụng: Kiện tỳ hóa trệ, thuận can, dưỡng huyết… Chứng trào ngược dạ dày phần nhiều do vị hư, can huyết hư hỏa nghịch. Khi kiện tỳ vị, ích khí dưỡng huyết như vậy tỳ sinh huyết, can huyết đầy đủ hỏa giáng thêm thuốc lý khí hòa trung, chứng viêm đau dạ dày trào ngược tự khỏi.
  • Bài còn trị chứng phụ nữ có thai hay bị nghén, nôn ói.
  • Kiêng kỵ: Chứng vị thực nhiệt miệng khô khát, cầu táo khó, chứng hỏa thịnh.

Vị thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng 

Một số vị thuốc thảo dược có tác dụng giảm triệu chứng khó chịu của bệnh như đau rát, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, mệt mỏi,… và dễ dàng áp dụng tại nhà: 

Cây chè dây

Các công trình nghiên cứu gần đây đã cho thấy chè dây có tác dụng trong việc trung hòa acid dịch vị, làm lành nhanh vết loét, đồng thời ức chế và tiêu diệt vi khuẩn HP – thủ phạm phổ biến gây viêm loét dạ dày. Có thể dùng chè dây tươi hoặc khô, hãm trà để uống hàng ngày trong 2 – 3 tuần liên tục. 

Cây nhọ nồi

Cỏ nhọ nồi chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe như tanin, carotene hay flavonozit. Những chất này có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, làm bề mặt vết loét trong dạ dày nhanh khô se và có tốc độ hồi phục nhanh hơn. Sử dụng cỏ nhọ nồi hãm trà uống hoặc sắc uống cùng các dược liệu khác. 

Nghệ vàng

Nghệ vàng chứa hàm lượng curcumin cao, chống lại viêm loét dạ dày bằng cách ức chế quá trình viêm, kích thích dạ dày tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc. Có thể dùng nghệ với mật ong hoặc tinh bột nghệ để uống.

Nghệ vàng có công dụng trong điều trị bệnh dạ dày tá tràng

Lá trầu không

Tương tự cây chè dây, lá cây trầu không cũng có nhiều tác dụng trong tiêu diệt vi khuẩn HP và thúc đẩy quá trình hồi phục niêm mạc dạ dày. Nên hãm lá trầu không với nước để uống. 

Lá cây lược vàng

Cây lược vàng được dân gian sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày cấp và mãn tính. Lá lược vàng hãm nước sôi hoặc nhai tươi. 

Dạ cẩm

Dạ cẩm dùng lá, ngọn non hay rễ đều có tác dụng tốt cho người viêm loét dạ dày. Dạ cẩm có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm, giảm lượng acid và cải thiện tình trạng ợ chua.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số dược liệu khác dễ tìm, có tác dụng trong đẩy lùi các tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng như: cây khôi tía, nha đam, lá mơ lông, gừng,…

Dạ cẩm là một trong những vị thuốc có tác dụng trong điều trị viêm loét dạ dày

Một số biện pháp khác

Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ các biện pháp sau:

- Chế độ ăn uống hợp lý, điều độ, không ăn quá no hoặc để quá đói; hạn chế rượu bia, chua cay, cà phê, thuốc lá…

- Sinh hoạt, làm việc hợp lý, tránh stress.

- Chú ý khi dùng thuốc điều trị bệnh khác (là yếu tố nguy cơ gây viêm loét dạ dày), nhất là nhóm hạ sốt, giảm đau, chống viêm dễ gây chảy máu ổ loét.

- Với loét dạ dày, người bệnh nên nội soi dạ dày định kỳ để phát hiện sớm biến chứng.

- Ngoại khoa: Vấn đề điều trị ngoại khoa loét dạ dày tá tràng có chỉ định rất hạn chế do những biến chứng sau mổ cắt dạ dày. Chỉ định mổ tuyệt đối khi có biến chứng thủng ổ loét, hẹp môn vị, ung thư hóa.

Với biến chứng chảy máu ổ loét, chỉ mổ cấp cứu khi điều trị nội khoa đúng phương pháp mà không cầm được máu.

Tài liệu tham khảo

1. Đại học Y Hà Nội, Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, nhà xuất bản Y học, 2012

2. Đại học Y Hà Nội, Bệnh học nội khoa tập 2, nhà xuất bản Y học, 2012

3. Bệnh viện Bạch Mai, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, nhà xuất bản Y học, 2011

4. Tạp chí đông y

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger