Bài thuốc Đông y điều trị viêm đại tràng
Viêm đại tràng là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và khó chữa khỏi dứt điểm. Vì vậy, bài viết này sẽ giới thiệu với bạn đọc các phương pháp chữa viêm đại tràng bằng đông y.
Đại tràng là gì?
Đại tràng hay còn gọi là ruột già. Nó là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa và dài khoảng 1,2m. Đây là nơi nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thụ tại ruột non. Các chất dinh dưỡng và nước chưa được hấp thụ tại ruột non sẽ được hấp thu tiếp tại ruột già. Các chất cặn bã sẽ qua phân và được đào thải ra ngoài. Đây cũng là nơi có nhiều loại vi khuẩn đường ruột và ký sinh trùng sinh sống, do đó, đại tràng rất dễ bị viêm nhiễm.
Viêm đại tràng là gì?
Viêm đại tràng là gì? Khi các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng phát triển mạnh, chúng sẽ tấn công niêm mạc khiến cho đại tràng bị tổn thương, viêm nhiễm gây ra tình trạng viêm đại tràng.
Theo đông y, viêm đại tràng thuộc phạm trù các chứng tiết tả, kiết lỵ, hưu tức lỵ. Trong đông y có rất nhiều bài thuốc điều trị viêm đại tràng mạn an toàn và hiệu quả.
Viêm đại tràng được chia thành 2 loại chính, mỗi loại đều có những đặc tính và cách điều trị khác nhau.
- Viêm đại tràng cấp tính: là tình trạng đại tràng bị viêm nhiễm cấp tính bởi các tác nhân gây nhiễm như vi khuẩn, siêu vi,... lớp niêm mạc đại tràng có sự xuất hiện của các tổn thương viêm, sung huyết và loét.
- Viêm đại tràng mạn tính: là tình trạng viêm đại tràng đã kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và tổn thương có thể ở mức độ nghiêm trọng, nặng nề và ở nhiều đoạn đại tràng hơn. Có thể do tác nhân gây nhiễm (lao, ký sinh trùng) hoặc không nhiễm (bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu, hội chứng ruột kích)
Triệu chứng viêm đại tràng
Tuỳ vào tình trạng viêm đại tràng là cấp hay mạn mà triệu chứng ở người bệnh có thể biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung viêm đại tràng có các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau bụng âm ỉ hoặc quặn thắt từng cơn vùng bụng dưới hoặc dọc theo khung đại tràng, đây là triệu chứng điển hình của bệnh lý đại tràng
- Chướng bụng, căng tức, nặng bụng, táo bón, cảm giác đi tiêu không hết phân, có thể giảm sau khi đi đại tiện
- Tiêu chảy, phân có mùi hôi tanh kèm chất nhầy hoặc máu, phân có thể lỏng hoặc sệt, đi tiêu nhiều lần,, đau rát hậu môn sau khi đại tiện,
- Có thể có những đợt tiêu chảy xen kẽ với táo bón.
- Có thể sốt nếu viêm đại tràng do tác nhân vi khuẩn, lao hoặc bệnh Crohn.
- Sụt cân do tiêu chảy nhiều lần, không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Suy nhược cơ thể, xanh xao, nhức đầu, mệt mỏi, khó thở nếu tiêu chảy quá nhiều...
- Nếu đại tràng có tình trạng xuất huyết dai dẳng, lượng nhiều thì có thể dẫn đến thiếu máu gây nên chóng mặt, tim đập nhanh, tay chân bủn rủn.
- Viêm đại tràng kịch phát: người bệnh triệu chứng tiêu chảy đột ngột dữ dội lúc ban đầu, sốt đến 40° C (104° F), đau bụng. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi do tiêu chảy nhiều, sốt cao, thiếu máu, chán ăn và sút cân.
Để điều trị viêm đại tràng mạn cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây viêm đại tràng
Mỗi ngày, cơ thể chúng ta tiếp nhận rất nhiều loại đồ ăn, nước uống. Các loại virus, vi khuẩn, giun, sán, nấm... xâm nhập vào cơ thể theo con đường này, sau đó chúng phát triển và gây bệnh.
Do đồ ăn, nước uống: bệnh nhân ăn nhiều đồ chua, cay, đồ uống có cồn, có ga hay các thực phẩm độc hại...
Khi xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy...người bệnh thường tự đi mua thuốc để uống. Các loại thuốc kháng sinh có 2 mặt, vừa có lợi vừa có hại. Chúng vừa tiêu diệt vi khuẩn có hại đồng thời cũng tiêu diệt luôn vi khuẩn có lợi. Khi hệ vi khuẩn có lợi giảm đi, tình trạng viêm đại tràng sẽ xuất hiện.
Cách điều trị viêm đại tràng theo đông y
Theo Y Học Hiện Đại, viêm đại tràng được chia ra thành hai loại: viêm đại tràng cấp tính và mạn tính. Theo đông y, viêm đại tràng được chia ra các thể khác nhau. Sự phân chia này căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng xuất hiện trên bệnh nhân. Với mỗi thể lại có các phương thức điều trị khác nhau. Sau đây là một số thể bệnh viêm đại tràng thường gặp và các bài thuốc đông y điều trị viêm đại tràng hay sử dụng.
Thể hàn thấp:
Triệu chứng: Người bệnh thể hàn thấp có các triệu chứng thường gặp như đau bụng âm ỉ, sôi bụng, đi ngoài phân lỏng bạc màu như phân vịt. Bên cạnh đó, người bệnh còn cảm thấy mệt mỏi, sợ gió lạnh, đau đầu, đau nhức toàn thân, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch phù hoãn.
Phương pháp điều trị: giải biểu tán hàn, hóa trọc chỉ tả.
Bài thuốc: Riềng khô 16g, bạch truật 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, sơn thù 12g, phòng sâm 16g, bạch linh 12g, cam thảo 12g, táo tàu 4 quả, trần bì 10g, sinh khương 6g, thảo quả 6g, ngũ gia bì 12g, đinh lăng 16g. Mỗi ngày uống 1 thang.
Châm cứu: Các huyệt tả thiên khu, trung quản, hợp cốc, túc tam lý,...
Thể thấp nhiệt:
Triệu chứng: Bệnh nhân viêm đại tràng thể này xuất hiện các triệu chứng như đau bụng từng cơn, đau quặn bụng, mót rặn. Tại lưỡi xuất hiện rêu lưỡi vàng dày nhớt, chất lưỡi đỏ, mạch nhu hoạt.
Phác đồ điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, hóa trọc chỉ tả.
Bài thuốc:
Bài 1 - Cát căn cầm liên thang gia giảm: Cát căn 12g, hoàng liên 8g, hoàng cầm 12g, bạch truật 12g, kim ngân hoa 16g, chích cam thảo 5g, mộc thông 12g, hoắc hương 5g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.
Bài 2 - Chỉ tả thang: Cát căn 12g, kim ngân hoa 12g, mã đề 12g, rau má sao 12g, thần khúc 12g, cam thảo 6g, hậu phác 12g, hoàng liên 12g, binh lang 8g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần trước khi ăn 30 phút.
Châm cứu: Các huyệt tả thiên khu, trung quản, hợp cốc, khúc trì, túc tam lý, nội đình, âm lăng tuyền.
Thể can khắc tỳ:
Triệu chứng: Người bệnh xuất hiện các cơn đau bụng với đặc điểm đau lan sang 2 bên sườn. Ngoài ra còn có đầy bụng, chướng hơi. Rối loạn tiêu hóa, phân lúc táo lúc lỏng, phân có nhầy. Do rối loạn tiêu hoá nên người bệnh mệt mỏi hay cáu gắt, ít ngủ. Chất lưỡi đỏ hồng, rêu lưỡi trắng hoặc vàng, mạch huyền.
Phương pháp điều trị: sơ can kiện tỳ.
Bài thuốc:
Bài 1 - Thống tả yếu phương gia giảm: Phòng phong 12g, trần bì 8g, bạch truật 16g, bạch thược 12g, nhân trần 12g, sơn tra 6g, hoài sơn 12g, hương phụ 6g, chi tử 8g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần trước khi ăn 30 phút.
Bài 2 - Thống tả yếu phương hợp Tứ nghịch tán gia giảm: Phòng phong 12g, bạch truật 16g, bạch thược 12g, cam thảo 5g, trần bì 8g, sài hồ 6g, hoài sơn 12g, chỉ xác 6g, chi tử 8g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần, trước khi ăn 30 phút.
Châm cứu các huyệt: tả thái xung, chưởng môn, kỳ môn, can du, tỳ du, túc tam lý, nội quan.
Thể tỳ vị hư:
Triệu chứng: Đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi 2-3 lần trong ngày, phân nát, người mệt mỏi, không muốn ăn, chậm tiêu, phân thường nát lỏng. Chất lưỡi bệu, rêu trắng mỏng, mạch nhu hoãn, lưỡi nhợt, mạch tế nhược.
Phương pháp điều trị thường dùng: Ôn trung kiện tỳ, chỉ tả là các.
Bài thuốc:
Bài 1: Tứ quân tử thang gia giảm: Bạch truật 12g, bạch linh 12g, đảng sâm 12g, hoài sơn 12g, cam thảo 5g, ý dĩ 10g, trần bì 5g, sa nhân 5g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần trước khi ăn 30 phút.
Bài 2: Sâm linh bạch truật tán gia giảm: Đảng sâm 12g, biển đậu 12g, bạch truật 12g, cam thảo 5g, ý dĩ 10g, trần bì 5g, liên nhục 8g, cát cánh 10g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần trước khi ăn 30 phút.
Bài 3: Vị Linh thang gia giảm: Trần bì 5g, hậu phác 10g, cam thảo 5g, mộc hương 8g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, trư linh 10g, trạch tả 10g, can khương 5g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần trước khi ăn 30 phút.
Chữa viêm đại tràng bằng đông y có sử dụng một số vị thuốc dược liệu quý
Châm cứu: huyệt bổ hoặc cứu trung quản, thiên khu, đại hoành, tỳ du, vị du, túc tam lý, khí hải.
Thể tỳ thận dương hư:
Triệu chứng: Đau bụng ở hạ vị, sôi bụng, đi ngoài phân sống, hay đi vào buổi sáng sớm (ngũ canh tả), bụng lạnh trướng nhẹ, ăn kém, chậm tiêu, bàn chân tay lạnh, đau lưng, hay gặp ở người cao tuổi, mạch trầm tế nhược.
Phương pháp điều trị: ôn thận trợ tỳ dương, chỉ tả
Bài thuốc:
Bài 1 - Tứ thần hoàn gia giảm: Phá cố chỉ 16g, nhục đậu khấu 8g, ngô thù du 3g, nhục quế 5g, ngũ vị tử 6g, hoài sơn 12g, đại táo 3 quả, can khương 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần trước khi ăn 30 phút.
Bài 2 - Phụ tử lý trung hợp Tứ thần thang gia giảm: Phụ tử chế 8g, đảng sâm 12g, bạch truật 12g, can khương 6g, chích cam thảo 6g, nhục quế 5g, phá cố chỉ 16g, ngô thù du 3g, nhục đậu khấu 8g, hoài sơn 12g, ngũ vị tử 6g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần trước khi ăn 30 phút.
Châm cứu: huyệt bổ hoặc cứu quan nguyên, khí hải, quy lai, thận du, tỳ du, túc tam lý.
Như vậy viêm đại tràng là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Người bệnh khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. Điều trị viêm đại tràng mạn bằng đông y là một phương pháp an toàn và hiệu quả. Hy vọng sau bài viết này, quý bạn đọc đã có thêm cho mình những kiến thức bổ ích về viêm đại tràng và có chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt hợp lý.
Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn