Nguyên nhân gây huyết áp thấp và cách điều trị, xử lý khi bị tụt huyết áp

Huyết áp thấp (hay tụt huyết áp) là một chứng bệnh khá phổ biến và tỷ lệ người mắc bệnh đang ngày càng gia tăng.

Huyết áp thấp có thể do di truyền hoặc do quá trình lão hóa. Trong một số trường hợp, một yếu tố tạm thời như mang thai hoặc mất nước là nguyên nhân gây ra. Ở các trường hợp khác, huyết áp thấp là kết quả của một bệnh lý có từ trước hoặc một phản ứng nghiêm trọng.

Huyết áp thấp là gì?

Bình thường huyết áp khoảng 120/80 mmHg (120: huyết áp tâm thu, 80: huyết áp tâm trương). Chỉ số huyết áp thấp hơn 90 mmHg (tâm thu) hoặc 60 mmHg (tâm trương) thường được coi là huyết áp thấp. Lúc này, áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch thấp hơn so với bình thường khiến hoạt động của các cơ quan hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là hoạt động của hai cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể là tim và não.

Huyết áp thấp xuất hiện đột ngột, đặc biệt khi kèm theo triệu chứng thiếu máu nuôi các cơ quan như lơ mơ, lú lẫn, da xanh tái, toát mồ hôi, đi tiểu ít,… có thể gặp trong bệnh mất máu cấp, sốc giảm thể tích, sốc nhiễm trùng hoặc sốc tim.

Biểu hiện của tụt huyết áp

Huyết áp luôn được cơ thể giữ ổn định bằng nhiều cơ chế khác nhau, giúp máu đều đặn được tim bơm đến cung cấp cho các cơ quan. Vì một lý do nào đó mà chúng ta đo thấy chỉ số huyết áp tâm thu thấp hơn 90 mmHg và huyết áp tâm trương thấp hơn 60 mmHg sẽ được gọi là tụt huyết áp.

Nếu huyết áp bị hạ thấp đột ngột, người bệnh sẽ cảm giác choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, tim đập nhanh, nặng hơn có thể là lơ mơ, lú lẫn, ngất xỉu và mất ý thức. Tụt huyết áp làm cho não và các cơ quan khác trong cơ thể không nhận được lượng máu cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng, có thể gây thiếu máu não và chết não.

Nguyên nhân nào gây huyết áp thấp?

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp, bao gồm thời gian đo huyết áp trong ngày, mức độ hoạt động thể chất và chế độ ăn uống. Huyết áp cũng giảm theo tuổi tác, một số người bị huyết áp thấp bẩm sinh do yếu tố di truyền.

Nguyên nhân tạm thời

Huyết áp của một người có thể thấp hơn bình thường do:

  • Ăn uống;
  • Căng thẳng;
  • Thời gian dài không hoạt động, chẳng hạn như sau khi thức dậy;
  • Mất nước;
  • Thai kỳ.

Tình trạng huyết áp thấp do một số nguyên nhân tạm thời chẳng hạn như mang thai sẽ được chấm dứt sau khi kết thúc thai kỳ. Những trường hợp khác có thể cần thay đổi chế độ ăn uống và áp dụng các chiến lược chăm sóc hoặc kiểm soát sức khỏe khác.

Huyết áp thấp gây hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu

Nguyên nhân nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn

Một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn cũng có thể gây ra huyết áp thấp bao gồm:

  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Có thể liên quan đến vitamin B12 hoặc axit folic.
  • Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh:Rối loạn này gây ra tụt huyết áp sau khi người bệnh đứng lên trong một thời gian dài.
  • Các vấn đề về nội tiết: Những vấn đề này ảnh hưởng đến việc điều chỉnh các hormone của cơ thể, ví dụ do suy giáp.
  • Các vấn đề về tim mạch:Những vấn đề này có thể hạn chế khả năng bơm máu của tim;
  • Sốc nhiễm trùng:Đây là một phản ứng có thể đe dọa tính mạng khi bị nhiễm trùng nặng do vi khuẩn.
  • Sốc phản vệ:Đây là một biến chứng có thể đe dọa tính mạng của sốc phản vệ, là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Ngoài ra, mất máu do chấn thương có thể dẫn đến huyết áp thấp.

Nguyên nhân do thuốc

Huyết áp thấp đôi khi có thể do sử dụng rượu hoặc sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như:

  • Thuốc lợi tiểu;
  • Thuốc tăng huyết áp;
  • Thuốc tim, chẳng hạn như thuốc chẹn beta;
  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Thuốc điều trị rối loạn cương dương;
  • Thuốc điều trị bệnh Parkinson.

Điều trị huyết áp thấp như thế nào?

Huyết áp thấp không gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng hoặc chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hiếm khi cần điều trị.

Nếu bạn có các triệu chứng, việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, khi thuốc gây ra huyết áp thấp, điều trị thường bao gồm thay đổi hoặc ngừng thuốc hoặc giảm liều.

Nếu không rõ nguyên nhân gây ra huyết áp thấp hoặc không có phương pháp điều trị nào, mục tiêu là tăng huyết áp và giảm các dấu hiệu và triệu chứng. Tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe và loại huyết áp thấp của bạn, bạn có thể thực hiện điều này theo một số cách:

  • Sử dụng nhiều muối hơn: Các chuyên gia thường khuyên bạn nên hạn chế muối trong chế độ ăn uống của bạn vì natri có thể làm tăng huyết áp, đôi khi đột ngột. Đối với những người bị huyết áp thấp, đó có thể là một điều tốt.
  • Uống nhiều nước hơn: Chất lỏng làm tăng khối lượng máu và giúp ngăn ngừa mất nước, cả hai đều quan trọng trong việc điều trị hạ huyết áp.
  • Mang vớ nén: Các loại vớ đàn hồi thường được sử dụng để giảm đau và sưng do giãn tĩnh mạch có thể giúp giảm lượng máu tụ ở chân của bạn.
  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị huyết áp thấp xảy ra khi bạn đứng lên (hạ huyết áp thế đứng). Ví dụ, thuốc fludrocortisone, giúp tăng thể tích máu, thường được sử dụng để điều trị dạng huyết áp thấp này.

Các bác sĩ thường sử dụng thuốc midodrine (Orvaten) để tăng mức huyết áp đứng ở những người bị hạ huyết áp thế đứng mãn tính. Nó hoạt động bằng cách hạn chế khả năng giãn nở của mạch máu, làm tăng huyết áp.

Điều trị huyết áp thấp theo Y học cổ truyền

Theo quan điểm trong Y Học Cổ Truyền thì nguyên nhân gây nên tình trạng huyết áp thấp do khí huyết lưu thông kém, cơ thể hư nhược lâu ngày... Các triệu chứng của bệnh huyết áp thấp thuộc phạm trù huyễn vựng, quyết chứng, hư lao. Cách điều trị bao gồm:

Thời kỳ cấp tính

Nguyên nhân bệnh sinh của thời kỳ này là do dương khí hư, kết hợp với lao lực quá độ, ăn kém, thay đổi tư thế đột ngột mà phát thành bệnh. Lúc này, khí cơ nhất thời nghịch loạn gây đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, có thể ngã, hôn mê, sắc mặt trắng bệch, hơi thở yếu, ra mồ hôi nhiều, chân tay lạnh, chất lưỡi nhợt, mạch trầm vi. Sau thời gian ngắn thì bệnh nhân lại tỉnh dần, sau khi tỉnh không để lại di chứng.

Pháp điều trị: bổ khí hồi dương.

  • Bài thuốc: do bệnh cấp tính nên cần nhanh chóng điều trị. Dùng 12g nhân sâm đun sắc lấy nước uống.
  • Uống ngày 01 thang.
  • Nhĩ châm: điểm dưới vỏ, điểm thượng thận, điểm nội tiết, giao cảm, tâm, phế, điểm thăng áp.
  • Cứu: cứu cách tỏi ở rốn hoặc cho bột hồ tiêu vào rốn rồi dùng cao thuốc bít lại và cứu.

Nhân sâm có tác dụng giúp làm tăng huyết áp và có tác dụng rất tốt đối với những người bị huyết áp thấp

Thời kỳ ổn định

Thể tâm tỳ lưỡng hư

Lâm sàng: sắc mặt trắng, chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, hụt hơi, ngại nói, mệt mỏi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: bổ ích tâm tỳ.

  • Bài thuốc: Bạch truật 15g, Hoàng kỳ 20g, đương quy 12g, phục thần 10g, long nhãn 12g, táo nhân 10g, mộc hương 6g, viễn chí 6g, cam thảo 6g, nhân sâm 3g.
  • Cách dùng: Sắc uống, ngày 01 thang.

Cách bấm huyệt điều trị huyết áp thấp

Các huyệt có hiệu quả đối với điều trị bấm huyệt chữa tụt huyết áp:

  • Huyệt đại lăng có vị trí ở ngay trên nếp gấp của cổ tay, khe giữa gân của cơ gan của bàn tay lớn và bé, hoặc gấp các ngón tay vào lòng bàn tay, đầu ngón tay giữa chạm vào lằn chỉ vân tay.
  • Huyệt thần môn ở vị trí phía xương trụ và nằm trên lằn chỉ của cổ tay, nơi mà chỗ lõm sát với bờ ngoài gân cơ trụ trước và có ngoài bờ trên của xương trụ.
  • Huyệt Trung chủ nằm ở vị trí trên của mu bàn tay và ở giữa ngón xương bàn tay vị trí thứ 4 và thứ 5 trong chỗ hõm trên kẽ ngón tay cách khoảng 0.8 cm.
  • Huyệt dương trì ở vị trí của chỗ lõm trên lằn ngang của khớp xương cổ tay, khe giữa gân cơ duỗi chung với ngón tay và cơ duỗi riêng của ngón tay trỏ, khe giữa đầu dưới xương quay và xương trụ của bàn tay.

Vị trí các huyệt ở bàn tay

Cách làm được thực hiện theo 3 giai đoạn

  • Đầu tiên lấy tay đặt vào yết hầu và lướt qua một bên cho đến khi dưới tay thấy động mạch, đây là vị trí của đúng huyệt. Khi thực hiện động tác này cần ấn vào động mạch xoang cổ khoảng 5 lần và sau đó chuyển qua giai đoạn 2.
  • Sang giai đoạn hai thì cần tìm một vùng mềm ngay trên giữa đỉnh đầu và sử dụng tay ấn xoa tròn và tiếp tục dùng ba ngón tay đặt xuống vùng phía dưới về phía chỗ trũng của chẩm. Tiếp đến đặt ngón tay cái vào chỗ trũng của huyệt phong phủ và nắm chặt điểm này thực hiện đẩy tới và đẩy lui.

Sau khi thực hiện ấn sâu ngón tay cái vào chỗ trũng của huyệt vị khi nào vị trí trở nên đau và mềm ra khi ấn vào.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Tùy thuộc vào lý do huyết áp thấp, bạn có thể giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng.

  • Uống nhiều nước, ít rượu: Rượu làm mất nước và có thể làm giảm huyết áp, ngay cả khi bạn uống có chừng mực. Mặt khác, nước chống mất nước và tăng lượng máu.
  • Chú ý đến các vị trí trên cơ thể bạn: Nhẹ nhàng chuyển từ tư thế nằm sấp hoặc ngồi xổm sang tư thế đứng. Không ngồi khoanh chân.
  • Ăn các bữa ăn nhỏ: Để giúp huyết áp không giảm mạnh sau bữa ăn, hãy ăn thành nhiều phần nhỏ nhiều lần trong ngày và hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate như khoai tây, gạo, mì ống và bánh mì.
  • Tập thể dục thường xuyên: Cố gắng tập thể dục từ 30 đến 60 phút mỗi ngày để tăng nhịp tim và tập sức đề kháng hai hoặc ba ngày một tuần. Tránh tập thể dục trong điều kiện nóng ẩm.

Cách xử lý khi bị tụt huyết áp đột ngột

Sơ cứu người bị tụt huyết áp cần phải thực hiện nhanh chóng và đúng cách, nếu không có thể dẫn đến các biến chứng như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận, tai biến mạch máu não, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Khi một người bị tụt huyết áp, cần xem xét xem người đó có tiền sử bị bệnh tiểu đường không, nếu không thì loại bỏ khả năng người đó bị hạ đường huyết, tập trung sơ cứu hạ huyết áp. Quá trình sơ cứu cần thực hiện theo các bước:

  • Giữ thái độ bình tĩnh, từ từ đặt bệnh nhân ngồi hay nằm xuống bề mặt phẳng, dùng gối kê đầu và chân, nên kê chân cao hơn so với đầu.
  • Cho bệnh nhân uống một cốc nước sâm, trà gừng, cafe, chè đặc,... hoặc thức ăn đậm muối sẽ giúp cơ thể dễ chịu trở lại. Nếu không có sẵn những thức ăn đồ uống như vậy thì cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc để giúp kích thích nhịp tim, nâng chỉ số huyết áp tạm thời.
  • Có thể cho bệnh nhân ăn một chút socola, giúp bảo vệ thành mạch máu, giữ huyết áp ổn định hơn.
  • Nếu có thuốc điều trị huyết áp thấp do bác sĩ kê thì cho bệnh nhân uống.
  • Nếu tình trạng bệnh nhân được cải thiện, đỡ bệnh nhân ngồi dậy từ từ, nhắc họ cử động chân tay trước khi ngồi dậy
  • Nếu bệnh nhân không thấy đỡ hơn cần nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa kịp thời.

Biện pháp phòng ngừa tụt huyết áp

Nếu bạn hay bị tụt huyết áp và có kèm theo triệu chứng, tốt nhất nên đi khám tại bệnh viện để được hướng dẫn điều trị, giúp đưa chỉ số huyết áp về mức ổn định. Đồng thời, áp dụng các biện pháp tại nhà để phòng ngừa hạ huyết áp như:

  • Quản lý chế độ ăn uống: uống đủ nước;
  • Điều chỉnh các thuốc đang uống phù hợp với tình trạng bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ;
  • Có chế độ sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc và gối đầu thấp hơn bình thường;
  • Người lớn tuổi khi muốn thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng, nên đứng lên từ từ, cho thời gian để cơ thể thích ứng, nhất là khi bước ra khỏi giường vào buổi sáng;
  • Nếu công việc yêu cầu phải đứng trong thời gian dài, nên mang vớ áp lực ở chân để giúp máu trở về tim thuận lợi hơn và ngăn ngừa tình trạng máu ứ dồn ở chân;
  • Tập thể dục đều đặn, tránh vận động mạnh liên tục, nên nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút tập, uống đủ nước trong lúc tập luyện;
  • Học cách thư giãn, nghỉ ngơi như ngồi thiền, tập yoga để giải tỏa căng thẳng, stress…;
  • Theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà.

Chú ý: Trong điều trị huyết áp thấp nên phối hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, tìm rõ nguyên nhân bệnh để kết hợp dùng thuốc và xử lý cấp cứu khi cần thiết.

Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger