Những nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII thường gặp

Liệt dây thần kinh số VII là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây truyền. Liệt dây thần kinh số VII có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Mỗi nguyên nhân được xác định dựa trên các phương pháp chẩn đoán khác nhau, từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp.

Liệt dây thần kinh số VII là bệnh gì?

Dây thần kinh số VII là dây vận động, chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt. Tình trạng này trái ngược với liệt mặt trung ương là tổn thương liên quan đến não.

Liệt dây thần kinh số VII gây liệt mặt

Chúng ta ít biết rằng dây thần kinh mặt có đường đi phức tạp từ hệ thống thần kinh trung ương qua thái dương và tuyến mang tai đến các cơ ở vùng mặt. Đó là lý do các tổn thương vận động của nửa mặt có nhiều nguyên nhân như nguyên nhân từ thân não, ở dây thần kinh số VII, ở xương đá hoặc tuyến mang tai...

Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII

Sọ não có 12 đôi dây thần kinh, được gọi là thần kinh sọ để phân biệt với các dây thần kinh của tủy sống. Mỗi đôi dây thần kinh có một chức năng khác nhau, trong đó dây thần kinh số VII phụ trách vận động cơ mặt, cảm giác vị giác cho ⅔ trước lưỡi và cảm giác sờ chạm cho vùng vành tai (vùng Ramsay Hunt).

Đột quỵ là nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII

Liệt dây thần kinh số VII (hay liệt mặt) là tình trạng mất chức năng của dây thần kinh sọ não số VII gây ra sự bất thường trong việc điều chỉnh cơ mặt. Dây thần kinh số VII có thể bị liệt bẩm sinh từ khi sinh ra, tuy nhiên với các trường hợp phát bệnh sau này có thể do một số nguyên nhân như:

  • Đột quỵ não: các trường hợp đột quỵ não như nhồi máu não hoặc xuất huyết não gây tổn thương vào vùng não chỉ huy hoạt động của dây thần kinh sọ não số VII sẽ dẫn tới liệt dây thần kinh gây méo mặt, mắt nhắm không kín, ăn rơi vãi ở bên bị liệt.
  • Nhiễm trùng: một số bệnh lý nhiễm trùng trong vùng tai như viêm tai giữa, viêm tai xương chũm hoặc zona thần kinh (do tái hoạt động virus thủy đậu), nhiễm virus herpes có thể gây viêm hoặc chèn dây thần kinh số VII qua xương đá (tai trong) dẫn đến tê liệt chức năng dây thần kinh.
  • Các tổn thương như chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn thể thao hoặc tai nạn lao động, các phẫu thuật gần vùng tai và mặt có thể gây ra liệt dây thần kinh số VII.
  • Dây thần kinh bị chèn ép khi đi qua đoạn hẹp trong ống thần kinh mặt của xương đá dẫn đến thiếu máu cục bộ và giảm chức năng của dây thần kinh. Cơ chế này thường được cho là gây liệt mặt trên các bệnh nhân có tình trạng giữ nước trong cơ thể dẫn tới phù nề dây thần kinh.
  • Thiếu máu dây thần kinh: đa phần các bệnh nhân liệt mặt thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, sau khi tắm nước lạnh hoặc ra vào phòng máy lạnh. Các mạch máu nhỏ có thể bị co thắt đột ngột dẫn đến liệt.
  • Bệnh lý đái tháo đường gây tổn thương các mạch máu nhỏ cấp máu cho dây thần kinh dẫn đến liệt.
  • Một số bệnh lý như u xơ vùng tai, bệnh Lyme, bệnh quai bị, viêm khớp dạng thấp và bệnh lý tự miễn dịch có thể gây liệt dây thần kinh số VII.
  • Trong thực tế, đa phần các trường hợp liệt dây thần kinh số VII không thể xác định rõ nguyên nhân gây bệnh được gọi là liệt Bell.

Đối tượng có nguy cơ bị liệt dây thần kinh số VII

Bị liệt dây thần kinh số 7 chắc chắn là bệnh lý mà không ai trong chúng ta muốn mắc phải. Tuy nhiên, nếu biết được bản thân bạn và người thân hoặc những người xung quanh có nguy cơ mắc phải căn bệnh trên, chúng ta có thể chủ động phòng tránh bằng nhiều cách. Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ bị liệt mặt như sau:

  • Người đang mang thai.
  • Người suy giảm hệ miễn dịch và sức khỏe suy yếu.
  • Người có thói quen uống rượu bia.
  • Người thường xuyên phải trải qua tình trạng căng thẳng và có thói quen thức khuya.
  • Người có tiền sử với bệnh lý xơ vữa động mạch và huyết áp.
  • Những người có tính chất công việc phải đi sớm về khuya, làm việc vào ban đêm trong môi trường có tiếp xúc với gió lạnh.

Những người thường xuyên phải trải qua tình trạng căng thẳng, bị stress dễ mắc bệnh

Chẩn đoán nguyên nhân liệt dây thần kinh số VII

Nguyên nhân liệt dây thần kinh số VII cần được chẩn đoán kết hợp dựa trên các xét nghiệm và thăm khám lâm sàng của bác sĩ. Một số xét nghiệm chẩn đoán phổ biến bao gồm:

  • Khám lâm sàng: bao gồm các bài kiểm tra cảm giác, chức năng vận động các cơ, bệnh lý nền, hoàn cảnh xuất hiện liệt mặt nhằm đánh giá triệu chứng và tìm hiểu về cơ chế gây bệnh.
  • Kiểm tra mức độ liệt mặt: bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các động tác vận động cơ mặt để đánh giá tình trạng bệnh.
  • Các xét nghiệm bổ sung: các thăm dò hình ảnh học não như: CT scan hoặc MRI giúp bác sĩ đánh giá tình trạng não và dây thần kinh số VII trong sọ.

Liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không?

Bệnh liệt dây thần kinh số VII có thể gây ra các di chứng nặng nề khác nhau như:

  • Các biến chứng mắt: viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí. Các biến chứng này có thể phòng tránh bằng nhỏ mắt bảo vệ, đeo kính, khâu sụn mí hoàn toàn hay một phần.
  • Đồng vận: biểu hiện co cơ không tự chủ phối hợp với các hoạt động tự chủ như mép bị kéo khi nhắm mắt. Thất bại trong điều trị, phục hồi chức năng có thể giảm bớt khó chịu này.
  • Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: biến chứng này gặp ở các thể nặng do tổn thương dây thần kinh với phân bố lại thần kinh một phần.
  • Hội chứng nước mắt cá sấu: hiếm gặp, biểu hiện chảy nước mắt khi ăn.

Phương pháp phòng ngừa liệt dây thần kinh số VII hiệu quả

Để phòng ngừa liệt dây thần kinh số VII, bạn nên thực hiện các thói quen sinh hoạt sau đây:

  • Kiểm soát các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì nếu có.
  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Hạn chế các loại đồ uống có cồn.
  • Tránh việc tắm khuya, ngủ dưới quạt gió hoặc máy lạnh thổi trực tiếp vào mặt.
  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Tránh căng thẳng, lo âu.

Nếu có biểu hiện bị liệt dây thần kinh số 7, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám và điều trị. Không nên tự điều trị tại nhà hoặc điều trị theo kinh nghiệm. Nếu để bệnh ở mức độ nặng, áp dụng các biện pháp điều trị muộn thì rất khó khỏi. Đặc biệt, điều trị muộn có thể gây thoái hóa dây thần kinh, một số trường hợp còn có chiều hướng tiến triển xấu do điều trị sai cách.

Bài viết tham khảo: YHCT, SKĐS, webmd.com, mayoclinic.org bvyhctnghean.vn

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger